Giải pháp nào để “kìm hãm” tốc độ tăng giá bất động sản?

Theo Thiên Anh/reatimes.vn

Theo các chuyên gia, việc khan hiếm nguồn cung chính là nhân tố ban đầu tác động làm tăng giá bất động sản như hiện nay. Nếu chúng ta cân bằng được cung - cầu sẽ tự khắc bình ổn được giá, thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giá bất động sản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Từ đầu năm 2022 đến nay, đi đến đâu cũng thấy thị trường bất động sản đang rất “sục sôi”, giá nhà đất khắp nơi không ngừng đi lên do nhu cầu tăng cao và hầu hết các chi phí đầu vào như chi phí tạo lập quỹ đất, tiền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng… đồng loạt leo thang, dẫn đến giá thành bị đội lên.

Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng dân số là quá trình phát triển tự nhiên khi con người có xu hướng di cư, sinh sống và làm việc ở những nơi thuận tiện cho việc đi làm, đi lại, môi trường sống. Từ đó dẫn tới việc, nguồn cung không đuổi theo kịp được nguồn cầu.

Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam đầu năm 2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, 92% người được hỏi đang có ý định mua nhà, hơn 75% chủ sở hữu bất động sản muốn mua thêm một tài sản khác trong khi vẫn giữ bất động sản hiện tại. 

Cũng theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, đa phần các dự án chung cư dự kiến được bàn giao trong năm 2022 đều có giá bán khá cao (từ 30 triệu đồng/m2 trở lên), hướng đến nhóm khách hàng trung, cao cấp. Đối với đất nền, theo khảo sát của phóng viên, ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, có những khu vực giá đất tăng 50% so với cách đây 5 tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản đang chứng kiến nguồn cung eo hẹp; trong khi đó, sức cầu của thị trường là rất lớn. Điều này đã làm đẩy giá nhà tăng mạnh như hiện nay và thiếu hụt nguồn căn hộ bình dân. 

Ông Đính dự báo, trong năm 2022, kịch bản khả quan hạ giá chung cư là điều khó xảy ra, nhất là khi nguồn cung đang khan hiếm. Tình trạng lạm phát, tăng chi phí nguyên vật liệu sẽ tiếp tục đẩy giá căn hộ tăng cao.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam nhìn nhận, các dự án ra hàng vào cuối năm nay và nửa đầu năm 2022 có thể sẽ chịu áp lực tăng giá do giá vật liệu xây dựng tăng cao, yếu tố lạm phát cũng như nguồn cung mới không được dồi dào. Do đó, việc giảm giá bất động sản là rất khó xảy ra.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, mức độ tăng giá đến từ sự kỳ vọng tăng trong tương lai, tức là người ta muốn giữ tài sản và chờ tăng giá trong tương lai. Ngoài ra, liên quan đến nhu cầu, nhu cầu tăng mạnh cũng tác động đến giá bất động sản. Đó là những nguyên nhân cốt yếu làm cho giá bất động sản tăng trưởng trong thời gian qua, dù dịch bệnh nhưng mọi người vẫn kỳ vọng mức độ tăng giá trong tương lai sẽ tiếp diễn.

Nỗ lực bình ổn giá, thị trường bất động sản

Theo các chuyên gia, để giá nhà đất ổn định trở lại, điều cần ưu tiên lúc này là tháo gỡ nút thắt nguồn cung, mà muốn vậy thì các chính sách hỗ trợ cần tập trung vào điều này, trong đó quan trọng là nguồn cung nhà xã hội cho thuê. Thực hiện nghiêm các chính sách thuế để chống đầu cơ, điều tiết thu nhập của những người có nhiều nhà cho thuê để lấy nguồn đó hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích việc sở hữu căn nhà đầu tiên cho lao động trẻ thông qua chính sách lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay.

Nói về giải pháp, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, nội hàm thị trường vẫn đang rất tốt nên cách giải quyết “bong bóng” bất động sản là tháo gỡ các rào cản quy định pháp luật để thị trường có thêm nhiều nguồn cung.

"Nếu thị trường dồi dào nguồn cung thì cung - cầu tự điều tiết. Khi cung nhiều, chủ đầu tư bán giá cao sẽ không ai mua, phải điều tiết lại cho hợp lý với nguồn cầu, giá bất động sản lúc đó sẽ cân bằng lại", ông Đính nhấn mạnh.

Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cũng cho hay, khó khăn lớn trên thị trường bất động sản nhà ở hiện nay là vấn đề thiếu nguồn cung. Chính vì vậy, điều quan trọng là hỗ trợ mở rộng nguồn cung bất động sản ra thị trường để “bong bóng” bất động sản và kinh tế không xảy ra. Nếu không, giá cả sẽ tiếp tục leo thang trong năm 2022 và ngành bất động sản sẽ trở nên khó chạm tới, kể cả với người mua nhà ở, khách thuê văn phòng hay những nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội, để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, Sở Công thương đã vận động các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối ký hợp đồng với các nhà cung cấp với thời lượng hợp đồng dài hạn để bình ổn giá thường xuyên. Như vậy, sẽ giảm được sự tác động của biến động giá xăng dầu, cố gắng giữ giá thành ổn định nhất trên thị trường trong thời gian sắp tới.