Logistics đường tới ASEAN+6 sau khi thành lập AEC
Đó là chủ đề buổi Họp báo được tổ chức ngày 3/8/2015 tại TP. Hồ Chí Minh về triển lãm TILOG – LOGISTIX 2015, triển lãm toàn diện nhất về Cung ứng dịch vụ Logistics & Công nghệ Intralogistics và Giải pháp cho ASEANS+6, sẽ mang lại lợi ích về liên kết kinh tế khu vực, giá trị thương mại và mở rộng mạng lưới toàn cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan.
Tại buổi họp báo, Bà Malinee Harnboonsong – Lãnh sự Thương mại Văn phòng Thương vụ - Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan chia sẻ, Thái Lan là một trong những trung tâm vận tải & logistics quan trọng của ASEAN và là quốc gia hàng đầu về lĩnh vực logistics tại Đông Nam Á. Do logistics là một trong những chìa khóa thành công của thương mại quốc tế, Thái Lan đã và đang tích cực thực hiện những chính sách mới nhằm thay đổi hoàn toàn diện mạo của cơ sở hạ tầng vận tải đáp ứng tính cạnh tranh toàn cầu và đẩy mạnh kết nối vận tải với các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Với sự ra mắt đường bay nối Cần Thơ – Bangkok ngày 21/7, Đà Nẵng – Bangkok ngày 28/7 của Thai Vietjet Air và các cảng biển được mở rộng sẽ đón chào lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là giữa cảng Laem Chabang và cảng Cát Lái của Việt Nam. Hơn nữa, với mục đích đảm bảo tình hữu nghị, hợp tác và phát triển khu vực, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan hàng năm vẫn tạo điều kiện hỗ trợ cho các phái đoàn, các chuyến tham quan thực tế, hội thảo, hội nghị chuyên đề, tọa đàm về ngành công nghiệp logistics nhằm trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp kịp thời các giải pháp cho những vấn đề đang nổi lên.
Ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ về chìa khóa thành công cho việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành Logistics trong ASEAN+6, trong những năm tới ASEAN sẽ trở thành khu vực phát triển trọng điểm về vận tải và logistics, và khi được quản lý hiệu quả sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa qua khu vực này, dẫn đến hình thành các tuyến đường vẫn chuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn, góp phần rất lớn vào việc phát triển toàn bộ nền kinh tế của ASEAN.
Thị trường Logistics tại Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới ghi nhận rằng hệ thống vận tải và logistics thương mại ngày càng cạnh tranh của Việt Nam có thể trở thành nhân tố mới thúc đẩy nền kinh tế quốc gia tăng trưởng bền vững, nâng cao năng suất lao động cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiện nay, các công ty nước ngoài vẫn đang chiếm lĩnh thị trường logistics Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc vận tải quốc tế. Có khoảng 40 công ty vận tải biển nước ngoài tại Việt Nam, xử lý hơn 80% lượng hàng nhập khẩu và xuất khẩu của cả nước, chủ yếu trao đổi thương mại với thị trường Mỹ và châu Âu. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), có hơn 1300 công ty logistics đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp nội địa chiếm 80% tổng số doanh nghiệp logistics, song họ chỉ chiếm lĩnh khoảng 25% tổng thị phần.
Sự hợp tác giữa các quốc gia sẽ mang lại lợi ích cho thị trường logistics của Việt Nam trong việc chia sẻ kiến thức về thị trường, thiết lập mạng lưới kinh doanh cũng như giúp các nhà cung ứng dịch vụ nội địa phát triển nhằm quản lý những hoạt động logistics chuyên ngành, ví dụ như thủ tục hải quan. Đây là những kiến thức hết sức quan trọng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình xuất nhập khẩu và duy trì khả năng cạnh tranh kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Thong Tangsritrakul – Phó chủ tịch Liên đoàn Logistics Thái Lan cũng nhấn mạnh rằng chìa khóa thành công cho việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực Logistics của các quốc gia thuộc khối ASEAN+6 có thể đến từ việc “kết nối”, khi chúng ta quan tâm và sẵn sàng kết nối, mọi thứ sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ hơn. Khó khăn chủ yếu là việc bắt đầu kết nối với những câu hỏi thường trực như ai, khi nào, như thế nào...
Mối quan tâm về logistics không chỉ dừng lại ở việc vận chuyển hàng hóa, mà còn bao gồm tìm kiếm nhà cung cấp, quản lý kho bãi, phân phối hàng hóa, điều này đồng nghĩa với sự vận chuyển hàng hóa thông qua toàn bộ chuỗi giá trị từ nguồn nguyên liệu để sản xuất cho đến khách hàng cuối cùng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP) phải có hiểu biết rất tốt về truyền thông và công nghệ thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị này để có thể mang đến cho khách hàng những dịch vụ hiệu quả nhất.
Triển lãm TILOG-LOGISTIX 2015 diễn ra từ ngày 2 – 4/9/2015 tại Trung tâm triển lãm BITEC, Bangkok là nơi để tham quan và tiếp cận với nhiều lĩnh vực của logistics như các xu hướng logistics, công nghệ, và hy vọng gặp gỡ được các đối tác tương lai sở hữu một số giải pháp công nghệ phù hợp với doanh nghiệp của bạn, cho dù bạn là người sử dụng hay nhà cung cấp.
Bà Chanapa Lertrungruang, Giám đốc dự án Công ty Reed Tradex cho biết triển lãm TILOG - LOGISTIX 2015 với chủ đề Kết nối cộng đồng Logistics ASEAN+6 sẽ thúc đẩy cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt nam thông qua mạng lưới rộng hơn và những chuỗi cung ứng tốt hơn. Đây là triển lãm duy nhất tại ASEAN dành riêng cho lĩnh vực cung ứng dịch vụ logistics & công nghệ intralogistics cùng các giải pháp.
Hơn 415 thương hiệu toàn cầu với những công nghệ tiên tiến từ 25 quốc gia gồm Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Pháp và Mỹ sẽ gặp gỡ 9000 khách mua hàng tiềm năng. Triển lãm tập trung vào 4 lĩnh vực công nghiệp lớn là Thực phẩm & Đồ uống, Chăm sóc cá nhân, Ô tô và Điện tử. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics sẽ có cơ hội kết nối với các nhà khai thác trên toàn ASEAN thông qua việc gặp gỡ cũng như đánh giá thế mạnh và khả năng của nhau nhằm cung cấp các giải pháp hiệu quả cho khách hàng của mình.