Giải pháp thúc đẩy người lao động mua bảo hiểm xã hội tự nguyện tại tỉnh Quảng Ngãi
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này, nhưng tỷ lệ tham gia của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng còn thấp, chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu thực trạng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện là cần thiết, để đưa ra các giải pháp tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Quảng Ngãi trong thời gian tới.
Thực trạng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tại tỉnh Quảng Ngãi
Hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên cả nước đạt tỷ lệ thấp, chỉ bằng 1,7% so với BHXH bắt buộc và bằng 2% so với bảo hiểm thất nghiệp. Tình hình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có đặc điểm khá tương đồng với cả nước.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, số lượng người lao động (NLĐ) mua BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạt 1.503 người, tăng 11,6% so với năm 2016.
Theo đánh giá của các chuyên gia, con số này còn rất khiêm tốn so với số lượng NLĐ trong khu vực phi chính thức có nhu cầu tham gia và kỳ vọng hưởng các chế độ liên quan đến BHXH tự nguyện theo quy định.
Năm 2019 ghi nhận nỗ lực vượt bậc của BHXH tỉnh Quảng Ngãi trong việc thu hút các đối tượng mua BHXH tự nguyện khi số người tham gia đạt 6.611 người, bằng 101,55% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, đạt 86,79% so với chỉ tiêu phấn đấu (tại Quyết định số 3684/BHXH-BT, tăng 206,77% so với năm 2018).
Năm 2020, số người mua BHXH tự nguyện đạt 12.534 người, tăng 6.046 người so với cuối năm 2019, bằng 102,01% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Nhằm thu hút NLĐ mua BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, năm 2021, BHXH tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức truyền thông để lan tỏa giá trị nhân văn của BHXH đến người dân trên địa bàn Tỉnh.
Đến cuối năm 2021, BHXH tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động khai thác dữ liệu, lựa chọn đối tượng tiềm năng, nắm bắt hoàn cảnh thực tế từng người để tư vấn phù hợp về quyền lợi, mức đóng, phương thức đóng; phối hợp tổ chức 325 hội nghị đối thoại, tuyên truyền vận động người dân mua BHXH tự nguyện, với hơn 12.000 người tham dự.
Riêng từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức hơn 180 hội nghị và có hơn 2.400 người đăng ký tham gia với hơn 1.300 người mua BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, đến năm 2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên số lượng NLĐ tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp có giảm nhẹ đạt lần lượt 15.092 người, 113.977 người.
Mặc dù tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện trên địa bàn Tỉnh còn thấp, mức hưởng chưa cao, nhưng kết quả triển khai chính sách này trong thời gian qua cho thấy, số người tham gia và hưởng tăng lên đáng kể nhất là trong giai đoạn từ 2017 - 2022, giai đoạn 2017 - 2019.
Tuy kết quả phát triển đối tượng chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng từ năm 2020 trở đi đều vượt so với chỉ tiêu được giao. Điều này khẳng định sự đúng đắn của chính sách BHXH tự nguyện đã được NLĐ tại khu vực nông thôn và NLĐ trong khu vực phi chính thức của Quảng Ngãi hưởng ứng, tham gia tích cực hơn.
Trên cơ sở số lượng người tham gia BHXH tự nguyện của tỉnh Quảng Ngãi, thì tình hình thu BHXH giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn Tỉnh đạt kết quả tích cực theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2018, số lượng NLĐ mua BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã tăng 644 người (tương ứng tăng gần 43%) so với năm 2017.
Tuy nhiên, số thu BHXH tự nguyện năm 2018 lại giảm 353 triệu đồng (tương ứng với tỷ lệ giảm khoảng 4,13%) so với năm 2017. Thực tế này cho thấy, tuy số lượng NLĐ mua BHXH tự nguyện tăng, nhưng đa phần là các đối tượng yếu thế, có thu nhập thấp, bấp bênh, dẫn tới tổng mức thu BHXH tự nguyện năm 2018 sụt giảm so với năm 2017.
Năm 2019, số lượng NLĐ mua BHXH tự nguyện tăng thêm 4.464 người, tương ứng với tăng gần 210%. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thu BHXH tự nguyện của tỉnh Quảng Ngãi đã tăng gần 253% (tương ứng với số thu tăng thêm gần 21 tỷ đồng).
Đến năm 2020, 2021, mặc dù tỷ lệ tăng thu BHXH tự nguyện có giảm không cao, nhưng cũng cho thấy tình hình khá khả quan. Cụ thể, năm 2020, thu BHXH tự nguyện của tỉnh Quảng Ngãi đã tăng gần 9,2 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng gần 32%; năm 2021, tốc độ tăng thu BHXH tự nguyện của Tỉnh tăng 46,45% so với năm 2020 (tương ứng với mức tăng gần 18 tỷ đồng). Tuy
nhiên, đến năm 2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và số người mua BHXH tự nguyện giảm, nên số thu cũng giảm tương ứng.
Khó khăn, thách thức trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Quảng Ngãi
Bên cạnh kết quả trên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại tỉnh Quảng Ngãi cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Một là, với nhóm NLĐ ở khu vực phi chính thức, nhận thức của họ về BHXH tự nguyện, về lợi ích và các chính sách mua và thụ hưởng loại hình bảo hiểm này còn chưa đầy đủ, thiếu thông tin.
Do đó, phần lớn nhóm NLĐ này chưa hình thành ý thức mua BHXH tự nguyện, để tích lũy trong quá trình làm việc để hưởng lương hưu khi về già và không còn sức khỏe lao động.
Hai là, một số NLĐ khác chịu ảnh hưởng bởi truyền thống văn hóa, nên có suy nghĩ trông cậy dựa vào con cháu khi về già và không còn làm việc. Một số NLĐ khác không yên tâm về khoản chi trả của Quỹ BHXH tự nguyện trong tương lai có thể đảm bảo tài chính cho họ khi họ hết tuổi lao động và
được hưởng chế độ lương hưu.
Kết quả nghiên cứu tìm hiểu NLĐ thuộc nhóm này cho thấy, việc quyết định mua BHXH tự nguyện tại Quảng Ngãi phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập của NLĐ có thể dành ra để đóng bảo hiểm.
Phần lớn những NLĐ không thuộc đối tượng mua BHXH bắt buộc là những người có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, khả năng tích lũy thấp. Với khoản thu nhập
thấp, khiến phần lớn NLĐ không nghĩ tới việc mua BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, NLĐ ở khu vực phi chính thức, nhất là những người nông dân ở tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với họ, ít quyền lợi hơn so với BHXH bắt buộc.
Trong khi người mua BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ (chế độ dài hạn gồm hưu trí, tử tuất; chế độ ngắn hạn gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế thì không được hưởng).
Còn người mua BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ dài hạn và BHXH tự nguyện chưa giải quyết được các chế độ ngắn hạn. Tuy nhiên, các chế độ ngắn hạn này lại được nhiều NLĐ quan tâm, vì nó đáp ứng nhu cầu trước mắt của họ, mang lại tác động tức thời đối với NLĐ. Do đó, việc cân nhắc của NLĐ với quy định này khiến họ chưa muốn tham gia vào loại hình BHXH tự nguyện, nhất là đối với lao động nữ.
Ba là, khi mua BHXH tự nguyện thời gian đóng quá dài và mức hỗ trợ đóng cố định như hiện nay còn thấp. Thời gian đóng BHXH tự nguyện để được
hưởng lương hưu còn quá dài (đủ 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam). Do điều kiện này nên những người dưới 35 tuổi đối với nữ, dưới 40 tuổi đối với nam "không mặn mà" trong việc mua BHXH tự nguyện.
Với các lý do trên, nhiều NLĐ còn cân nhắc giữa gửi tiền tiết kiệm hay mua BHXH tự nguyện, cân nhắc khi tham gia loại hình bảo hiểm này. Họ cho rằng, sau vài chục năm đóng bảo hiểm đến khi đủ để nhận chế độ bảo hiểm thì cũng không hơn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào kinh doanh một việc gì đó.
Hoặc một số NLĐ thấy thu nhập hiện tại của họ còn thấp để duy trì cuộc sống hiện tại; do đó họ mua BHXH tự nguyện và không muốn đầu tư để đóng BHXH tự nguyện.
Giải pháp nhằm thúc đẩy người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở tỉnh Quảng Ngãi
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như thúc đẩy NLĐ mua BHXH tự nguyện ở Quảng Ngãi thời gian tới cần triển khai đồng bộ các
giải pháp.
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện cho NLĐ ở khu vực phi chính thức tại tỉnh Quảng Ngãi.
Để đạt hiệu quả truyền thông, bên cạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, cần phổ biến, cập nhật kiến thức về BHXH tự nguyện đối với NLĐ ở khu vực phi chính thức và người thân của họ.
Đặc biệt, hoạt động này cần chú trọng tới những NLĐ là khách hàng tiềm năng của BHXH tự nguyện. Các hoạt động tuyên truyền giúp NLĐ không ngừng cải thiện kiến thức tài chính cá nhân, kỹ năng tài chính cá nhân, thái độ với tài chính cá nhân và hành vi tài chính cá nhân của họ và thành viên trong gia đình.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ các kỹ năng quản lý chi tiêu và hình thành thói quen tiết kiệm tiền của bản thân và gia đình, qua đó giúp
NLĐ nhận thức đúng về những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.
Tuyên truyền về tự quản lý tài chính cá nhân để người dân, NLĐ bỏ tư tưởng “già cậy con”, để họ nhận thức được rằng, mỗi người cần phải có một nguồn thu nhập ổn định và được chăm sóc y tế (bảo hiểm y tế) khi về già để cuộc sống được đảm bảo; đồng thời, giảm bớt gánh nặng cho con cháu khi hết tuổi lao động.
Thứ hai, áp dụng các hình thức tuyên truyền qua các kênh truyền thông tin về BHXH theo hướng dễ tiếp cận NLĐ và truyền tải đầy đủ thông tin cần
thiết. Các hoạt động này phải được tiến hành một cách hiệu quả và đồng bộ trong truyền tin tới NLĐ.
Bên cạnh đổi mới phương thức tuyên truyền, đội ngũ làm công tác tuyên truyền phải thật sự năng động và tâm huyết. Đội ngũ này chính là cầu nối
giữa chính sách với người dân nói chung và NLĐ khu vực phi chính thức nói riêng. Để người dân và NLĐ quan tâm, lắng nghe, nhận thức và tin cậy chính sách BHXH tự nguyện, từ đó họ mới tin tưởng tham gia và coi đây là chỗ dựa vững chắc cho họ khi hết tuổi lao động.
Thực tế cho thấy, NLĐ ở khu vực phi chính thức thường chỉ lo trang trải cho những việc trước mắt hoặc tự tích lũy dẫn tới khả năng đảm bảo tài chính tối thiểu cho cuộc sống khi hết tuổi lao động là bấp bênh.
Cùng với đó, tuyền truyền để NLĐ nhận thức mua BHXH tự nguyện là mang lại sự an tâm, tự tin trong cuộc sống; đồng thời, nâng cao giá trị của bản thân. Bỡi lẽ, đại đa số NLĐ chưa bao giờ nghĩ mình có thể được gia nhập ngang hàng vào tầng lớp những người làm việc trong các cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp khi về hưu.
Khi nhận thức đầy đủ họ an tâm, tự tin hơn nhận thấy giá trị của họ được nâng lên, và họ cảm thấy cuộc sống tuổi già có ý nghĩa và độc lập, không phải phụ thuộc nhiều vào con cháu.
Nhận thức đầy đủ về những lợi ích an sinh xã hội của BHXH tự nguyện, NLĐ sẽ có thái độ tích cực hơn với chính sách BHXH tự nguyện. Có như vậy, họ mới thấy được sự cần thiết phải mua BHXH tự nguyện và họ sẽ tin vào quyền lợi mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại khi họ tham gia loại hình bảo hiểm này.
Thứ ba, củng cố ý thức của NLĐ và người dân ở khu vực phi chính thức trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi về chuẩn bị thu nhập đảm bảo chăm sóc sức
khỏe khi về già. Nghĩa là họ cần nắm được các vấn đề về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong mối quan hệ với tình trạng thu nhập có thể suy giảm khi tuổi cao, sức yếu. Từ đó, giúp họ quyết tâm mua BHXH tự nguyện, nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định, trang trải các chi phí cần thiết cho cuộc sống và chi phí chăm sóc sức khỏe khi về già.
Các biện pháp truyền thông và tư vấn về BHXH tự nguyện cũng cần củng cố ý thức thường xuyên quan tâm đến sức khỏe bản thân của NLĐ. Kết hợp với các giải pháp giúp củng cố kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi tài chính cá nhân của NLĐ, giúp họ hình thành thói quen không ngừng quan tâm đến sự tăng trưởng và ổn định thu nhập của bản thân.
Đồng thời, tuyên truyền để củng cố ý thức về sự cần thiết có thu nhập từ các chế độ BHXH tự nguyện mang lại để đảm bảo mức sống tối thiểu khi về già. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tư vấn nắm vững BHXH tự nguyện cũng cần tư vấn, khuyến nghị những nguy cơ đe dọa sức khỏe và làm tăng chi phí y tế của các hộ gia đình và gây áp lực đối với người có thu nhập chính và có trách nhiệm lo cho gia đình.
Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro và bất trắc, các nguy cơ sức khỏe có thể bắt nguồn từ những thói quen sinh hoạt không lành mạnh như uống rượu, hút thuốc, thức khuya… cũng như các
yếu tố bất lợi từ môi trường tự nhiên, bệnh nghề nghiệp, dịch bệnh cũng như xu hướng trẻ hóa của nhiều căn bệnh như tim mạch, xương khớp, tiểu
đường...
Các căn bệnh này thường đe dọa tới sức khỏe và tạo nguy cơ làm gia tăng chi phí y tế. Từ đó, việc đảm bảo an toàn ở mức độ nhất định của BHXH
tự nguyện đối với những NLĐ ở khu vực phi chính thức trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là điều cần thiết.
Ngoài ra, các cơ quan cung cấp dịch vụ BHXH tự nguyện tiếp tục cải thiện quy trình cung cấp dịch vụ, không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ người mua BHXH. Các hoạt động gắn với tính minh bạch quy trình và trách nhiệm hỗ trợ với người mua BHXH tự nguyện.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo giải quyết mọi vấn đề vướng mắc, cản trở NLĐ có nhu cầu mua BHXH tự nguyện. Nên để mỗi NLĐ ở khu vực phi chính thức là khách hàng tiềm năng có nhu cầu mua BHXH tự nguyện thực sự kiểm soát được hành vi mua của họ và cảm thấy việc mua BHXH tự nguyện là không có bất kỳ cản trở nào.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính theo hướng công khai, minh bạch. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như các tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Các quy trình, thủ tục theo hướng công khai, minh bạch, giúp NLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dễ dàng tiếp cận mua BHXH tự nguyện. Khi NLĐ sẵn sàng mua BHXH tự nguyện cần có hệ thống hỗ trợ NLĐ dễ dàng hoàn thiện thủ tục, giấy tờ đảm bảo đúng quy định.
Kết luận
Qua nghiên cứu phân tích trên cho thấy, tỷ lệ NLĐ ở khu vực phi chính thức của tỉnh Quảng Ngãi tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, do hạn chế về nhận thức của NLĐ; những cản trở về tâm lý; hoàn cảnh về tài chính của NLĐ...
Để khắc phục những khó khăn này, thúc đẩy gia tăng tỷ lệ mua BHXH tự nguyện của NLĐ ở khu vực phi chính thức cần tăng cường tuyên truyền, cải cách hành chính tạo thuận lợi cho NLĐ, người dân tham gia loại hình bảo hiểm này.
Đồng thời, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi họ tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần nhân rộng những mô hình sáng tạo về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, để tăng tỷ lệ bao phủ loại hình bảo hiểm này...
Tài liệu tham khảo:
- BHXH tỉnh Quảng Ngãi (2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022), Báo cáo thường niên của BHXH tỉnh Quảng Ngãi;
- Nguyễn Xuân Cường, Nguyễn Xuân Thọ và Hồ Huy Tựu (2014), Một số nhân tố ảnh hưởng đến sự quan tâm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tạp chí Khoa học. Đại học Quốc gia Hà Nội. 30(1). tr. 36-45;
- Trần Quang Hùng (1993), Đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động trong các thành phần kinh tế ở Việt Nam. Đề tài cấp nhà nước KX.04.05.02;
- Đào Thị Hải Nguyệt (2007), Mô hình thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện ở một số nước trên thế giới và những bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Hoàng Kiến Thiết (2007), Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Bước đột phá trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. Tạp chí Bảo hiểm xã hội.