Giải pháp và chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững


Phát triển đô thị xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, để bảo đảm sự hài hòa và cũng là chủ trương, chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong quá trình tăng trưởng kinh tế.

Quá trình phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Nguồn: Internet.
Quá trình phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Nguồn: Internet.

Chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững

Những năm qua, quá trình phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, đi kèm đó là những thách thức, áp lực về nguồn cung tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải... làm biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến môi trường sống.

Giải pháp phát triển đô thị xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, để bảo đảm sự hài hòa và cũng là chủ trương, chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong quá trình tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình này, do đó rất cần các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng trên. 

Tại Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức ngày 12/12, các chuyên gia cho rằng, phát triển đô thị để tạo động lực tăng trưởng kinh tế đô thị là một chỉ dấu kinh tế tích cực, thế nhưng nó cũng đi kèm với những thách thức to lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Những vấn đề về khói bụi, tắc nghẽn giao thông, và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện đang được các cấp, ngành, cơ quan chức năng và dư luận đặc biệt quan tâm.

Do vậy, chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững tập trung vào ba trụ cột chính: phát triển không gian xanh, năng lượng tái tạo, và giao thông bền vững.

Phát triển không gian xanh là việc cam kết tăng cường diện tích cây xanh trong tất cả các dự án phát triển đô thị mới. Việc gia tăng mảng xanh còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu và gia tăng chất lượng không khí trong khu vực.

Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển đô thị xanh.

Các dự án mới sẽ áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời, gió, và các nguồn năng lượng bền vững khác để giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon, hướng tới một tương lai sinh thái hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.

Thêm vào đó, với chủ trương thúc đẩy việc phát triển các mạng lưới giao thông công cộng, cải thiện hệ thống hạ tầng để hỗ trợ xe đạp và đi bộ, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông xanh..., sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế khí thải và làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong đô thị.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, sự cần thiết của việc phát triển bền vững không chỉ từ góc độ kinh tế, mà còn từ trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.

Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững để tạo ra môi trường sống lành mạnh nhất cho cư dân, đồng thời cũng góp vào cuộc chiến toàn cầu vì một tương lai trái đất xanh và sạch hơn.

Nhấn mạnh quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh và đạt 42,7% vào năm 2023, Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kinh tế đô thị đã đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Trong khi, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 67.880 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.140 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 29.740 tấn/ngày).

Theo đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày tại Hà Nội khoảng 7.000 tấn/ngày, TP.HCM khoảng 10.000 tấn/ngày, Hải Phòng khoảng 700 - 800 tấn/ngày, Đà Nẵng khoảng 1.100 tấn/ngày.

Theo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại đô thị trung bình khoảng 96,6%, trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64%.

Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn đô thị, ông Thắng cho rằng đã đạt được những kết quả tích cực nhờ hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, hướng tới kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, nhiều địa phương đã triển khai phân loại rác quy mô lớn. Cùng với đó, công nghệ đốt phát điện được áp dụng, hạ tầng xử lý được cải thiện. Chính sách về chất thải nhựa cũng được thiết lập, hướng tới loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần sau năm 2030.

Tuy nhiên, ông Thắng thẳng thắn chỉ ra vẫn còn những hạn chế như thiếu hướng dẫn cụ thể về kinh tế tuần hoàn, định mức chi phí tái chế, quy trình kỹ thuật.

Thủ tục cấp phép phức tạp, quy định về lò đốt bất hợp lý, cùng với hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả phân loại rác. Hơn nữa, nhận thức của chính quyền và người dân còn hạn chế, thiếu liên kết giữa các địa phương, bất cập trong quản lý chất thải nhựa và khó khăn trong xã hội hóa đầu tư.

Hà Nội hướng tới phát triển đô thị xanh

Hà Nội, đang đứng trước nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Trong bối cảnh dân số liên tục gia tăng và áp lực ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế thì vấn đề môi trường trở thành một mối quan tâm hàng đầu đối với thành phố.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, trong khu vực Thủ đô Hà Nội có 3 nguồn chính cần được quan tâm và đưa vào quy hoạch phát triển Thủ đô xanh là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tuy nhiên, việc khai thác 3 nguồn năng lượng này còn khó khăn.

Đối với năng lượng gió, hiện nay, công nghệ sản xuất tua bin đã rất phát triển nhưng Thủ đô thiếu bản đồ gió trong khu vực địa giới hành chính của Thủ đô và vùng phụ cận.

Về năng lượng mặt trời, Hà Nội có tổng số giờ chiếu sáng của mặt trời không tối ưu do bị ảnh hưởng bởi khí hậu nên tiềm năng chỉ phù hợp với các hộ sử dụng điện riêng lẻ có công suất thấp.

Đối với năng lượng sinh khối, ở khu vực Thủ đô chỉ có bao gồm xử lý rác thải đô thị hoặc sử dụng năng lượng sinh học nhưng phụ thuộc vào việc phân rác thải tại nguồn.

Mặt khác, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, đến thời điểm hiện nay, Thủ đô chưa có một khung chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo riêng mà chủ yếu chỉ áp dụng các cơ chế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa sử dụng hết tiềm năng của Thành phố đã được quy định trong Luật Thủ đô 2024.  

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho hay, thành phố đang rất cần sự cộng tác từ các đối tác, chính quyền địa phương, và cộng đồng cư dân để cùng nhau xây dựng nên những đô thị đáng sống, cùng nhau hành động để tạo nên những thay đổi có ý nghĩa sâu rộng.

Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường, và quản lý năng lượng hiệu quả.

Trước hết, Hà Nội đã nỗ lực mở rộng và bảo vệ các công viên, vườn hoa và không gian công cộng. Điều này vừa giúp cải thiện chất lượng không khí đồng thời những không gian sống lý tưởng cho cư dân thành phố. Kiến trúc bền vững là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị xanh.

Nhiều công trình mới ở Hà Nội được thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tích hợp các công nghệ xanh.

Về lĩnh vực giao thông, Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, bao gồm việc mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh và phát triển các tuyến đường sắt đô thị.

Việc khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Thành phố cũng thúc đẩy việc sử dụng xe đạp và xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp, khuyến khích lối sống lành mạnh và giảm thiểu khí thải.

Quản lý năng lượng hiệu quả cũng là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị xanh của Hà Nội.

Các chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo đang được triển khai mạnh mẽ, từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các tòa nhà công sở cho đến việc nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng sang đèn LED tiết kiệm điện.

Tuy vậy, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị xanh bền vững, Hà Nội cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng cư dân.

Giáo dục và truyền thông về lợi ích của đô thị xanh cần được đẩy mạnh để tạo ra sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trong cộng đồng. Việc phát triển đô thị xanh bền vững là một hướng đi tất yếu của các đô thị.

Theo Bích Ngọc/kinhtemoitruong.vn