Giải pháp xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch Đà Nẵng

ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Trường cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

Khi xã hội ngày càng phát triển cùng với sự thay đổi nhanh của các phương tiện truyền thông quảng cáo, các địa phương có mục tiêu phát triển du lịch và doanh nghiệp du lịch cần năng động, cập nhật, thích nghi nhanh chóng để quảng bá du lịch hiệu quả. Tại TP. Đà Nẵng, việc quảng bá phát triển du lịch là vấn đề được quan tâm hiện nay. Dựa trên những ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, bản sắc văn hoá vùng miền, ẩm thực và vị trí địa lý... bài viết đưa ra những giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và quảng bá du lịch Đà Nẵng thời gian tới.

Điểm đến Đà Nẵng là một sản phẩm du lịch đặc biệt với khách ngoại tỉnh và khách quốc tế.
Điểm đến Đà Nẵng là một sản phẩm du lịch đặc biệt với khách ngoại tỉnh và khách quốc tế.

Khái niệm cơ bản

Quảng bá thương hiệu là chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp (DN) nhằm đưa thương hiệu của mình đến gần hơn với người tiêu dùng, được người tiêu dùng biết đến và nhận được sự tin tưởng. Có nhiều công cụ để quảng bá, tuỳ tính chất, đặc điểm, phạm vi của đối tượng cần quảng bá. Trong số các công cụ quảng bá thì truyền thông là hiệu quả và phù hợp, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Quảng bá điểm đến là quảng bá về dịch vụ và sản phẩm du lịch cụ thể nào đó. Điểm đến là một sản phẩm đặc trưng của du lịch, bao gồm combo nhiều sản phẩm du lịch nhỏ. Điểm đến thu hút khách không bao giờ chỉ bởi một yếu tố, mà bao gồm chất lượng, sức hấp dẫn của nhiều yếu tố, từ cảnh quan, di tích, đến ẩm thực, hoạt động vui chơi, lưu trú... Khách du lịch tham gia dịch vụ, mua sản phẩm điểm đến là để thoả mãn nhu cầu khám phá, vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi... nên quảng bá điểm đến cần chú trọng tác động đến cảm xúc và xây dựng niềm tin cho khách.

Quảng bá điểm đến là dùng các phương tiện truyền thông, truyền tin đưa các thông tin về một địa điểm du lịch nhằm tác động đến cảm xúc, niềm tin, mong muốn của khách để tạo sự thu hút, sức hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu đến thăm và trải nghiệm của khách.

Phương tiện quảng bá

Du lịch là một lĩnh vực mà hoạt động quảng cáo, quảng bá luôn sôi động và đa dạng. Có rất nhiều phương tiện để quảng bá điểm đến. Tuỳ phạm vi, nội dung, mức độ và tiềm lực tài chính cũng như đặc điểm của sản phẩm để lựa chọn những phương tiện quảng bá hiệu quả.

Điểm đến Đà Nẵng là một sản phẩm du lịch đặc biệt với khách ngoại tỉnh và khách quốc tế. Việc lựa chọn phương tiện truyền thông để quảng bá du lịch Đà Nẵng là một vấn đề cần quan tâm. Phương châm cũ người mới ta trong trường hợp này ít nhiều có cơ sở. Kết hợp giữa phương tiện và nội dung quảng bá một cách phù hợp, hiệu quả là điều quan trọng cần lưu ý.

Trang chủ website

Xây dựng một website chất lượng đảm bảo nội dung đầy đủ, hấp dẫn là một trong những phương tiện quan trọng để có thể quảng bá du lịch điểm đến Đà Nẵng. Website chính là nội dung làm nên thương hiệu của điểm đến. Bất cứ khách hàng nào khi tìm hiểu về sản phẩm đều tìm đến Website. Chẳng hạn khi muốn đi du lịch tâm linh, sinh thái, khách có thể gõ các từ khoá và địa chỉ website hiện ra, dẫn khách đến đầy đủ các thông tin cơ bản về điểm đến Đà Nẵng. Website cung cấp cho khách hàng những thông tin cơ bản và đáng tin cậy về sản phẩm. Chất lượng và tần số cập nhật nội dung trên website quyết định độ tin cậy và khả năng tiếp cận khách hàng của sản phẩm du lịch. Ngoài ra, giao diện và chất lượng hình ảnh cũng quyết định sự lựa chọn của khách hàng.

Sử dụng hồ sơ trên Google

Hiện nay, việc tìm kiếm thông tin trên Google là một thói quen của người tiêu dùng. Nếu các đơn vị điểm đến biết cách xây dựng nội dung hiệu quả thì công cụ Google là một phương tiện tối ưu. Để sử dụng hiệu quả công cụ này, người xây dựng truyền thông cần có kỹ năng cần thiết, hiểu rõ cơ chế truyển tải thông tin của Google, phối hợp với các đối tác truyền thông để xây dựng nội dung tối ưu công cụ tìm kiếm Google vì tiềm năng tiếp cận với khách hàng rất cao nhưng sự “khổng lồ” của Google cũng là một vấn đề.

Để tiếp cận với khách hàng qua kênh Google, các đơn vị quản lý điểm đến cần tăng cường công tác truyền thông, phủ rộng thông tin về điểm đến với nội dung hấp dẫn khách, phù hợp yêu cầu của Google.

Xây dựng ứng dụng du lịch (app)

Với sự phát triển công nghệ thông tin và thói quen sử dụng điện thoại thông minh cho mọi nhu cầu của đời sống hiện nay, việc sử dụng app du lịch để quảng bá thương hiệu là một công cụ hiệu quả. App tạo nên nhiều lợi thế cho DN du lịch và thuận tiện cho khách hàng nên ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, với chi phí cao so với các phương tiện truyền thông khác nên việc lựa chọn app và xây dựng app cần tính toán kỹ. Xây dựng app riêng về du lịch vốn rất phù hợp với các DN kinh doanh du lịch tour, các công ty trung gian dịch vụ du lịch... Năm 2020, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã cho ra mắt app “Du lịch Việt Nam an toàn”... Một số app phổ biến: MeTrip, Tripadvisor, Booking.com, Traveloka, Agoda... là các phương tiện tìm kiếm và đặt dịch vụ quen thuộc của khách du lịch.

Nếu sử dụng app du lịch cho mục tiêu quảng bá điểm đến Đà Nẵng thì việc xây dựng nội dung app là vấn đề quan tâm hàng đầu. App điểm đến phù hợp với việc hỗ trợ khách du lịch khi đã biết đến Đà Nẵng. Trong phạm vi khu vực thì Đà Nẵng có thể là điểm đến đã biết nhưng trong phạm vi quốc tế thì đây còn là điểm đến mới. Như vậy, cần thiết kế app để có thể giúp khách hàng nhận diện được giá trị và các sản phẩm, dịch vụ du lịch Đà Nẵng mà lựa chọn.

Sử dụng các trang mạng xã hội

Ưu thế của phương tiện mạng xã hội đã được thực tế chứng minh ở tốc độ truyền tải thông tin và khả năng tương tác trực tiếp. Mạng xã hội cũng là phương tiện thu hút lượng người sử dụng và theo dõi lớn và ngày càng lớn. Một số cách truyền thông, quảng bá về du lịch được sử dụng với mạng xã hội:

- Xây dựng nội dung quảng bá phù hợp, đảm bảo làm nổi bật các giá trị của sản phẩm du lịch, ưu thế, điểm đặc sắc riêng của điểm đến. Đà Nẵng với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch sinh thái – văn hoá – tâm linh, lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá... đặc sắc, một số sản phẩm du lịch tâm linh, lịch sử, sản vật miền biển đã có thương hiệu chính là những ưu thế cần được quan tâm và phát huy.

Sự khác biệt về phương diện nội dung giữa giới thiệu, quảng cáo và quảng bá trong du lịch là ở mức độ tác động đến cảm xúc của người tiếp cận và người trải nghiệm. Khách du lịch thường tin tưởng vào các chia sẻ của khách, cảm xúc của khách khi trải nghiệm hơn là những lời giới thiệu hay quảng cáo của người bán sản phẩm. Quảng bá vượt trội về hiệu quả chính là ở yếu tố tác động đến xúc cảm của người tiếp cận.

- Quảng bá địa chỉ kênh qua sự kiện, qua các hoạt động xúc tiến du lịch: Khi đã có kênh quảng bá là mạng xã hội Facebook, youtube, tiktok... thì việc quảng bá địa chỉ kênh cũng quan trọng không kém.Ngoài việc hướng đến công cụ tìm kiến Google thì cần tổ chức, tham gia các sự kiện, các hoạt động xúc tiến du lịch để giúp khách hàng tiếp cận được với kênh quảng bá. Mở gian hàng tại các hội chợ, tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ để giới thiệu kênh truyền thông mạng xã hội là những hoạt động mà bất cứ DN du lịch nào cùng cần làm, để quảng bá điểm đến lại càng cần thiết.

- Quảng bá bằng nội dung, các hình thức tương tác trên kênh để đẩy cao lượt tiếp cận khách hàng như tổ chức cuộc thi, đăng tải trải nghiệm của khách hàng, đăng tải phản hồi tích cực của khác hàng... Từ đó, tiếp cận nhiều nhất với khách hàng qua các lượt like, share trên các kênh truyền thông.

Dùng phương tiện truyền thông để kết nối với các đại lý du lịch trực truyến

Trước khi có internet, khách hàng đặt vé du lịch bằng cách gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến văn phòng của đại lý du lịch hay quầy ở sân bay. Khi internet bùng nổ, họ bắt đầu tự tìm kiếm và đặt chuyến đi trên không gian mạng. Các hãng hàng không, khách sạn bắt đầu tạo những website riêng để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, khi internet xóa nhòa mọi khoảng cách, người dùng dễ bị lạc lối giữa vô số lựa chọn. Họ bị cuốn vào vòng xoay của các thương hiệu, giá cả, phân vân trong việc đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) ra đời như một xu thế tất yếu.

Vì vậy, quảng bá điểm đến không thể bỏ qua việc kết nối với các (OTA). OTA chuyên bán các sản phẩm du lịch như: khách sạn, tour du lịch, vé máy bay… cho các đơn vị cung cấp du lịch. Các giao dịch mua bán, thanh toán đều được thực hiện thông qua hình thức online. Mô hình OTA đã rất phát triển trên thế giới với những tên tuổi lớn như: Agoda.com, Expedia.com, Booking.com, traveloka… Ở Việt Nam, các trang như: Avia.vn, ivivu.com, Abay.vn… chính là các mô hình OTA. Hệ thống đánh giá, xác nhận từ họ cũng như khách hàng giúp OTA là giải pháp đặt phòng ngày càng được nhiều người lựa chọn và trở thành nguồn cung cấp khách hàng ổn định. Với sự năng động và tiện dụng, OTA ngày càng được khách du lịch ưa chuộng sử dụng.

Một số lưu ý về nội dung quảng bá

Nội dung quảng bá điểm đến cần quan tâm đến một số phương diện có tính chất đặc trưng riêng của điểm đến: Xác định phạm vi và đối tượng khách hàng. Khách hàng nước ngoài, khách hàng nội địa, khách hàng địa phương. Với mỗi đối tượng khách hàng, phạm vi, vị trí địa lý cần nội dung quảng bá phù hợp.

Nội dung quảng bá dành cho khách nước ngoài khác với khách nội địa, khách ngoại tỉnh khác với khách nội tỉnh. Cũng cần lựa chọn phương tiện phù hợp khi xây dựng nội dung quảng bá theo đối tượng và phạm vi khách hàng. Vị trí, vị thế của điểm đến trên bản đồ du lịch trên thế giới, trên lãnh thổ quốc gia, trong mảng sản phẩm, trong vùng, tỉnh. Xác định được vị thế của điểm đến trên bản đồ du lịch và trong mối tương quan với các điểm đến trên khu vực, các điểm đồng nhất với các sản phẩm điểm đến cùng dòng để xây dựng nội dung quảng bá phù hợp và làm nổi bật điểm riêng, điểm độc đáo của điểm đến (về ẩm thực, văn hoá, cảnh quan, dịch vụ...). Ví dụ: Cùng dòng sản phẩm điểm đến là không gian văn hoá miền biển, làng nghề truyền thống cần đặt Đà Nẵng trong mối tương quan với các điểm đến trong khu vực như: Hội An, Cù Lao Chàm... để xây dựng nội dung quảng bá là nổi bật điểm chung (không gian cảnh quan vùng miền biển, giàu bản sắc văn hoá), điểm riêng độc đáo (Bà Nà, Chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn…)

Nội dung quảng bá cần đảm bảo một số tiêu chí như: hấp dẫn, sát thực tế, nổi bật điểm riêng, độc đáo, chiều sâu văn hoá lịch sử, giá trị phi vật chất. Bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chí chung của quảng bá thương hiệu nói chung và quảng bá du lịch nói riêng thì nội dung quảng bá du lịch điểm đến cần đặc biệt quan tâm đến giá trị cốt lõi làm nên nội dung quảng bá thực sự, đó là khả năng tác động đến cảm xúc, thái độ của nội dung truyền thống đến khách hàng. Vì vậy, sử dụng trải nghiệm thực tế đang là một hình thức truyền thông du lịch rất được ưa chuộng.

Kết luận

Việc xây dựng nội dung và sử dụng hiệu quả các phương tiện quảng bá là giải pháp mấu chốt – chìa khoá vàng cho việc phát triển du lịch của Thành phố Đà Nẵng. Điều cốt yếu tạo nên nội dung thực sự đạt đến yêu cầu của quảng bá chính là ở hai yếu tố cơ bản: mật độ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và khả năng tác động đến cảm xúc của khách du lịch tiềm năng. Đảm bảo nội dung và tính chất quảng bá như vậy, chắc chắn Đà Nẵng sẽ tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tài liệu tham khảo

  1. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; https://vietnamtourism.gov.vn;
  2. Kỷ yếu hội thảo: Quá tải khách tại các trung tâm du lịch và phát triển điểm đến vệ tinh;
  3. Kết quả và giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đến với khách du lịch trong và ngoài nước - Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang – 2023.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2024