Giải pháp tài chính – tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho ngành Dệt may
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là ở Mỹ, nhiều quốc gia ở châu Âu... Kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng, đặc biệt là ngành Dệt may bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Dệt may đã và đang được triển khai, trong đó có giải pháp tài chính – tiền tệ. Tuy nhiên, giải pháp về mặt lâu dài là các doanh nghiệp dệt may cần chủ đông, linh hoạt trong chiến lược sản xuất kinh doanh, đa dạng mặt hàng, đa dạng nhà cung cấp và đa dạng thị trường, đa dạng nhà nhập khẩu.
Những khó khăn hiện nay của ngành Dệt may
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành Dệt may của Việt Nam hiện nay mang tính chất đa chiều, bao gồm cả việc cung ứng vật tự, nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may, cũng như ảnh hưởng đến đầu ra, thị trường xuất khẩu, các hợp đồng xuất khẩu quần áo, hàng dệt may. Thậm chí, nhiều hợp đồng xuất khẩu dệt may đã giao hàng nhưng bên nhập khẩu đề nghị hoãn thanh toán (bởi việc thực hiện quy định giãn cách xã hội tại các nước khiến người dân không ra khỏi nhà, không đến các trung tâm mua sắm. Các đơn vị nhập khẩu không bán được hàng, hàng bị tồn trong kho, không có tiền để thanh toán).
Tại các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, các công ty thành viên sẽ phải xem xét tạm dừng hoạt động và ngừng trả lương cho 50.000 công nhân. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đơn hàng dệt may tháng 4 và 5/2020 của Việt Nam đã giảm khoảng 70% so với năm 2019. Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu được khống chế vào cuối tháng 6/2020, dự kiến, Vinatex vẫn sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng (tương đương 42,4 triệu USD), gấp đôi lợi nhuận ròng 510 tỷ đồng của Tập đoàn này trong năm 2019.
Đến cuối tháng 6/2020 nhiều nước ở châu Âu, nhiều bang tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia ở châu Mỹ liên tiếp thực hiện biện pháp “phong tỏa” và chuỗi vận chuyển xuất khẩu gần như bị gián đoạn đã khiến cho nhu cầu giảm mạnh, giáng đòn khá lớn đối với các nhà máy dệt may Việt Nam (và cả Trung Quốc).
Dịch Covid-19 cũng cho thấy, nguyên vật liệu ngành Dệt may Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vượt 39 tỷ USD và nhập khẩu nguyên vật liệu thô lên tới 22,36 tỷ USD, trong đó vải, sợi và nguyên liệu thô chiếm tới 60%, 55% và 45% tổng lượng nhập khẩu để phục vụ sản xuất.
Mặc dù các công ty dệt may của Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp khác từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác, song nguyên liệu thô từ các thị trường này không phong phú, khó có thể đáp ứng các đơn đặt hàng quy mô nhỏ và giá cả thường cao hơn so với nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giải pháp tài chính tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho ngành Dệt may
Trước thực trạng khó khăn nêu trên, ngành Dệt may đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu khoản vay, điều chỉnh kỳ hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành này vượt qua giai đoạn khó khăn vì thiếu nguyên liệu, sản xuất không bán được hàng, các hợp đồng xuất khẩu đã ký trước đó bị hủy bỏ, hay bị đối tác yêu cầu giãn, kéo dài thời gian giao hàng.
Bên cạnh đó, ngành Dệt may cũng kiến nghị Bộ Tài chính có giải pháp cân đối thu chi ngân sách, chính sách thuế hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may nói chung, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ cho ngành này; Đảm bảo thông quan hàng hóa, cắt giảm chi phí đầu vào cho DN như giảm phí điện, nước. Trong đó, tập trung việc giãn thời gian nộp, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT không phạt chậm nộp thuế, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Ngành Dệt may cũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần nghiên cứu văn bản pháp luật có liên quan, báo cáo đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành chính sách miễn đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn trong thời gian DN gián đoạn sản xuất và người lao động nghỉ chờ việc. Ngoài ra, ngành Dệt may cũng đã kiến nghị các địa phương, trong đó có UBND TP. Hồ Chí Minh bổ sung thêm danh mục ngành nghề dệt may vào chương trình kích cầu để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và duy trì mức tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng đã kiến nghị các bộ, ngành và địa phương khẩn trương có hướng dẫn và triển khai đồng bộ để thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Nghị quyết số 42/NQ-CP Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ và các chính sách khác có liên quan đã được ban hành.
Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ cho phép cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, Hiệp hội kiến nghị các ngân hàng, TCTD và các địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời để doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.
Đồng thời, đề nghị NHNN chỉ đạo hệ thống ngân hàng, TCTD không yêu cầu doanh nghiệp chứng minh trên báo cáo kế toán các ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm suy giảm khả năng trả nợ, vì những tác động của dịch đối với doanh nghiệp thực tế hiện hữu. Chính sách hỗ trợ là để doanh nghiệp tồn tại, phục hồi sau dịch chứ không nên để doanh nghiệp đóng cửa rồi mới hỗ trợ.
Triển khai xử lý kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước
Sau khi nhận được báo cáo, kiến nghị của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), Thống đốc NHNN đã trực tiếp có buổi làm việc với Tập đoàn để xem xét, xử lí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh.
Trong đó, về kiến nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giảm phí, cho vay mới với lãi suất thấp để phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN cho biết đơn vị đã ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và chủ động chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Cụ thể các TCTD cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi suất cho khách hàng nói chung, trong đó có các doanh nghiệp dệt may và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. NHNN cũng đã giao TCTD quy định cụ thể đối tượng, điều kiện khách hàng, điều kiện doanh nghiệp dệt may được hỗ trợ, xem xét cho vay mới với lãi suất thấp.
Do đó, NHNN đã đề nghị các Công ty dệt may là thành viên của Vitas và Vinatex chủ động làm việc với các TCTD để được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, cho vay mới và các chính sách hỗ trợ khác.
Về kiến nghị cho vay trả lương với lãi suất 0%, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, quy định người sử dụng lao động, doanh nghiệp dệt may có đông công nhân, có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế không quá 3 tháng với lãi suất 0%.
Thời hạn các công ty dệt may được vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
NHNN đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) vay tái cấp vốn tại NHNN để cho người sử dụng lao động vay trả lương với lãi suất 0%, tổng qui mô tái cấp tối đa 16.000 tỷ đồng.
Triển khai xử lý các kiến nghị về tài chính
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 như gia hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí, cũng như nhiều giải pháp để cân đối ngân sách Nhà nước. Chính sách tài khóa vừa có tính giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề cho lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất.
Do vậy, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và các cấp có thẩm quyền cả chính sách để ban hành ngay trước mắt cũng như các chính sách về lâu dài để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo quy định thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh; gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh; đồng thời, gia hạn 5 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và giải quyết theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế suất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ôtô.
Khi các nghị định này được ban hành, tác động làm giảm thu ngân sách cũng như tăng khả năng về vốn đầu tư trở lại cho doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội đã quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ 1/7/2020, trong đó có các doanh nghiệp dệt may.
Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành để rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí. Cụ thể: Miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu, chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện do doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài...; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính.
Kết luận và khuyến nghị
Như vậy, có thể các kiến nghị của ngành dệt may và các giải pháp tài chính – tiền tệ để tháo gỡ khó khăn đã được Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, giải quyết, triển khai, chỉ đạo triển khai. Các giải pháp đang triển khai có tính kịp thời, đồng bộ trong khuôn khổ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, giải pháp về mặt lâu dài là các doanh nghiệp dệt may cần chủ đông, linh hoạt trong chiến lược sản xuất kinh doanh, đa dạng mặt hàng, đa dạng nhà cung cấp và đa dạng thị trường, đa dạng nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng chuỗi cung ưng nguyên nhiên phụ liệu ở trong nước, chuyển mạnh từ hình thức gia công truyền thống sang chủ động mẫu mã sản phẩm, rà soát lại các khâu của quá trình sản xuất, nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm và dự báo sát diễn biến của thị trường.
Bộ Công Thương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của các đơn vị trực thuộc, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói chung, tham mưu kịp thời cho Chính phủ các chinh sách đối phó linh hoạt khi thị trường quốc tế có những biến động bất thường.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam tăng cường liên kết các công ty thành viên, định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại, đào tạo cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao trong sáng tạo mẫu mã sản phẩm cúng như phát triển thị trường xuất khẩu. Hiệp hội làm đầu mối mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng và khai thông các thị trường xuất khẩu mới hàng may mặc của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19;
2. Chính phủ, Nghị quyết số 42/NQ-CP Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19;
3. Ngân hàng Nhà nước, Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh covid-19;
4. www.sbv.gov.vn, www.mof.gov.vn.