Nhiều doanh nghiệp dệt may áp dụng thành công mô hình năng suất tổng thể
Trong lĩnh vực dệt may, để nâng cao năng suất chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quản lý như: hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống trách nhiệm xã hội SA 8000… Bên cạnh đó, mô hình nâng cao năng suất tổng thể (TPM) cũng được nhiều doanh nghiệp áp dụng triển khai và mang lại những hiệu quả thiết thực.
Mô hình nâng cao năng suất tổng thể của Công ty Cổ phần May Nam Hà được triển khai dựa trên cách tiếp cận chu trình P-D-C-A. Trong đó, “P” (Plan) là việc lập kế hoạch, “D” (Do) là thực hiện các kế hoạch đã đề ra, “C” (Check) có nghĩa là kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch và cuối cùng “A” (Act) là thực hiện điều chỉnh, cải tiến thích hợp, sau đó bắt đầu lại việc lập kế hoạch điều chỉnh này và thực hiện lại chu trình P-D-C-A mới.
Công ty đã lựa chọn các giải pháp như: Cải tiến hiệu quả máy móc; cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động… Các công cụ cải tiến năng suất được May Nam Hà áp dụng cải tiến ở tất cả những bộ phận, công đoạn, khâu sản xuất.
May Nam Hà đã thống nhất tiêu chuẩn cho từng mã hàng và hệ thống hóa các lỗi cuối chuyền, trong chuyền, đưa ra biện pháp phòng, chống lỗi bằng Kaizen để hạn chế việc lỗi lặp lại và hạn chế làm lại trong chuyền. Việc sớm áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến cũng như xây dựng mô hình cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể, chỉ tính riêng trong năm 2019, năng suất tổng thể của May Nam Hà đã tăng lên 23%, doanh thu sản xuất tăng 17%, thu nhập bình quân người lao động tăng 23%, tỷ lệ sản phẩm lỗi khi kiểm xuất giảm được 13% so với năm 2018...
Công cụ TPM đã được các doanh nghiệp ngành dệt may như Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty TNHH Ngôi nhà Ánh Dương, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ... triển khai, áp dụng và mang lại hiệu quả rất tích cực.
Công ty TNHH Ngôi nhà Ánh Dương thành lập 10/2008 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thời trang xuất khẩu và phân phối thị trường trong nước với thương hiệu thời trang CANIFA. Là một công ty mới thành lập, đang trong quá trình chuẩn hóa quá trình sản xuất nên nhiều hoạt động còn bất hợp lý, năng suất chưa cao...
Tham gia Dự án mô hình năng suất tổng thể của Bộ Công Thương, công ty xác định có rất nhiều công việc cần thực hiện, bắt đầu từ việc xây dựng các quy trình kiểm soát quá trình sản xuất cơ bản. Nhóm cải tiến của Công ty đã triển khai tập trung vào giải quyết 2 vấn đề thiết yếu là: Cân bằng chuyền sản xuất tại chuyền may và Cải tiến ở khu vực bao gói để tăng năng suất.
Kết quả, sau 10 tháng nỗ lực cải tiến, các mục tiêu đưa ra ban đầu của Công ty TNHH Ngôi nhà Ánh Dương đã đạt được. Tăng trưởng doanh thu trong quý I/2020 tăng 16% mặc dù diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới ngành thời trang; tiến độ và chất lượng giao hàng đạt chuẩn 100%; năng suất lao động tăng 19%; Giảm tỷ lệ lỗi từ 11% xuống 10%; Thu nhập bình quân của lao động tăng 8%.
Năm 2019, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ (Dệt Phú Thọ) cũng đã tham gia Chương trình hỗ trợ triển khai TPM (bảo trì năng suất toàn diện) của Bộ Công Thương. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn, những sự cố “nan giải” của máy móc đã được giải quyết dứt điểm. Nhóm cải tiến của Công ty đã giảm được 96% số sự cố kẹt vòng da xảy ra tại máy con số 1 – xưởng 3. Kết quả này đã vượt mong đợi đặt ra khi khởi động nhóm. Ngoài ra, nhóm cũng xây dựng những tiêu chuẩn mới như hướng dẫn luồn thô, bài học 1 điểm lưu ý khi vệ sinh máy.
Bằng việc tăng cường các hoạt động cải tiến, nhân viên công ty được đào tạo và thực hành các phương pháp phân tích, cải tiến, nhằm nâng cao hiệu suất thiết bị tổng thể của cả dây chuyền, qua đó, nâng cao tính chủ động, khả năng trình bày, tinh thần làm việc nhóm và hơn hết, sự hợp tác công việc giữa các bộ phận trước đây và bây giờ đã có sự cải thiện đáng kể.
Với những lợi ích rõ rệt, có thể khẳng định, công cụ TPM được các doanh nghiệp ngành dệt may triển khai, áp dụng đã mang lại hiệu quả rất tích cực.