Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan ở Việt Nam
Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại phát triển, Hải quan Việt Nam đã chuyển đổi phương thức quản lý từ kiểm tra trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan phù hợp với cơ chế quản lý hải quan hiện đại.
Gần 20 năm phát triển, kiểm tra sau thông quan đã khẳng định vai trò quan trọng, góp phần thực hiện cải cách và hiện đại hóa hải quan ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục để đáp ứng tốt nhất các mục tiêu, yêu cầu cải cách và hiện đại hóa trong bối cảnh mới.
Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng công tác kiểm tra sau thông quan giai đoạn 2011-2020 và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan hướng tới mô hình hải quan thông minh, hải quan số trong giai đoạn tới.
Thực trạng kiểm tra sau thông quan ở Việt Nam
Giai đoạn 2011-2020, hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) được ngành Hải quan tăng cường đẩy mạnh, đặc biệt là từ khi có Chỉ thị số 568/CT-TCHQ ngày 09/02/2011 về tăng cường hoạt động KTSTQ, Chỉ thị số 7180/CT-TCHQ ngày 19/11/2019 về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác KTSTQ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Bảng 1 cho thấy, trong giai đoạn 2011-2020 công tác KTSTQ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể ngành Hải quan đã thực hiện 49.919 cuộc KTSTQ (trong đó, có 8.702 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan, 41.277 cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan), thu về ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 15.925 tỷ đồng.
Kết quả KTSTQ có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2011-2020 về cả chỉ tiêu số cuộc KTSTQ và số thu vào NSNN, đặc biệt trong giai đoạn 2011-2016. Trong đó, năm 2016 ghi nhận số cuộc KTSTQ lớn nhất (10.587 cuộc, gấp khoảng 5 lần so với năm 2011 với 2.065 cuộc), tương ứng với số tiền thu nộp vào NSNN lớn nhất (2.593,6 tỷ đồng, gấp khoảng 6 lần so với số thu ngân sách từ hoạt động KTSTQ năm 2011). Năm 2016 đánh dấu bước chuyển mình của lực lượng KTSTQ qua việc tái cơ cấu toàn lực lượng từ cấp Tổng cục đến các Cục Hải quan địa phương. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Cục KTSTQ, giải thể 14 Chi cục KTSTQ trực thuộc 14 Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Đây là giai đoạn đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu ngành Hải quan theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, do đó số cuộc KTSTQ và số thu ngân sách có sự gia tăng một cách đáng kể, đóng góp không nhỏ vào số thu toàn ngành Hải quan.
Trong các năm 2017, 2018, 2019, tuy số cuộc KTSTQ giảm dần (lần lượt tương ứng là 8.990; 6.320; 4.262) nhưng số thuế thực thu vào ngân sách vẫn ổn định (khoảng trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm). Trong năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động KTSTQ. Do vậy, toàn lực lượng KTSTQ chỉ thực hiện 1.395 cuộc kiểm tra, thu nộp NSNN 941 tỷ đồng tiền thuế ấn định, chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, từ năm 2011 đến nay, công tác KTSTQ đã có một bước phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng, nhưng số thu ngân sách từ hoạt động KTSTQ vẫn còn khiêm tốn. Số thu từ KTSTQ chỉ chiếm khoảng 0,4%-1% trong tổng số thu của toàn ngành Hải quan. Năm 2016, công tác KTSTQ đóng góp số thu nhiều nhất với 2.594 tỷ đồng (tương ứng với 0,96% số thu toàn Ngành; các năm 2015 chiếm 0,82%; năm 2017 chiếm 0,75%; năm 2020, do ảnh hưởng của dịch nên số thu chỉ chiếm 0,3%.
Hình 1 cho thấy, sự gia tăng về tỷ trọng số thu từ hoạt động KTSTQ so với toàn Ngành trong giai đoạn từ năm 2011 (chỉ chiếm 0,19%) cho tới năm 2016 (0,96%), giảm nhẹ vào năm 2014 (0,44%). Điều này thể hiện rõ xu hướng chuyển dịch dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm của ngành Hải quan đáp ứng yêu cầu của quản lý hải quan hiện đại, không chỉ đảm bảo nguồn thu cho ngân sách mà còn góp phần giảm thiểu chi phí và thời gian tại khâu thông quan.
Giai đoạn 2017-2019, sau khi cắt giảm 14/33 Chi cục KTSTQ tại các Cục Hải quan địa phương thì tỷ trọng này có xu hướng giảm xuống còn ở mức xấp xỉ 0,6%-0,7%. Như vậy, nếu như chỉ xét trên phương diện số thu mà lực lượng KTSTQ đóng góp cho toàn ngành Hải quan thì hiệu quả của hoạt động KTSTQ chưa thực sự cao. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do việc cắt giảm đáng kể nguồn nhân lực vào cuối năm 2016, dẫn đến sự sụt giảm về số cuộc KTSTQ, cũng như số thu NSNN từ hoạt động này.
Bên cạnh đó, kết quả của hoạt động KTSTQ chưa đồng đều. Trong khi, một số đơn vị thực hiện KTSTQ có hiệu quả (điển hình là Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP. Hải Phòng, Cục Hải quan TP. Hà Nội, Cục Hải quan Bình Dương) thì ở nhiều đơn vị hiệu quả còn thấp.
Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan ở Việt Nam
Để phát huy vai trò quan trong của công tác KTSTQ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập, phát triển thương mại quốc tế, trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số nội dung cơ bản sau:
Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Thứ nhất, hiện nay, đối tượng kiểm tra, phạm vi và nội dung KTSTQ chưa được quy định tại Luật Hải quan, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, các mẫu biểu KTSTQ kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 01/4/2015 như Quyết định KTSTQ, Bản kết luận KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan, Thông báo kết quả KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan đều nêu rất rõ ràng các vấn đề về phạm vi kiểm tra, nội dung kiểm tra.
Vì vậy, cần bổ sung quy định pháp luật về phạm vi kiểm tra và nội dung của KTSTQ, theo hướng sau: (i) Bổ sung điều luật về phạm vi KTSTQ, quy định trong từng trường hợp KTSTQ, trên cơ sở thu thập và xử lý thông tin, áp dụng quản lý rủi ro để xác định phạm vi kiểm tra là: Kiểm tra việc xuất khẩu, nhập khẩu một mặt hàng hay nhiều mặt hàng trong một giai đoạn; Kiểm tra việc xuất khẩu, nhập khẩu một loại hình hay nhiều loại hình trong một giai đoạn; Kiểm tra một hoặc nhiều nội dung (như kiểm tra chính sách, trị giá, mã số, thuế suất, xuất xứ hàng hóa…) trong một giai đoạn.
(ii) Bổ sung quy định về nội dung kiểm tra, xác định rõ các nội dung mà cơ quan hải quan tiến hành khi thực hiện KTSTQ là: Kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ hải quan; Kiểm tra tính chính xác của các căn cứ tính thuế, tính chính xác của việc kê khai các khoản thuế phải nộp, được miễn, được hoàn; Kiểm tra việc thực hiện các quy định khác của pháp luật hải quan, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thứ hai, một số quy phạm pháp luật về KTSTQ được quy định tại các lĩnh vực pháp luật liên quan chưa đảm bảo tính khả thi. Ví dụ, pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự quy định thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu cho lực lượng KTSTQ đối với tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Tuy nhiên, KTSTQ là khâu kiểm tra trên cơ sở kiểm toán, đối chiếu hồ sơ hải quan với sổ sách chứng từ liên quan, nên việc tìm ra dấu hiệu, chứng cứ đối với tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là khó có tính khả thi.
Mặt khác, việc phát hiện sai phạm trong quá trình KTSTQ liên quan nhiều đến các hành vi gian lận thuế, trốn thuế với biểu hiện cụ thể là không khai hoặc khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn. Tuy nhiên, cơ quan hải quan lại không có thẩm quyền khởi tố đối với tội trốn thuế. Điều này ảnh hưởng đến tính chủ động, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về kinh tế. Do vậy, cần bổ sung quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền khởi tố của cơ quan hải quan đối với tội danh trốn thuế.
Thứ ba, xây dựng và bổ sung các quy định pháp luật về chuẩn mực KTSTQ để hạn chế những khoảng trống pháp lý trong điều chỉnh các quan hệ KTSTQ như: Xây dựng chuẩn mực quy định về trách nhiệm của công chức hải quan ở khâu thông quan; chuẩn mực về tiêu chuẩn công chức KTSTQ; bổ sung chuẩn mực về KTSTQ đối với một số nội dung liên quan số thuế phải nộp như trị giá hải quan, mã số, thuế suất, xuất xứ, gia công, sản xuất xuất khẩu, nhập đầu tư...; bổ sung chuẩn mực KTSTQ trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN về trình tự thủ tục và kỹ thuật ứng dụng hệ thống thông tin, quản lý rủi ro...
Thứ tư, bổ sung quy định về quyền của người khai hải quan khi KTSTQ có kết quả đáp ứng tiêu chí tuân thủ pháp luật. Theo Luật Hải quan hiện hành, chế độ ưu tiên được áp dụng đối với các doanh nghiệp (DN) đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư số 72/2015/TT-BTC ngày 12/5/2015, trong đó có điều kiện về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt mức tương đối lớn (100 triệu USD/năm). Do vậy, chỉ những DN lớn, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm cao thì mới được hưởng những ưu đãi về thủ tục hải quan. Hiện nay, đối với trường hợp KTSTQ để đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, thông tin sẽ được chuyển về Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) để xếp hạng mức độ rủi ro của DN, theo đó những DN tuân thủ tốt sẽ được xếp hạng rủi ro thấp hơn, được hưởng một số ưu đãi trong quá trình làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, chưa có quy định pháp luật cụ thể cho trường hợp DN sau khi KTSTQ đánh giá là tuân thủ pháp luật. Với bổ sung này, DN sẽ nhận thức được lợi ích của việc tự nguyện tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan tại cửa khẩu cũng như trong quá trình thực hiện KTSTQ.
Hoàn thiện quy trình kiểm tra sau thông quan
Cục KTSTQ đã xây dựng Quy trình KTSTQ ban hành theo Quyết định số 575/QĐ-TCHQ ngày 21/3/2019 để hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ và nội dung tiến hành các bước công việc trong hoạt động KTSTQ cho toàn Ngành. Về cơ bản, Quy trình đã đáp ứng yêu cầu của KTSTQ, là cẩm nang trong hoạt động KTSTQ.
Tuy nhiên, hiện tại Quy trình còn tập trung vào việc kiểm tra phụ thuộc vào dấu hiệu rủi ro nên cứ KTSTQ là DN mặc nhiên bị coi có vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín trong hoạt động kinh doanh; đồng thời, cơ quan hải quan khi tiến hành KTSTQ cũng phải tìm dấu hiệu vi phạm của DN.
Trong khi, KTSTQ thực chất là khâu nghiệp vụ tiếp theo của kiểm tra hải quan, qua kiểm tra cơ quan hải quan có thêm thông tin, để xác định mức độ tuân thủ pháp luật làm cơ sở cho việc ưu tiên khi tiến hành kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu tại khâu thông quan. Do đó, cần sửa đổi quy trình theo hướng: KTSTQ là hoạt động nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN. Trên cơ sở đánh giá mức độ tuân
thủ pháp luật của DN thông qua công tác KTSTQ, sẽ ghi nhận những DN chấp hành tốt pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN này trong hoạt động xuất nhập khẩu bằng việc áp dụng phân luồng xanh khi thông quan hàng hóa, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa. Đánh giá quá trình hoạt động xuất nhập khẩu của các DN chủ yếu từ hoạt động KTSTQ, làm cơ sở xác định mức độ tuân thủ pháp luật của các DN.
Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cơ cấu lại lực lượng cán bộ, công chức kiểm tra sau thông quan
Thực tiễn KTSTQ cho thấy, cần tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nắm vững các quy định pháp luật cho cán bộ KTSTQ. Cụ thể: (i) Quy định pháp luật về hải quan và các văn bản hướng dẫn có liên quan, đặc biệt các quy định về phương pháp xác định trị giá hải quan, quy tắc xuất xứ, phân loại và mã số hàng hoá…; (ii) Kiến thức về kế toán, kiểm toán cũng như kỹ năng kiểm tra sổ sách kế toán; (iii) Khả năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác KTSTQ để thực hiện kiểm tra trên hệ thống máy tính của DN; (iv) Khả năng sử dụng ngoại ngữ để hiểu được nội dung các thư tín thương mại và các chứng từ khác liên quan đến giao dịch xuất nhập khẩu.
Mặt khác, do đặc thù của hoạt động KTSTQ, nên việc bố trí cán bộ KTSTQ phải dựa trên một số nguyên tắc sau: (i) Đảm bảo chuyên môn hoá, tính chuyên nghiệp cao, về lâu dài thành lập đội ngũ chuyên gia trong một số lĩnh vực cơ bản của ngành Hải quan; (ii) Kinh qua các công tác thực tế trong ngành đặc biệt là các lĩnh vực chuyên môn có liên quan như: Thủ tục hải quan, kiểm tra thu thuế, điều tra chống buôn lậu; (iii) Một số vị trí cụ thể phải được đào tạo chuyên môn sâu phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ đó; (iv) Kết hợp việc chuyên môn hoá với những kiến thức tổng hợp; kết hợp với cán bộ có kinh nghiệm, cán bộ từ các bộ phận khác luân chuyển sang và cán bộ mới.
Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm tra sau thông quan
Triển khai có hiệu quả một số công việc chủ yếu sau: (i) Hoàn thiện hệ thống VNACCS/VCIS giúp công chức KTSTQ có khả năng tiếp cận với hệ thống cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu của DN một cách nhanh chóng, chính xác nhất, tạo tiền đề cho công tác thu thập, phân tích thông tin phục vụ KTSTQ; (ii) Kết hợp, khai thác toàn bộ các chương trình, phần mềm hỗ trợ hiện có của Ngành cho hệ thống KTSTQ gồm các chương trình: Quản lý tờ khai xuất nhập khẩu, theo dõi vi phạm, kế toán thuế, cơ sở dữ liệu trị giá hải quan, cơ sở dữ liệu về phân loại áp mã hàng hóa và các chương trình khác. Tiếp tục hoàn thiện các chương trình và bổ sung các chức năng phù hợp với sự phát triển của hoạt động KTSTQ; (iii) Hoàn thiện và sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý hoạt động KTSTQ trong toàn Ngành (hệ thống STQ02), liên tục cập nhật và nâng cấp các chức năng của hệ thống từ khâu thu thập thông tin; đề xuất kiểm tra đến tiến hành kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả KTSTQ, tránh sự kiểm tra chồng chéo trên phạm vi toàn quốc, gây phiền toái cho DN xuất nhập khẩu. Đồng thời, phát triển hệ thống liên kết với hệ thống thông tin một cửa quốc gia nhằm hỗ trợ tối đa cho việc thu thập thông tin, giúp giảm thời gian và chi phí lựa chọn đối tượng kiểm tra; (iv) Tiếp tục xây dựng phần mềm quản lý chuyên sâu: Phần mềm quản lý định mức đối với loại hình gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, phần mềm quản lý chuyên ngành; (v) Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (mạng, đường truyền), cung cấp đầy đủ, kịp thời máy móc, trang thiết bị cho các đơn vị trong hệ thống KTSTQ được kết nối thống nhất từ Tổng cục tới Cục Hải quan địa phương; (vi) Xây dựng website riêng phục vụ cho hoạt động KTSTQ.
Tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra sau thông quan
Thứ nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu về DN, hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trên phạm vi toàn quốc theo từng lĩnh vực, từng địa bàn với đầy đủ tiêu chí phục vụ quản lý rủi ro, cập nhật thường xuyên, liên tục và kịp thời. Từ hệ thống thông tin trên, thực hiện sàng lọc, phân loại DN để đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch, định hướng KTSTQ trong từng giai đoạn, tập trung vào nhóm chuyên đề có nguy cơ rủi ro cao, vi phạm pháp luật diễn ra trên diện rộng trong thời gian kéo dài.
Thứ hai, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro đối với từng DN theo từng lĩnh vực như trị giá, mã số, xuất xứ hàng hóa, chính sách mặt hàng… đồng thời, xây dựng phương pháp, các biện pháp áp dụng và kỹ năng thực hiện đo lường và đánh giá rủi ro, từ đó làm cơ sở đánh giá rủi ro của DN. Kết hợp hoạt động thu thập, xử lý thông tin phục vụ đề xuất KTSTQ và kết quả thu được từ KTSTQ để xếp hạng, phân loại DN theo từng mức độ rủi ro. Trên cơ sở đó, thành lập từng nhóm DN rủi ro, từng chuyên đề rủi ro cao theo từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể để tiến hành lựa chọn DN KTSTQ.
Thứ ba, phổ biến các hình thức gian lận và các biện pháp kiểm tra trong các lĩnh vực trị giá, gia công sản xuất xuất khẩu, hàng đầu tư miễn thuế, mã số thuế suất, xuất xứ. Từ đó, nâng cao khả năng nhận biết, đánh giá rủi ro của cán bộ, công chức KTSTQ, tăng tính chính xác của công tác phân loại DN.
Thứ tư, tăng cường phối hợp toàn Ngành trong công tác quản lý rủi ro phục vụ KTSTQ. Hệ thống quản lý rủi ro được xây dựng tập trung cho toàn Ngành phục vụ cho công tác của hoạt động trước, trong và sau thông quan. Do vậy, hoàn thiện quản lý rủi ro phục vụ KTSTQ cũng phải dựa trên cơ sở hoàn thiện công tác quản lý rủi ro của toàn Ngành. Hơn nữa, nguồn thông tin phục vụ hoạt động quản lý rủi ro được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như từ hoạt động kiểm tra trước và trong thông quan; hoạt động quản lý thuế xuất khẩu nhập khẩu; hoạt động giám sát, kiểm soát hải quan, hoạt động điều tra chống buôn lậu… Việc tổng hợp được toàn bộ các nguồn thông tin này sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro chính xác, chặt chẽ, đánh giá đúng mức độ rủi ro của DN để lập kế hoạch kiểm tra phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả KTSTQ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra sau thông quan
Hiện nay, KTSTQ đang hoạt động và khai thác thông tin, dữ liệu trên các chương trình, hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu có sẵn của Ngành, gồm: Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan (Hệ thống VNACCS/VCIS); Hệ thống thông quan điện tử tập trung (Hệ thống V5); Hệ thống thông tin quản lý rủi ro (Hệ thống RM); Hệ thống thông tin vi phạm (Hệ thống QLVP14); Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế (Hệ thống GTT02); Hệ thống thông tin kế toán thuế xuất, nhập khẩu tập trung (Hệ thống KTTT); Hệ thống thông quan tầu biển xuất nhập cảnh (Hệ thống E-Manifest); Hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu phân loại và mức thuế (Hệ thống MHS); Hệ thống thông tin quản lý DN phục vụ KTSTQ và quản lý rủi ro (Hệ thống STQ02); Hệ thống thu thập xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan (Hệ thống CI02); Các danh mục rủi ro hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu…
Theo đó, tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp liên tục hệ thống công nghệ thông tin nói trên để giúp cho công chức KTSTQ có khả năng tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác với các thông tin liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các DN. Bên cạnh việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu cũng cần ứng dụng tối đa các hệ thống phần mềm này vào hoạt động KTSTQ từ khâu phân tích thông tin đến tiến hành kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra, cũng như trong việc xác định rõ dấu hiệu rủi ro và dự kiến phương pháp, kết quả kiểm tra.
Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thông tin trực tiếp trong quá trình tiến hành kiểm tra. Bởi hiện nay tất cả các hoạt động liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của một DN đều được thực hiện và lưu trữ thông qua hệ thống máy tính. Phạm vi của KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan thường là hồ sơ, chứng từ, dữ liệu trong 05 năm nên cơ sở dữ liệu là rất lớn, do vậy cần nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt kỹ năng sử dụng các phần mềm xử lý dữ liệu như excel, access có thể kiểm tra, xử lý đối với lượng dữ liệu đó hiệu quả.
Ngoài ra, cần cải thiện và nâng cao hiệu quả phối hợp trong hoạt động KTSTQ, gồm: Phối hợp trong ngành Hải quan, phối hợp trong ngành Tài chính, phối hợp giữa các ngành có liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý chuyên ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…; Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội DN. Bên cạnh đó, thúc đẩy, tăng cường hợp tác với Tổ chức Hải quan thế giới, Hải quan ASEAN và hải quan các nước trong khu vực.
Tài liệu tham khảo:
1.Cục Kiểm tra sau thông quan (2018), Báo cáo tổng kết năm 2018, 2019, 2020;
2.Trần Vũ Minh (2008), Mô hình kiểm tra sau thông quan ở một số nước trên thế giới và khả năng áp dụng cho Việt Nam;
3.Nguyễn Thị Kim Oanh (2011), Kiểm tra sau thông quan ở Việt Nam trong bối cảnh tự do hóa thương mại;
4.Phạm Thị Bích Ngọc (2014), Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở Việt Nam;
5.Đào Thị Hoa Sen (2018), Hoàn thiện pháp luật về kiểm tra sau thông quan ở Việt Nam;
6.Vũ Văn Hiển (2013), Hoàn thiện hoạt động kiểm tra sau thông quan tại Việt Nam;
7.Nguyễn Thị Thu Hường (2009), Pháp luật về kiểm tra sau thông quan, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn áp dụng của Hải quan Việt Nam;
8. Robert Ireland, Thomas Cantens and Tadashi Yasui (2011), An Overview of Performance Measurement in Customs Administrations;
9.Luc De Wulf and José B.Sokol (2005), Customs Modernization Initiatives;
10.Nobuyuki Shokai (2006), ASEAN Post Clearance Audit Manual.
(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2021