Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước tại tỉnh Cà Mau

Cao Việt Hiếu, Nguyễn Tú Như - Trường Đại học Bình Dương

Thời gian qua, công tác quản lý ngân sách nhà nước của tỉnh Cà Mau đã từng bước đổi mới, hoàn thiện góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý ngân sách tại địa phương này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách trên địa bàn Tỉnh trong tình hình mới.

Đặt vấn đề

Việc nâng qua hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) luôn được các địa phương chú trọng triển khai, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xác định rõ ý nghĩa quan trọng đó, thời gian qua, vấn đề quản lý NSNN của tỉnh Cà Mau đã từng bước đổi mới, hoàn thiện, nhờ đó thu - chi NSNN tăng đều qua các năm theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Điều này góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý NSNN trên địa bàn Tỉnh này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục đồng bộ trong thời gian tới.

Cơ sở lý thuyết

Ngân sách nhà nước và quản lý ngân sách nhà nước

Theo Luật NSNN năm 2015: “NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.

Quản lý NSNN là hoạt động của các chủ thể quản lý NSNN thông qua việc sử dụng có chủ định các phương pháp quản lý và các công cụ quản lý để tác động và điều khiển hoạt động NSNN nhằm đạt được các mục tiêu đã định (Nguyễn Ngọc Hùng, 2015).

Khách thể trong quản lý NSNN là các đơn vị sử dụng ngân sách; các đơn vị dự toán ngân sách được giao trực tiếp quản lý, sử dụng ngân sách. Có thể là các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước vừa có vai trò nộp ngân sách, vừa là đơn vị sử dụng ngân sách; các tổ chức đoàn thể; tổ chức chính trị - xã hội được cấp kinh phí từ ngân sách; các tổ chức xã hội nghề nghiệp được Nhà nước giao nhiệm vụ và cấp kinh phí.

Đối tượng quản lý trong hoạt động quản lý NSNN là các khoản thu ngân sách bằng tiền hoặc giấy tờ, kim loại quý, tài sản có thể chuyển đổi thành tiền từ các nguồn thuế, phí, công quỹ; các khoản chi từ NSNN chi cho hoạt động chi thường xuyên, chi đầu tư công, chi kinh phí hoạt động cho các tổ chức đảng, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp.

Hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước

Theo Lê Chi Mai (2006), hiệu quả quản lý NSNN được thể hiện qua việc tổ chức thu NSNN đảm bảo cho việc chi tiêu đầy đủ, hợp lý, kịp thời theo yêu cầu mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo sự phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, môi trường, quốc phòng - an ninh và đầu tư phát triển trong từng giai đoạn cụ thể của địa phương.

Hiệu quả quản lý NSNN được nhìn tổng quát ở kết quả cuối cùng với chi phí tiết kiệm nhất, nhưng điều quan trọng là thực hiện cân đối tích cực hệ thống NSNN. Việc thực hiện cân đối NSNN được bảo đảm bởi nhiều yếu tố gồm: Luật NSNN, chu trình NSNN, thiết chế phân cấp ngân sách, phương thức quản lý ngân sách, cơ chế điều hành ngân sách, các quy tắc tác nghiệp trong hoạt động của NSNN. Do vậy, khi đánh giá hiệu quả quản lý NSNN cần có cách nhìn và đánh giá toàn diện về các yếu tố cấu thành trong hoạt động của NSNN.

Phương pháp nghiên cứu và thu thập số liệu

Nghiên cứu này sử dụng các phương pháp: Phân tích; tổng hợp lý thuyết; thống kê mô tả; so sánh; phỏng vấn sâu chuyên gia/người am hiểu. Dữ liệu thứ cấp thu thập từ các nguồn gồm: Tài liệu tham khảo, báo cáo chuyên đề, tiểu luận, các tạp chí về tài chính - ngân hàng, website của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước...

Thực trạng quản lý thu, chi ngân sách nhà nước tại tỉnh Cà Mau

Quản lý thu ngân sách nhà nước

Bảng 1: Tổng hợp chi ngân sách nhà nước

tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2023 (ĐVT: Triệu đồng)

Chỉ tiêu

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Tổng chi ngân sách địa phương

8.609.448

9.003.644

9.581.751

(A + B + C)

     

A. Chi cân đối ngân sách địa phương

5.285.807

5.592.688

6.102.056

1. Chi đầu tư phát triển

1.101.468

957.976

1.051.771

2. Chi thường xuyên

3.381.637

3.752.916

4.139.461

Trong đó:

     

- Chi sự nghiệp kinh tế

293.518

310.992

337.986

- Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo

1.410.673

1.566.067

1.739.136

- Chi sự nghiệp y tế

364.434

436.768

527.385

- Chi sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể thao

78.297

80.981

85.848

- Chi đảm bảo xã hội

256.727

279.718

307.621

- Chi quản lý hành chính

605.958

665.869

689.428

- Chi quốc phòng - an ninh

131.091

137.869

199.534

- Chi khác ngân sách

240.939

274.652

252.523

3. Chi chuyển nguồn

802.702

881.796

910.824

B. Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới

2.861.985

2.951.001

3.013.928

Trong đó: Bổ sung cân đối ngân sách huyện, xã

2.481.854

2.521.686

2.680.644

C. Các khoản chi từ nguồn thu được để lại cho đơn vị quản lý qua NSNN

461.656

459.955

465.767

Nguồn: UBND tỉnh Cà Mau (2023)

Công tác thu NSNN tại Cà Mau từ năm 2020 - 2023 đã đạt được kết quả tích cực khi kết thúc các năm đều đạt dự toán Bộ Tài chính và HĐND Tỉnh giao. Cụ thể, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2020 - 2023 thực hiện đạt 15.963 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 14.686 tỷ đồng. Năm 2023, thu NSNN trên địa bàn Tỉnh giảm, do chịu ảnh hưởng bởi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh; Chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất ảnh.

- Công tác quản lý thuế: Tổng số mã số thuế đơn vị, hộ cá thể đang quản lý đang hoạt động trên toàn Tỉnh là 4.968 DN và 7.640 hộ cá thể. Số lượng tờ khai nộp đúng hạn, khai đúng, đủ tiền thuế phải nộp của người nộp thuế ngày càng tăng. Công tác hoàn thuế đã từng bước được hiện đại hóa, khi từ năm 2020 đạt 100% hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đã được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Công tác thanh tra, kiểm tra tra hồ sơ tại cơ quan thuế đạt 100%; tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt 19,5% số lượng DN thuộc diện quản lý thuế. Cơ quan thuế triển khai áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế; Bố trí nguồn nhân lực để tập trung tối đa cho việc thanh tra, kiểm tra thuế, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, dự báo có rủi ro cao. Qua triển khai đồng bộ các giải pháp, cơ quan thuế đã truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp thu vào NSNN từ năm 2020 đến năm 2023 là 278 tỷ đồng; thanh tra hoạt động chuyển giá đối với 35 DN, qua thanh tra đã kiến nghị tăng thu cho NSNN trên 63,2 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quản lý nợ thuế, đôn đốc thu hồi kịp thời số nợ đọng thuế vào ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh. Tuy nhiên, tổng số tiền thuế nợ ước tính đến ngày 31/12/2023 là 1.197 tỷ đồng; trong đó, nợ khó thu là 232 tỷ đồng; Nợ có khả năng thu là 965 tỷ đồng. Trong số nợ có khả năng nộp là 965 tỷ đồng, thì có 13 DN nợ thuế lớn chiếm 79,9% khó thu hồi.

- Thu phí và lệ phí: Phí và lệ phí là khoản thu quan trọng nộp vào NSNN, tuy nhiên khoản thu này của địa phương chiếm tỷ trọng thấp, năm 2018 chiếm 8% trong tổng thu cân đối NSNN, đến năm 2023 khoản thu này cũng chỉ chiếm 9,4%. Đây là khoản thu vừa mang tính chất bù đắp chi phí, vừa mang tính động viên sự đóng góp vào NSNN. Hiện nay, để tăng thu ngân sách địa phương cần chú trọng khoản thu này.

- Thu từ thuế xuất, nhập khẩu: Kim ngạch xuất, nhập khẩu chịu thuế tại Cà Mau chiếm tỷ trọng nhỏ. Năm 2020 thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 22 tỷ đồng, đến năm 2023 thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 364 tỷ đồng. Do Cà Mau không có nhiều DN xuất khẩu, các mặt hàng đặc trưng, truyền thống của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như gạo, thủy sản, hải sản, nông sản, dệt may..., nên hàng hóa nhập khẩu chủ yếu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu của DN chế xuất, hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế. Trong khi đó có rất ít DN nhập khẩu hàng hóa có thuế lớn hoạt động trên địa bàn, nguồn thu chỉ đến từ các mặt hàng truyền thống, đa số đều không có thuế nhập khẩu hoặc thuế suất thấp.

Quản lý chi ngân sách nhà nước

Chi NSNN trên dịa bàn Tỉnh đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việc phân bổ dự toán hàng năm theo quy trình và thời hạn quy định, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát kỹ các nhiệm vụ chi ngoài định mức khoán chi, không bố trí dự toán cho các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách. Các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã trên địa bàn Tình Cà Mau tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính tạo nguồn cải cách tiền lương, bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định của Chính phủ. Tổng chi ngân sách địa phương tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2023 có sự gia tăng qua từng năm và có chiều hướng tăng (năm 2022 tăng 4,58% so với năm 2021; năm 2023 tăng 6,42% so với năm 2022). Điều này cho thấy do ảnh hưởng của các chính sách thắt chặt chi tiêu của Nhà nước nên Tỉnh đã cắt giảm một số khoản chi không cần thiết trong chi quản lý hành chính. Riêng khoản mục chi quốc phòng - an ninh năm 2023 tăng 45,8% so với năm 2022, do tình hình chính trị - xã hội nước ta năm 2023 có nhiều thay đổi bất ổn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chi thường xuyên ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư cho chiến lược con người trên các lĩnh vực y tế, khoa học - công nghệ, bảo đảm xã hội, văn hóa thông tin, coi đây là lĩnh vực ưu tiên trong chi thường xuyên. Việc chi ngân sách đã đảm bảo kinh phí cho giữ vững trật tự - an toàn xã hội, ổn định chính trị, góp phần tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế địa phương...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thu – chi NSNN trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng còn những khó khăn, thách thức như: Việc đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế và các khoản thu NSNN đạt kết quả chưa như kỳ vọng; Tình trạng các đơn vị, DN trên địa bàn còn nợ đọng thuế còn nhiều, do ảnh hưởng của khó khăn của nền kinh tế; Công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế đạt kết quả bước đầu và cần tiếp tục cải thiện hơn nữa trong thời gian tới...

Nâng cao hiệu quả quản lý thu chi ngân sách nhà nước tại tỉnh Cà Mau

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý thu, chi NSNN trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường các biện pháp thu thuế, nâng cao hiệu quả quản lý thu và chống thất thu NSNN.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán gắn với hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Tích cực hỗ trợ người nộp thuế, tạo môi trường cho DN, người nộp thuế nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu NSNN.

Triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; thường xuyên rà soát, phân tích các nguồn thu mới phát sinh, tình hình sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế theo lĩnh vực, sắc thuế, DN trọng điểm để chỉ đạo thu NSNN kịp thời..., nhằm tạo nguồn thu ổn định và phát triển cho ngân sách của Tỉnh.

Cùng với đó, cơ quan thuế trên địa bàn Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý thuế; đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung thực hiện các luật thuế nhằm hạn chế vi phạm pháp luật thuế; từng bước nâng cao tính tự giác, tuân thủ pháp luật của DN, người dân. Tích cực đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế và các khoản thu NSNN; giảm thiểu tối đa nợ đọng thuế. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thu NSNN.

Hai là, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Quản lý chặt chẽ chi NSNN ngay từ khâu lập dự toán đến tổ chức thực hiện. Thực hiện nghiêm các quy định về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước, mua sắm trang thiết bị đắt tiền. Ưu tiên dành nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh - quốc phòng, các dịch vụ quan trọng thiết yếu khác.

Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với tiến độ và lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, điều chỉnh giá phí... theo quy định.

Ba là, quản lý chi đầu tư phát triển từ NSNN đảm bảo hiệu quả. Rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là cảc công trình trọng điểm của Tỉnh, có tính kết nối, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Xây dựng, phân bổ và giao kế hoạch vốn phù hợp với khả năng thực hiện của từng nguồn vốn, từng dự án. Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công.

Bố trí ngân sách cho các dự án phải tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triến kinh tế - xã hội của Tỉnh; bố trí vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; tập trung xử lý thu hồi dứt điểm vốn ứng trước; phần còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bốn là, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thi đua khen thưởng trong quản lý NSNN. Xử lý kịp thời, đầy đủ các sai phạm được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý, điều hành khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách chưa đúng quy định.

Kiểm tra thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh sai sót, xử lý nghiêm các gian lận. Công tác kiểm tra phải được thực hiện đột xuất và định kỳ với các nội dung kiểm tra khác nhau, để vừa đảm bảo nhân sự và thời gian kiểm tra có hiệu quả, góp phần tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo kiểm tra phát hiện được các sai phạm để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị.

Năm là, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, máy móc, thiết bị bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng để tạo nguồn tài chính bổ sung NSNN phục vụ cho mục tiêu đầu tư phát triển và các nhu cầu khác theo quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí thất thoát tài sản công.

Ngoài các giải pháp trên, cấp có thẩm quyền trong Tỉnh cần khai thác hiệu quả tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản kết cấu hạ tầng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; chấm dứt việc sử dụng tài sản cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, kinh doanh không đúng quy định của pháp luật.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Ngân sách nhà nước 2015;
  2. UBND tỉnh Cà Mau, Báo cáo số 379/BC-UBND về tình hình thực hiện dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ ngân sách năm 2021;
  3. UBND tỉnh Cà Mau, Báo cáo số 339/BC-UBND về tình hình thực hiện dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ ngân sách năm 2022;
  4. UBND tỉnh Cà Mau, Báo cáo số 387/BC-UBND về tình hình thực hiện dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ ngân sách năm 2023.
  5. Nguyễn Ngọc Hùng, “Quản lý ngân sách Nhà nước”, NXB Thống kê, 2015;
  6. Lê Chi Mai, “Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước cho chính quyền địa phương: Thực trạng và giải pháp”, NXB Chính trị quốc gia;
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2024