Giải pháp thúc đẩy chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại nước ngoài
Sau hơn 15 năm đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trở thành một trong những nhà đầu tư viễn thông lớn nhất trên thế giới. Giai đoạn 2021-2025, Viettel định hướng tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế để hiện thực hóa trở thành một Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu. Trong giai đoạn này, Viettel sẽ thực hiện tái cấu trúc, tiếp tục giảm vốn/thoái vốn tại một số công ty khi có cơ hội để hiện thực hóa lợi nhuận, tối ưu danh mục đầu tư, tạo nguồn vốn để tiếp tục mở rộng lĩnh vực đầu tư quốc tế cho giai đoạn tiếp theo…
Tổng quan hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel thời gian qua
Từ năm 2006, Viettel là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong quyết định đầu tư ra nước ngoài do nhận thức thị trường viễn thông trong nước sẽ bão hòa, trong tương lai cần hướng ra thị trường quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Vietttel, vừa đảm bảo hiệu quả và tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, vừa giúp nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế cũng như bảo vệ tổ quốc từ sớm từ xa.
Đến nay, Công ty mẹ Tập đoàn và các Công ty thành viên đã đầu tư vào 13 quốc gia, với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu sản xuất, xây lắp và bưu chính, trong đó, đầu tư vào hạ tầng và kinh doanh dịch vụ viễn thông tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm 99,5% vốn đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN). Các lĩnh vực kinh doanh khác chỉ đầu tư với số vốn nhỏ chiếm 0,5% vốn ĐTRNN của Tập đoàn.
Về viễn thông, trong những năm đầu tư ra nước ngoài, do chưa có tên tuổi, tiềm lực tài chính và năng lực cạnh tranh đầu tư nước ngoài còn hạn chế nên Viettel có ít sự lựa chọn đầu tư. Nếu đầu tư vào các thị trường lớn, phát triển thì giá trị khoản đầu tư từ vài tỷ đến hàng chục tỷ USD, vượt quá năng lực tài chính của Viettel, do vậy Viettel lựa chọn đầu tư vào các thị trường đang phát triển, vẫn còn tài nguyên tần số và mật độ viễn thông còn thấp nhằm phát triển dịch vụ viễn thông nước sở tại.
Tại mỗi quốc gia, Viettel đầu tư vào công nghệ hiện đại, hạ tầng bền vững, chuyển giao và đào tạo cho người sở tại, và đặc biệt, xây dựng những thương hiệu riêng cho mỗi thị trường, để mỗi Công ty mà Viettel đầu tư là thương hiệu của quốc gia đó. Tại hầu hết các thị trường đầu tư ngay khi mới có mặt, Viettel đã tạo ra vùng phủ dịch vụ sâu rộng khắp mọi vùng miền và luôn là DN dẫn đầu thị trường về hạ tầng viễn thông cáp quang, băng thông rộng, làm cho cơ sở hạ tầng viễn thông của các nước đã đầu tư trở thành một trong những cơ sở hạ tầng tốt nhất trong khu vực.
Hầu hết các Công ty viễn thông mà Viettel đầu tư đều được các tổ chức quốc tế ghi nhận là Nhà mạng tốt nhất tại các thị trường đang phát triển. Có thể kể đến như tại Campuchia, không có DN nào ngay khi bắt đầu kinh doanh đã sở hữu hệ thống cáp quang bao phủ 70% số huyện, hơn 1.700 trạm phát sóng BTS phủ đến 80% số xã, cung cấp dịch vụ 25/25 tỉnh, thành phố như Metfone.
Tại Mozambique, chỉ trong vòng hơn 1 năm đầu tư, Movitel đã đưa mật độ hạ tầng trạm phát sóng của Mozambique lên gấp 3 lần, đưa vùng phủ sóng mạng di động tới 80% người dân Mozambique, lớn gấp 1,5 lần so với vùng phủ trung bình của các nước trong khu vực, đạt mức các quốc gia đã phát triển. Từ đó, Viettel đã tạo ra cơ hội để người dân ở tất cả các thị trường mà Viettel đặt chân tới có cơ hội được kết nối di động, giúp cho giá cước viễn thông vốn được coi là thứ hàng hoá xa xỉ, trở thành bình dân, phổ cập để ai cũng có thể sử dụng.
Không dừng lại ở đó, hệ thống hạ tầng sâu rộng và hiện đại mà Viettel xây dựng trở thành nền tảng vững chắc để Viettel triển khai hàng loạt dự án 4.0 tại các nước, trong các lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh… với lợi thế vượt trội so với đối thủ. Trong thời gian tới, Viettel từng bước thực hiện chuyển dịch tăng trưởng doanh thu sang các lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số tại các thị trường thông qua việc cá thể hóa chiến lược chuyển đổi số theo xu thế phát triển và điều kiện từng thị trường, góp phần đưa tên tuổi của nhiều quốc gia sánh ngang với nhiều nước trong khu vực, thậm chí trên thế giới về viễn thông và chuyển đổi số.
Viễn thông là ngành có đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời cũng chịu sự chi phối và tác động hai chiều tới nền kinh tế. Do vậy, trong quá trình đầu tư và vận hành các dự án viễn thông tại nước ngoài, bên cạnh những thuận lợi, Viettel cũng gặp không ít những rủi ro, khó khăn, thách thức không như dự đoán do chịu nhiều tác động của các yếu tố chính trị, thiên tai, rủi ro tỷ giá, chính sách cũng như môi trường đầu tư - pháp lý tại các thị trường. Viettel luôn chủ động nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro, ứng phó với các khó khăn, khắc phục các tồn tại đồng thời thực hiện các giải pháp hiện thực hóa lợi nhuận để tối ưu danh mục đầu tư.
Theo đó, Viettel tập trung củng cố các thị trường nước ngoài theo hướng tối ưu về nhân sự, chặt chẽ về pháp lý, bảo đảm an toàn vốn đầu tư tại các thị trường nước ngoài; rà soát, đánh giá, phân loại các dự án thị trường đã đầu tư; xác định lại kế hoạch sản xuất kinh doanh và thu hồi vốn phù hợp với khả năng, nguồn lực và sát thực tiễn tại từng thị trường; nghiên cứu, xác định những giải pháp cụ thể, khả thi trong mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng vốn để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư; tập trung phát triển khách hàng có mức tiêu dùng cao, đẩy mạnh chuyển dịch sang phát triển thuê bao data, khách hàng DN, công nghệ tài chính (Fintech), dịch vụ gia tăng…; tiết giảm đầu tư ở các thị trường rủi ro cao, tìm kiếm đầu tư ở các thị trường tiềm năng; giải quyết dứt điểm các vấn đề pháp lý tại các thị trường, đảm bảo an toàn và hiệu quả về nguồn vốn, nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ và hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, hoạt động ĐTRNN của Viettel luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các Bộ ngành trong quan hệ ngoại giao với nước bạn, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách cũng như xử lý các tình huống đặc thù. Do vậy, dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng Tập đoàn Viettel vẫn luôn kiên định với con đường ĐTRNN, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Giá trị thương hiệu Viettel vừa được Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới định giá 8,76 tỷ USD (tăng gần 45% so với năm 2021), đứng thứ 18 thế giới về giá trị thương hiệu viễn thông, tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong top 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực.
Đến hết năm 2021, tổng vốn ĐTRNN của 24 dự án theo giấy phép bao gồm vốn điều lệ và cho vay cổ đông là 1,47 tỷ USD, tổng vốn thu hồi theo giấy phép đạt 853 triệu USD, tỷ lệ thu hồi đạt 58% (hết quý I/2022, tỷ lệ thu hồi tăng lên 62%). Các thị trường viễn thông với tổng quy mô khách hàng khoảng 55 triệu thuê bao, trong đó có 05 thị trường giữ vị trí số 1 về thị phần (Campuchia, Lào, Timor, Burundi, Myanamar), 02 thị trường giữ vị trí số 2 (Haiti, Mozambique), tổng doanh thu khoảng 1,9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ hàng năm ở mức 25%, nhiều thị trường đã thu hồi vốn gấp nhiều lần giá trị đầu tư, một số thị trường hoạt động ổn định và kinh doanh có lãi, một số thị trường còn lỗ.
Sau hơn 15 năm ĐTRNN, Viettel đã vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư viễn thông lớn nhất trên thế giới. Giá trị thương hiệu Viettel vừa được Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới định giá 8,76 tỷ USD (tăng gần 45% so với năm 2021), đứng thứ 18 thế giới về giá trị thương hiệu viễn thông, tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong top 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực. Chính hoạt động ĐTRNN đã góp phần rất lớn trong việc nâng tầm vị thế Viettel trên thế giới.
Định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025
Giai đoạn 2021-2025, Viettel định hướng tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế để hiện thực hóa trở thành một Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu. Theo đó, Viettel vẫn tiếp tục hoạt động đầu tư kinh doanh tại các dự án hiện tại trên cơ sở vốn ĐTRNN đã được đăng ký, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty thị trường nước ngoài bằng các giải pháp tài chính và quản trị hiện đại, đồng thời đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm, dịch vụ, nhất là các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao của Viettel ra thị trường quốc tế.
Khi có cơ hội đầu tư thị trường mới, Viettel xem xét đầu tư dưới hình thức mua lại cổ phần công ty đã có sẵn tại các quốc gia và tham gia điều hành sản xuất kinh doanh, không đầu tư xây dựng từ đầu. Đồng thời, Viettel sẽ thực hiện tái cấu trúc, giảm vốn/thoái vốn tại một số công ty khi có cơ hội để hiện thực hóa lợi nhuận, tối ưu danh mục đầu tư, tạo nguồn vốn để tiếp tục mở rộng lĩnh vực đầu tư quốc tế cho giai đoạn tiếp theo.
Ngoài việc thu hồi vốn thông qua cổ tức, gốc và lãi từ cho vay, giá trị đầu tư của Viettel tại các dự án đầu tư tại nước ngoài còn nằm ở tài sản như thiết bị hạ tầng, giấy phép tần số, thuê bao... và mạng lưới, mô hình kinh doanh của công ty thị trường. Viettel có thể thu hồi vốn từ việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp tại các công ty này. Dự kiến đến hết 2025, Viettel cơ bản thu hồi toàn bộ vốn ĐTRNN, trong đó thu hồi vốn thông qua việc thoái toàn bộ hoặc một phần cổ phần/vốn góp tại một số dự án đầu tư tại nước ngoài là giải pháp căn bản.
Giải pháp góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển giai đoạn tới
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển giai đoạn tới, giữ vững vai trò là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước và kinh doanh toàn cầu, Viettel đề xuất một số kiến nghị về cơ chế, chính sách gồm:
Thứ nhất, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kiên định ủng hộ, hỗ trợ hoạt động đầu tư nước ngoài của Việt Nam nói chung, Viettel nói riêng; và cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, quan điểm thúc đẩy, quản lý, đánh giá, tăng cường xúc tiến, đàm phán các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước mà Viettel và các DN Viettel đã đầu tư.
Thứ hai, về việc đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài: Hoạt động đầu tư nói chung và ĐTRNN nói riêng luôn tiềm ẩn những rủi ro, khó khăn, thách thức không như dự đoán do chịu nhiều tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan. Viettel kiến nghị nhìn nhận đánh giá hiệu quả dự án đầu tư, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư trong hoạt động ĐTRNN của Viettel dựa trên nguyên tắc đánh giá tổng danh mục đầu tư, đánh giá cả giai đoạn đầu tư, không đánh giá hàng năm và không tách riêng từng khoản đầu tư.
Thứ ba, đối với các thị trường đang có các vướng mắc pháp lý và các rủi ro pháp lý khác có thể xảy ra trong tương lai: Viettel đã, đang và sẽ thực hiện giải quyết các rủi ro một cách chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên. để tăng sức ảnh hưởng và thúc đẩy việc xử lý các vướng mắc nhanh và hiệu quả nhất, Viettel đề xuất Bộ Quốc phòng và các bộ ngành liên quan báo cáo đề xuất cấp cao nhất của Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng hỗ trợ trao đổi song phương đồng cấp.
Thứ tư, riêng về cơ chế thoái vốn ĐTRNN Viettel xin cụ thể hóa một số khó khăn vướng mắc và đề xuất như sau:
Thời gian qua, Viettel đã xúc tiến các thủ tục ban đầu để thoái vốn đầu tư tại một số dự án nước ngoài. Trong quá trình thực hiện, Viettel nhận thấy còn tồn tại một số vướng mắc về cơ chế, quy định pháp luật, gây chậm chễ, ảnh hưởng cơ hội thoái vốn của DN tại dự án nước ngoài.
Về quy định, hiện tại có 04 văn bản hướng dẫn về thoái vốn đầu tư ra ngoài DN bao gồm: Luật số 69/2014/QH13 (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN 2014), Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/ NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.
Luật số 69/2014 nêu các nguyên tắc về thoái vốn đầu tư ra ngoài DN, trong đó bao gồm: (1) việc thoái vốn tại công ty TNHH, cổ phần chưa niêm yết phải thực hiện theo thứ tự Đấu giá công khai, Chào hàng cạnh tranh (bản chất tương tự Đấu giá công khai) rồi tới Thỏa thuận; (2) việc thoái vốn phải “đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.”
Các Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 140/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan đến việc bán đấu giá cổ phần bao gồm định giá, thuê tổ chức đấu giá...
Từ thực tế triển khai thoái vốn tại nước ngoài, Viettel đánh giá như sau:
Một là, về cơ bản, pháp luật Việt Nam hiện chưa có văn bản quy định về hình thức, cơ chế thoái vốn tại các dự án nước ngoài.
Các bước quy trình, thủ tục thực hiện thoái vốn cổ phần/phần vốn góp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP chỉ có thể áp dụng với các giao dịch chuyển nhượng cổ phần thực hiện tại Việt Nam vì quy định các bước thực hiện, các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc thực hiện chuyển nhượng cổ phần là các cơ quan, tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam, không tương thích và phù hợp với việc chuyển nhượng cổ phần của DN Việt Nam ở nước ngoài. Đơn cử ví dụ thủ tục đấu giá thực hiện thông qua Sở Giao dịch chứng khoán không thể áp dụng đối với các khoản đầu tư tại nước ngoài.
Hai là, chưa có văn bản nào quy định về nguyên tắc, quy trình, thủ tục thực hiện thoái các “vốn cam kết khác của chủ sở hữu”
Đặc điểm giá trị đầu tư các dự án nước ngoài của Viettel là giá trị lớn (dự án viễn thông từ 500tr- 1 tỷ USD/dự án) và thường rơi vào các năm đầu (khoảng 50% trong 2 năm đầu tiên). Trong giai đoạn đầu hoạt động khi chưa huy động được nguồn vốn vay ngân hàng do kết quả kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện cho vay, nguồn vốn đầu tư giai đoạn đầu chủ yếu được đối ứng bằng nguồn vốn cam kết từ chủ sở hữu. Ngoài phần vốn điều lệ (thường để nhỏ hoặc tối thiểu theo quy định của pháp luật), còn có phần vốn cho vay cam kết từ chủ sở hữu. Đây là hình thức vốn học hỏi từ kinh nghiệm thông lệ của nhiều nhà đầu tư đa quốc gia khác trên thế giới. Hình thức cơ cấu vốn đặc biệt này đều được Viettel báo cáo xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định về Quản lý ngoại hối và được quy định cụ thể hạn mức trong Giấy chứng nhận Đăng ký ĐTRNN của từng dự án theo quy định tại Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, các quy trình hiện tại mới chỉ áp dụng cho các hình thức bán đấu giá cổ phần/vốn góp, chưa có hướng dẫn đối với nội dung bán các phần vốn khác của chủ đầu tư ví dụ như vốn cổ đông cho vay Công ty tại nước ngoài.
Ba là, thứ tự áp dụng các hình thức thoái vốn chưa phù hợp với các dự án đầu tư nước ngoài.
Đối với các dự án tại nước ngoài, ngoài mục đích đầu tư, kinh doanh, dự án còn đóng vai trò trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Việc công bố thông tin công khai, rộng rãi ra công chúng về việc đấu giá thoái vốn của nhà đầu tư tại dự án nước ngoài sẽ tạo ra hiệu ứng không tốt đối với quan hệ của công ty tại nước ngoài với chính quyền nước sở tại và tác động đến quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Đặc biệt, trong trường hợp đấu giá thoái vốn không thành công, DN tiếp tục hoạt động kinh doanh tại nước sở tại. Nội dung này đã từng được Bộ Ngoại giao khẳng định trong một văn bản góp ý đối với một Phương án thoái vốn tại nước ngoài do Viettel đề xuất. Các rủi ro này chưa kể đến việc đối thủ kinh doanh tại thị trường tận dụng cơ hội để tiếp cận thông tin nhạy cảm của DN để tạo lợi thế cạnh tranh cho mình.
Do vậy, nhà đầu tư ưu tiên không công bố thông tin thoái vốn rộng rãi ra công chúng trước khi thoái vốn thành công. Vì lý do này, việc thoái vốn phải bắt đầu từ hình thức Đấu giá công khai đối với dự án tại nước ngoài theo đánh giá của Viettel là không phù hợp.
Theo pháp luật về Đầu tư, khoản 2 Điều 64 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tại nước ngoài theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư….”. Tại các nước Viettel đầu tư, pháp luật tại nước sở tại không giới hạn hình thức nhà đầu tư được thoái vốn.
Do việc mua bán sáp nhập DN quốc tế đang hoạt động là phức tạp, giá trị thường lớn, cần bảo mật thông tin, nên theo thông lệ quốc tế, các bên tham gia (cả bên mua và bên bán) đều thông qua các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để thực hiện. Các đơn vị tư vấn này thường là các ngân hàng đầu tư, công ty tư vấn tài chính... có mạng lưới các nhà đầu tư trong các lĩnh vực rộng khắp trên thế giới. Theo đó, toàn bộ quy trình do đơn vị tư vấn chuyên nghiệp chủ trì và vẫn hướng tới nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, minh bạch: có định giá độc lập, chuẩn bị bộ thông tin thống nhất để công bố đến các nhà đầu tư; Đơn vị tư vấn là đầu mối tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng và cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư (thay vì công bố rộng rãi phương tiện đại chúng), việc tiếp nhận và đánh giá các bản chào của các nhà đầu tư thực hiện theo tiêu chí chung….
Xét thấy, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định hướng dẫn cách thức, trình tự, thủ tục và các nội dung khác liên quan đến chuyển nhượng cổ phần của DN nhà nước tại các công ty con hoạt động theo pháp luật nước ngoài, thứ tự thoái vốn bắt đầu từ hình thức đấu giá công khai tại nước ngoài là chưa phù hợp với thực tế. Hơn nữa, việc thoái vốn tại DN nước ngoài này thực hiện tại nước sở tại, đối tượng là các nhà đầu tư quốc tế, do vậy cần phù hợp pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế. Do vậy, Viettel kiến nghị:
(i) Luật số 69/2014/QH13 cần được sửa đổi, bổ sung quy định về việc thoái vốn đầu tư của DNNN tại nước ngoài.
(ii) Để đảm bảo không mất cơ hội của DN, trong thời gian chờ hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý, kiến nghị cho phép DNNN thực hiện thoái vốn đầu tư tại nước ngoài theo hình thức phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật nước sở tại, trên cơ sở nguyên tắc thị trường, bảo toàn vốn đầu tư.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2020), Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/06/2020;
2. Quốc hội (2014), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
3. Chính phủ (2018), Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
* Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel)
** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2022