Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp sáng tạo

Theo Nguyễn Anh Đức - Tập đoàn Xuân Mai Hamico/Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11, tháng 4/2021

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang là một trong các vấn đề được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trường đại học đặc biệt quan tâm. Trong bài viết này, tác giả khái quát thực trạng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của một số doanh nghiệp được khảo sát, tìm hiểu thông qua phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động này tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khát quát thực tiễn khởi nghiệp sáng tạo

Điều 3, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam quy định: “Khởi nghiệp sáng tạo là thành lập tổ chức/doanh nghiệp mới để khai thác một ý tưởng sáng tạo. Các ý tưởng sáng tạo có thể là tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh ở sản phẩm, quy trình sản xuất - kinh doanh, tổ chức hay tiếp thị”.

Tại Ngày hội khởi nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam - Techfest 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gọi doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo một cách ngắn gọn là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup). Theo Phó Thủ tướng, đó là một cộng đồng đặc biệt vì các doanh nghiệp này có tính chất tạo ra những sản phẩm mới, phân khúc khách hàng mới bằng những công nghệ mới và ý tưởng mới chưa từng có, cách tiếp cận thị trường mới, thường là liên quan đến công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và vì qua mạng nên không có tính biên giới.

Phong trào khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng được thúc đẩy tại Việt Nam từ năm 2016. Theo đánh giá của Cơ quan thương mại và đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, TOP 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu thế giới. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho biết, trong giai đoạn năm 2016-2019, Việt Nam có hơn 120.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015. Riêng trong 2 năm 2018-2019, số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chiếm đa số trong số các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Tuy nhiên, đánh giá của Chính phủ Australia cho biết, Việt Nam là 1 trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công chỉ khoảng 3%. Những kết quả bước đầu này tuy còn hạn chế, nhưng là cơ sở để Việt Nam có giải pháp tốt hơn thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Thực tiễn hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam cho thấy, nhiều startup ra đời trong các năm 2016, 2017, 2018, tạo ra xu hướng về khởi nghiệp trong cộng đồng. Xu hướng này có ý nghĩa định hướng cho nhiều người nghiên cứu và lựa chọn con đường khởi nghiệp theo lối truyền thống, hay khởi nghiệp sáng tạo. Số lượng các nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tuy chưa nhiều, nhưng theo xu hướng tăng. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Chính phủ cũng đã khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đặt mục tiêu tạo đột phá trong thực hiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm "Make in Vietnam".

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống thông qua việc kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới như VIC Impact, iAngel, VCNetwork.co… Cùng với đó, các sự kiện như IctComm, GrowTech, TechDemo, Techfest… đều đem đến những cơ hội kết nối, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy, cộng đồng startup Việt Nam đã dần định hình và có xu hướng kết nối với cộng đồng start up toàn cầu. Việt Nam hiện nay được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, làn sóng đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam những năm qua có xu hướng tăng, đặc biệt là đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Một số mối liên kết ban đầu khác cũng đã hình thành giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia…, nhằm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tính trên bình quân đầu người của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Phân theo ngành cho thấy, doanh nghiệp công nghệ thông tin chiếm đại đa số (chiếm 65%), tiếp đến là nông nghiệp công nghệ cao (21%) và các lĩnh vực khác (14%). Trong đó, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin tập trung chủ yếu trong các mảng công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử và công nghệ giáo dục (edutech).

Khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Tác giả đã xin phép và được sử dụng bộ dữ liệu của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) [4] cùng phỏng vấn bằng bảng hỏi với 221 phản hồi trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số địa phương khác. Kết quả cho thấy các ý kiến trả lời khá tương đồng.

Về khó khăn, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cho rằng, khó khăn tập trung ở các nội dung về tài chính, thiếu kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, công nghệ… Kết quả được trình bày trong Bảng 1 sau khi tác giả khảo sát 221 người (câu hỏi có thể chọn nhiều phương án trả lời, tức là người ta có thể gặp 1, 2 hoặc nhiều khó khăn cùng lúc).

Bảng 1: Khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Các khó khăn chủ yếu

Lượt ý kiến đồng ý

% đồng ý/tổng số lượt

% đồng ý/tổng số người trả lời

Không tự tin phát triển thị trường

38

7,1%

17,7%

Không tự tin phát triển sản phẩm

26

4,9%

12,1%

Không quyết tâm tới cùng của nhóm sáng lập

37

6,9%

17,2%

Nguồn tài chính hạn hẹp

183

34,1%

85,1%

Gặp nhà đầu tư gọi vốn

66

12,3%

30,7%

Thiếu kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

136

25,4%

63,3%

Công nghệ thay đổi nhanh

29

5,4%

13,.5%

Khó khăn khác

21

3,9%

9,8%

Tổng số

536

100%

249,3%

Nguồn: Tác giả phân tích dữ liệu dựa trên bộ dữ liệu từ nhóm nghiên cứu Nguyễn Thế Hùng và các tác giả [4]

Nguồn tài chính là vấn đề khó khăn nhất, khi có 85% trả lời về nội dung này. Tiếp theo là về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp (63,3%). Tác giả đã phỏng vấn sâu, đối với cụ thể một số doanh nghiệp, họ cho biết, kỹ năng khởi nghiệp, chẳng hạn, lập kế hoạch kinh doanh hoặc nghiên cứu thị trường, là vấn đề cực kỳ khó khăn đối với họ.

Số liệu khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp chỉ tự tin trong giai đoạn đầu phát triển sản phẩm. Đây cũng chính là lý do chủ doanh nghiệp mạnh dạn khởi nghiệp, mà chưa cảm nhận hết khó khăn từ thương trường.

Để đánh giá về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, tác giả tiến hành thực hiện khảo sát trực tuyến (thu thập qua Google form), xin ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại diện doanh nghiệp. Trong 215 phản hồi được gửi về từ các địa phương khác nhau, tác giả thu được dữ liệu và phân tích để tìm ra kết quả. Với thang điểm 5 là cao nhất và thấp nhất là 1 điểm khi đề nghị người trả lời nhận xét về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, kết quả cụ thể tại Bảng 2.

Bảng 2: Cảm nhận về môi trường kinh doanh

Nội dung đánh giá

Điểm trung bình

Mức độ rõ ràng về chính sách

3,6

Khả năng thực thi

2,9

Sự thuận tiện của thủ tục

2,6

Độ minh bạch của thông tin

2,2

Đánh giá về sự bình đẳng trong cạnh tranh

2,1

Nguồn: Tác giả thu thập dữ liệu và phân tích

Kết quả cho thấy, đánh giá phản hồi về sự bình đẳng trong cạnh tranh có mức điểm thấp nhất trong cảm nhận về môi trường kinh doanh với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Để đánh giá về sự hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận được bởi các chủ thể trong hệ sinh thái, đánh giá trung bình cho ra kết quả tại Bảng 3 (với 5 điểm là mức cao nhất, 1 điểm là mức điểm thấp nhất).

Bảng 3: Đánh giá về việc nhận được sự hỗ trợ

Nội dung đánh giá

Điểm trung bình

Sự hỗ trợ của Nhà nước (trực tiếp)

3,1

Sự hỗ trợ của các tổ chức thúc đẩy kinh doanh/vườn ươm

2,9

Hỗ trợ của các cố vấn khởi nghiệp

2,8

Hỗ trợ bởi viện nghiên cứu

3,5

Hỗ trợ của trường đại học

2,4

Nguồn: Tác giả thu thập dữ liệu và phân tích

Kết quả đánh giá trên cũng khá tương đồng với sự đánh giá của các chuyên gia, khi tác giả thực hiện theo phương pháp phỏng vấn chuyên sâu. Các ý kiến đều cho rằng, sự hỗ trợ từ nguồn tri thức ở các trường đại học tại Việt Nam là rất ít. Thực tế này khác rất xa so với các nước thành công trong khởi nghiệp sáng tạo như Ấn Độ, Phần Lan hay Singapore.

Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng về số lượng và hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, ngoài sự cố gắng tự thân của chủ doanh nghiệp, Nhà nước và các tổ chức liên quan cần có nhiều sự hỗ trợ về chính sách, về các nguồn lực cụ thể. Từ quá trình nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ chuyên gia và qua kết quả khảo sát mà tác giả thực hiện, tác giả đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này.

Một là, đối với Nhà nước và các tổ chức khác trong hệ sinh thái

Cần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, phù hợp tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, Nhà nước cần đẩy mạnh sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua ban hành và thực thi đồng thời hệ thống chính sách tài chính, chính sách đầu tư, shính sách hỗ trợ mặt bằng kinh doanh, chính sách về thương mại hóa sản phẩm, chính sách kết nối thị trường…

Cùng với đó, Nhà nước cũng cần phân định rõ, trong mỗi giai đoạn, doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ tương ứng một cách chặt chẽ, rõ ràng. Kinh nghiệm của Singapore là bài học rất tốt đối với Việt Nam. Nhà nước cần thúc đẩy các vườn ươm đổi mới, từ trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, tư nhân… thông qua việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng; kết nối chuyên gia, thuế, phí… Ấn Độ và Singapore là những quốc gia điển hình để Việt Nam tham khảo về cách tiến hành cụ thể.

Hai là, đối với các tổ chức thúc đẩy kinh doanh

Vai trò của các tổ chức thúc đẩy kinh doanh rất quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các vườn ươm cần được đào tạo, nâng cao năng lực và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp một cách thực chất, bám sát và phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ba là, đối với viện nghiên cứu, trường đại học

Cần thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khả thi, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp trong việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Các trường đại học nên đặt ưu tiên cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần tạo không gian làm việc chung, đào tạo cố vấn khởi nghiệp có các kỹ năng cần thiết. Cùng với đó, đào tạo cần kết nối với doanh nghiệp và thị trường. Các trường phổ thông nên chăng cũng đưa nội dung khởi nghiệp sáng tạo vào một số tiết học, để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp từ sớm cho các em học sinh.

Bốn là, đối với các doanh nghiệp

Với quy định pháp lý hiện hành, việc thành lập doanh nghiệp là rất đơn giản tại Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển nhanh và bền vững, các doanh nghiệp phải xác định cần chuẩn bị đủ nguồn lực, mới có thể trụ vững và đi đến thành công.

Các thành viên sáng lập phải luôn luôn có sự quyết tâm cao và bổ sung cho nhau các kỹ năng để nhóm khởi nghiệp có sức mạnh nội lực. Cần học hỏi từ thị trường, nhất là các các phương pháp hiện đại như khởi nghiệp tinh gọn, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Thường xuyên xem xét lại mô hình kinh doanh để phát hiện và điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu luôn thay đổi của thị trường. Cùng với đó, cần trau dồi khả năng ngoại ngữ để chủ động nắm bắt cơ hội từ quá trình hội nhập, đặc biệt trong xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu./.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 về phê duyện đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025

2. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 về phê duyệt đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025

3. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 về phê duyệt đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đến 2025

4. Nguyễn Thế Hùng, Vũ Thị Minh Luận, Nguyễn Hữu Xuyên, Lê Văn Sơn, Trần Thị Minh Trâm, Phạm Ngọc Trụ (2019). Giải pháp thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

5. Nguyễn Việt Dũng (2019). Báo cáo “Tình hình phát triển Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách của Thành phố trong lĩnh vực Công nghệ thông tin”, Sở Khoa học và Công nghệ, TP. Hồ Chí Minh, T12/2019

6. Hoàng Thị Kim Khánh, Tống Văn Tuyên, Đặng Ngọc Thư (2020). Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Tạp chí Công thương, T4/2020

7. Cổng thông tin Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ. Doanh nghiệp Khởi nghiệp sáng tạo: Cải thiện về số lượng và chất lượng, truy cập từ https://2075.com.vn/doanh-nghiep-khoi-nghiep-sang-tao-cai-thien-ro-ret-ve-so-luong-va-chat-luong/

8. Khởi nghiệp quốc gia (2019). Hà Nội: Chỉ 0,1% doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đột phá sáng tạo, truy cập từ https://khoinghiep.org.vn/ha-noi-chi-0-1-phan-tram-doanh-nghiep-khoi-nghiep-co-tinh-dot-pha-sang-tao-17372.html

9. Thành Văn (2020). Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á, truy cập từ https://nhadautu.vn/da-nang-se-tro-thanh-trung-tam-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-hang-dau-chau-a-d44612.html

10. Phương Anh (2019). Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, truy cập từ https://baodautu.vn/viet-nam-dang-dung-thu-3-o-dong-nam-a-ve-so-luong-doanh-nghiep-khoi-nghiep-d107823.html

11. Start-up Genome (2018). Global Start-up Ecosystem Report 2018

Link kết quả khảo sát của tác giả: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1rBQqJJL0aVCiNl9KVt8mqTncq82ifXxqRhLRcNzgUy8/edit?usp=sharing