Xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ cần chuẩn bị ứng phó với các quy định mới
Mặt hàng tôm và bào ngư xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải tuân theo Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản Hoa Kỳ (SIMP) có hiệu lực vào ngày 31/12/2018. Điều này buộc các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải có sự chuẩn bị nguồn dữ liệu ngay từ bây giờ để đáp ứng các yêu cầu giám sát của nhà nhập khẩu.
Theo Tổng cục Thủy sản, kể từ ngày 1/1/2018, Hoa Kỳ triển khai chương trình giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản nhập khẩu vào nước này. Đây là các loài hải sản ưu tiên của SIMP nhằm chống lại các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và gian lận thương mại thủy sản. Khi đó, chương trình chủ yếu áp dụng đối với các đối tượng thủy hải sản đánh bắt, tôm và bào ngư nằm ngoài đối tượng giám sát.
Tuy nhiên, mặt hàng tôm, bào ngư xuất khẩu vào Hoa Kỳ chính thức được đưa vào SIMP theo quy định cuối cùng được Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 24/4/2018. Theo đó, từ sau ngày 31/12/2018, các nhà nhập khẩu phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình SIMP. Hiện Hoa Kỳ nhập khẩu 600.000 tấn tôm hàng năm, trong đó Việt Nam chiếm 55.000 - 60.000 tấn.
Theo bà Celeste Leroux, chuyên gia của NOAA chương trình SIMP áp dụng với các lô hàng hải sản từ nước ngoài nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Theo đó nhà nhập khẩu trong hồ sơ phải thường trú ở Hoa Kỳ và có giấy phép thương mại thủy sản quốc tế hiện hành. Ngoài ra, có hai loại thông tin truy xuất nguồn gốc bắt buộc phải có.
Đó là thông tin về thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo bằng điện tử tại thời điểm nhập khẩu thông qua Hệ thống dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS) và hồ sơ chuỗi hành trình. Hồ sơ chuỗi hành trình là tài liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ lúc thu hoạch đến điểm nhập cảng Hoa Kỳ, phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong 2 năm và có thể được yêu cầu xuất trình khi kiểm tra.
Dù có hiệu lực vào cuối năm 2018 nhưng để chủ động cho việc xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam cần phối hợp với nhà nhập khẩu để thu thập đầy đủ các dữ liệu yêu cầu cho việc tuân thủ SIMP, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ.
Bà Celeste Leroux cho biết thêm, quy tắc thiết lập SIMP chỉ áp dụng cho hải sản từ nước ngoài vào Hoa Kỳ. NOAA có thể hỗ trợ cho DN bằng cách gửi thông tin để NOAA xem xét giúp và sẽ cho DN biết nếu có bất kỳ thông tin nào bị thiếu trong chuỗi cung ứng mà phía nhà nhập khẩu Hoa Kỳ yêu cầu truy xuất. Đại diện NOAA cho rằng, do ở Việt Nam có nhiều trường hợp sản xuất nhỏ lẻ nên có thể làm việc cụ thể với NOAA. Tuy nhiên, các DN ít nhất phải có bằng chứng, chứng minh được rằng nông dân đó đã được cấp phép sản xuất theo quy hoạch.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và sản xuất thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, ở Việt Nam hiện đã có nhiều DN thực hiện các chương trình truy xuất nguồn gốc và đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau.
Với những kinh nghiệm này, các DN hoàn toàn có thể đáp ứng các quy định mới của thị trường Hoa Kỳ. Vấn đề là cách DN hệ thống hóa và chuẩn hóa thông tin mà DN cần cung cấp và giữ hồ sơ được chuẩn hóa để cung cấp cho nhà nhập khẩu.
Từ phía DN cũng cho rằng, các nhà xuất khẩu Việt Nam có uy tín đều đã thực hiện chương trình truy xuất nguồn gốc trong một thời gian dài, vì vậy các DN có nhiều kinh nghiệm và chương trình SIMP không quá khó cho DN.
Tuy nhiên, một số quy định của SIMP khá chi tiết, thủ tục còn rườm rà buộc DN phải chuẩn bị thêm một đội ngũ để chuẩn bị hồ sơ, tốn thêm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, với thời hạn chỉ còn vài tháng để chuẩn bị khá gấp, hàng hóa xuất đi dễ bị ách tắc trong giai đoạn đầu.