Giải pháp nào để CPI tăng bền vững?
(Tài chính) Mặc dù CPI tháng 6 cao hơn tháng trước là 0,3%, và tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng này lại không phải do tăng từ sản xuất kinh doanh hay thu hút vốn mà chủ yếu tăng do điều chỉnh giá tiêu dùng. Đây chưa phải là giải pháp tối ưu cho nền kinh tế.

Muốn có nền kinh tế phát triển ổn định thì chỉ số CPI phải tăng phù hợp với tăng tổng thể nền kinh tế. Kích thích đầu tư, tăng giá hàng hóa dịch vụ, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa… đâu là giải pháp bền vững?
Trong 6 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,23% - mức tăng bình quân thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Việc CPI năm nay tăng thấp có thể lý giải bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Lí giải về các nguyên nhân tác động đến CPI, PGS., TS. Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng một trong những yếu tố khiến CPI tháng này tăng là do giá cả, cụ thể: giá dịch vụ y tế tại TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng từ ngày 1/6/2014 làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,87%; giá gas, giá dầu và học phí trong giáo dục. Nguồn tăng này được đánh giá là không bền vững, do sức mua chưa ổn định. Vì thế, tăng tổng cầu được xác định là một trong những giải pháp để tăng CPI, qua đó làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Theo nhận định của ông Trần Hoàng Ngân, lúc này không phải thúc đẩy tiêu dùng mà phải thúc đẩy tăng vốn kích cầu đầu tư xã hội. Trong đó, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ rất quan trọng. Tuy nhiên, vừa qua tốc độ giải ngân nguồn vốn này khá chậm, vì thế để giải quyết vấn đề này phải tăng tốc độ giải ngân nguồn vốn huy động được, có như vậy mới mới tăng được tổng cầu đầu tư, thúc đẩy phát triển nguồn kinh tế.
Nguồn vốn thứ hai là từ khu vực kinh tế liên doanh, hiện ở nước ta khoảng 96% doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa phần các doanh nghiệp này đều khó tiếp cận với nguồn vốn do tài sản thuế chấp thấp. Do vậy, Chính phủ cần có sự hỗ trợ với các doanh nghiệp này thông qua quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại một số địa phương đã có thành lập mô hình này nhưng mức độ quỹ này rất nhỏ. Vì vậy, việc cần thiết lúc này là chúng ta phải chuyển một nguồn nhất định từ ngân sách nhà nước cho quỹ này, đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn, một khi doanh nghiệp có vồn thì họ sẽ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, từ đó ngân sách cũng có được nguồn thu. Việc đầu tư này giống với đầu tư nuôi dưỡng nguồn ngân sách của chính phủ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó cũng là cách giúp tăng tín dụng, khi tín dụng tăng cũng là tăng tổng đầu tư nền kinh tế.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên đẩy mạnh triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp giống như gói cho vay liên kết 4 nhà trong thị trường bất động sản, gói 16 nghìn tỉ hỗ trợ ngư dân đóng tàu để kích cầu đầu tư… Cũng theo ông Ngân, một trong những giải pháp mà chính phủ cần phải hướng đến là phải có hỗ trợ để kích thích nền kinh tế bằng ngồn vốn cho vay với lãi suất ổn định, trong thời gian trung và dài hạn để doanh nghiệp vay đầu tư về mặt kỹ thuật, công nghệ một mặt tăng năng suất, một mặt tăng tính tự chủ của doanh nghiệp Việt. Ngân hàng Nhà nước cần giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng, từ đó cũng tác động tích cực đến sản xuất.
Cùng với đó phải có chính sách đúng đắn và quyết liệt để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đó là lĩnh vực Việt Nam còn rất yếu kém mà Chính phủ cần đặc biệt quan tâm. Ví dụ như ngành dệt may, để có được nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước theo đúng cam kết hưởng thuế ưu đãi khi ra nhập TPP thì Chính phủ phải có sự hỗ trợ về nguồn vốn ổn định, lãi suất thấp trong thời gian dài hạn, để doanh nghiệp có cơ sở tính toán dự trù những rủi ro, cũng như đầu tư vùng nguyên liệu, công nghệ, kỹ thuật.
CPI tăng nhẹ cũng có thể coi là một tín hiệu tích cực trong nỗ lực phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chúng ta cần phải đẩy mạnh đầu tư xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh phát triển, đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm, ở lĩnh vực tiêu dùng cần phải giải phóng hàng tồn. Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng cần có thời gian để tác động.