Giải pháp nào tăng trưởng xuất khẩu bền vững?
Muốn trở thành quốc gia xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao, theo ông Tuân, Nhà nước phải có chính sách thuế phù hợp; có chính sách ưu đãi các DN mở hệ thống phân phối tại nước ngoài; có chính sách khuyến khích kiều bào tích cực phân phối hàng Việt.
Kim ngạch cao nhưng chưa bền vững
Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh về quy mô; năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nước ta cũng không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu. Năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016.
Năm 2018, tình hình xuất khẩu được nhận định sẽ tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng khi các cam kết hội nhập được triển khai sâu rộng giúp thuế xuất nhập khẩu tiếp tục giảm sâu. Những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh trong nước cũng sẽ tạo động lực xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 266,17 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 134,51 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hàng loạt các vấn đề bất cập liên quan đến xuất khẩu cũng được chỉ ra. Theo đại diện Công ty Sợi Thế Kỷ, mặc dù giá trị xuất khẩu dệt may tăng trưởng tốt, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. “Tốc độ xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2018 là 15,3%/năm thì trong đó Trung Quốc chiếm 54% trong tổng nguồn cung vải nhập khẩu của Việt Nam”, vị này nói.
Liên quan đến các rào cản khi xuất khẩu nông sản, ông Đoàn Anh Tuân - Công ty chè Thế hệ mới cho biết, trở ngại đến từ chính DN do phần lớn các DN Việt Nam có quy mô rất nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại.
“Các DN Việt Nam mới chỉ là thế hệ thứ nhất, thứ hai sau khi đất nước mở cửa gần 30 năm trước nên tầm chiến lược chưa có. Tư duy lại ngắn hạn chủ yếu chạy theo thành tích về số lượng… chứ chưa phải là xây dựng được thương hiệu. Chưa có cái nhìn toàn cầu hóa, không hiểu hết hệ thống phân phối, văn hóa tiêu dùng của nước nhập khẩu. Cùng với đó, kiến thức về quản lý sản xuất, thương hiệu, luật pháp nước nhập khẩu… rất hạn chế”, ông Tuân nói.
Không chỉ ở DN, trở ngại còn đến từ chính sách của nước nhập khẩu và các đối tác khi các nước đều có xu hướng muốn bảo hộ nền sản xuất của nước mình. Dẫn ví dụ ông Tuân cho hay, 20 năm trước xuất khẩu thành phẩm sang Nga rất dễ dàng, nhưng sau này gần như không thể do chính sách thuế nhập khẩu của Nga đã thay đổi. Trong khi đó, Nhà nước lại chưa có chính sách rõ rệt trong việc khuyến khích xuất khẩu thương hiệu Quốc gia.
Để xuất khẩu tăng trưởng cao, bền vững
Muốn trở thành quốc gia xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng (GTGT) cao, theo ông Tuân, Nhà nước phải có chính sách thuế phù hợp; có chính sách ưu đãi các DN mở hệ thống phân phối tại nước ngoài; có chính sách khuyến khích kiều bào tích cực phân phối hàng Việt. Cùng với đó, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hình ảnh đất nước thông qua sản phẩm…
Đồng quan điểm này, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Nhà nước cần xây dựng hình ảnh, định vị một số ngành hàng có thế mạnh của đất nước. Ví dụ như nói đến đồng hồ, người tiêu dùng nhớ ngay đến Thụy Sỹ, hay nói đến ôtô, người ta nhớ ngay đến Nhật Bản...
Ở góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên mới chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối cùng, GTGT thấp và kết nối trong nước yếu.
Hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ: Hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp có GTGT thấp. Hoặc là đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) để tham gia vào công đoạn đem lại GTGT cao hơn.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì dư địa dành cho các DN sản xuất trong nước không nhiều. DN FDI lớn nhưng có mạng lưới cung cấp riêng. Hầu hết công đoạn GTGT cao nằm ở ngoài Việt Nam (đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi…). Trong khi hiện chỉ 300 DN trong nước đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng, nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong đó chỉ có 2% là DN lớn, 2-5% là DN vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.
“Vấn đề chính của DN Việt Nam là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính. Thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến các DN trong nước. Rất ít DN kết nối được vào GVC”, bà Lan thông tin thêm.
Chính vì vậy theo bà, tăng cường năng lực cạnh tranh trong nước rất quan trọng. Muốn vậy phải cải cách toàn diện theo chiều ngang và dọc ở các ngành cụ thể, triển khai theo một nghị trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh
“Khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia GVC. Vì vậy vấn đề quan trọng là cần tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa DN xuất khẩu với các DN cung cấp đầu vào trong nước”, bà Lan nhấn mạnh.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp trọng tâm như: thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu; đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và đổi mới thông tin thị trường; cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu.