Giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN

Theo ncseif.gov.vn

Trong thời gian gần đây, hội nhập kinh tế ASEAN đang là vấn đề không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước trong khu vực đang hết sức quan tâm, thể hiện ở việc các quốc gia ASEAN đang tích cực triển khai những hoạt động chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

AEC ra đời sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các kinh tế Đông Nam Á. Nguồn: internet
AEC ra đời sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các kinh tế Đông Nam Á. Nguồn: internet

Giới thiệu khái quát về cộng đồng kinh tế ASEAN

AEC ra đời sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các kinh tế Đông Nam Á, hướng tới mô hình một cộng động kinh tế-an ninh-xã hôi theo mô hình EU. Đồng thời, AEC ra đời cũng sẽ hòa trộn nền kinh của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ.

AEC là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng nhằm thực hiện các mục tiêu đè ra trong tầm nhìn ASEAN 2020, đồng thời AEC có sứ mệnh nhằm tạo dựng: Một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất; Một khu vực có sức cạnh tranh; Một khu vực có sức cạnh tranh; Phát triển đồng đều ; Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN.

Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC sẽ là một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất bao gồm : dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyên hơn của dòng vốn, thuận lợi hóa việc di chuyển của các công dân, người lao động trong khu vực…, song song với củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông cũng như phát triển các kỹ năng thích hợp.

Nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển thương mại điện tử… Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều, ASEAN thông qua và đang phát triển khuôn khổ ASEAN về phát triển kinh tế đồng đều (AFEED) trong đó đáng chú ý là hỗ trợ các nước thành viên mới, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Mở rộng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đẩy mạnh triển khai các FTA với các đối tác lơn như Hàn Quốc, Nhật Bản … đồng thời tích cực đàm phán xây dựng hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm tạo ra một không gian kinh tế mở ở Đông Á.

Đề xuất những giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN

Năm 2015 sẽ là mốc thời gian quan trọng đối với Việt Nam mà AEC ra đời . Về thương mại hàng hóa, Việt Nam sẽ phải hoàn thành việc đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với gần 93% biểu thuế và chỉ còn được duy trì mức thuế 0%-5% đối với 7% biểu thuế đến năm 2018. Về thương mại dịch vụ và đầu tư, Việt Nam cùng với các nước ASEAN khác sẽ phải hoàn thành lộ trình tự do hóa thương mại trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ (AFAS) theo 10 Gói cam kết dịch vụ chính và các Gói cam kết về dịch vụ tài chính, vận tải hàng không và tự do hóa đầu tư theo Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Cùng với ASEAN, Việt Nam quyết tâm và dành nỗ lực cao nhất để triển khai các cam kết, chương trình, sáng kiến đề ra. Trong thời gian qua, dù trình độ phát triển chưa bằng một số nước trong khu vực nhưng Việt Nam là một trong số các thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt các cam kết trong Lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Hiện nay, ASEAN đã thực hiện được 78,1% tổng số các biện pháp xây dựng AEC.

Việt Nam là một trong 3 nước đạt tỷ lệ thực hiện cao nhất, đạt 84,5%. Về các biện pháp ưu tiên thực hiện AEC đến năm 2013, ASEAN đạt mức thực hiện bình quân 82,1% và Việt Nam là một trong 2 nước đạt tỷ lệ cao nhất, đạt khoảng 90% (chỉ sau Singapore). Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau năm 2015, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN khác thảo luận, xây dựng Khuôn khổ ASEAN về AEC và khả năng xây dựng một AEC Blueprint mới cho 10 năm tới (2015-2025) để xác định các biện pháp, lộ trình củng cố hội nhập AEC.

Do vậy, tác giả kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN:

Cộng đồng chung kinh tế ASEAN là một cơ hội mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam nói chung và cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Vì vậy, để các nỗ lực hội nhập đem lại lợi ích thực sự thì vai trò của các doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng tối đa các cơ hội về thị trường, vốn, công nghệ mà AEC mang lại;

Chính phủ cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan cũng như phối hợp với các doanh nghiệp xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường ASEAN, tận dụng các cam kết trong AEC;

Tăng cường công tác dự báo, bám sát tình hình thị trường, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các thị trường này nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hoá tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu;

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong nước phù hợp với những định hướng lớn của Đảng và nhà nước trong vấn đề phát triển thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế và những khung khổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả của việc tham gia vào AEC;

Tăng cường sự hợp tác và phối hợp hành động với những cơ quan đồng cấp trong đảm bảo việc triển khai các cam kết được thỏa thuận trong khuôn khổ AEC cũng như các cơ chế hợp tác song phương khác nhằm tạo môi trường thương mại thuận lợi, giảm thiểu rào cản thương mại và rủi ro trong quá trình làm ăn với doanh nghiệp của các nước; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam khi có những tranh chấp thương mại xảy ra.

Bên cạnh đó,Chính phủ cần phải khẩn trương đẩy mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như hóa chất, chất dẻo, cơ khí, …, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, máy móc, dệt may, da giầy … từ đó giảm bớt việc phải nhập khẩu phụ tùng, linh kiện từ nước ngoài, đồng thời tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm của Việt Nam.

Để làm được việc đó, cũng cần phải chú trọng và đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) trong nước nâng cao trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam.

Thúc đẩy một việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia trong khuôn khổ cơ chế một cửa ASEAN. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong việc dịch chuyển hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, tiết kiệm được hàng triệu USD cho doanh nghiệp thông qua giảm thời gian làm thủ tục hải quan bởi tính đơn giản, hài hòa và tự động hóa; đồng thời doanh nghiệp thương mại và vận tải quốc tế sẽ có điều kiện áp dụng phương thức quản lý mới, tiết kiệm chi phí cũng như giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, có cơ hội cạnh tranh cao.

Trên cơ sở phân tích hiệu quả thực tế và đảm bảo tuân thủ các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm tránh xảy ra các xung đột thương mại, cần khẩn trương xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng, chỉ dẫn, nhãn mác, bao bì, cũng như tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý nhập khẩu để hạn chế nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu, ô nhiễm môi trường, hàng hoá chất lượng thấp. Đồng thời, áp dụng linh hoạt các biện pháp thương mại tạm thời như biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp, biện pháp tự vệ cũng như các biện pháp khác để bảo vệ sản xuất trong nước.