Khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay
Đại hội lần thứ XIII của Đảng chủ trương: “Tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách phát triển du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung quy hoạch và đầu tư để hình thành một số khu du lịch quốc gia tầm cỡ quốc tế… phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch trong nước”. Để thực hiện được chủ trương trên, ngành Du lịch Việt Nam cần giải quyết rất nhiều vấn đề cả trước mắt và lâu dài, trong đó việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành là một nhiệm vụ quan trọng. Bài viết làm rõ thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Du lịch Việt Nam hiện nay trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19 và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng; trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp khắc phục.
Đặt vấn đề
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã gây hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Vấn đề thiếu nhân lực trong ngành Du lịch, kể cả nhân lực có chất lượng cao là điều khó tránh khỏi khi Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi trở lại. Mục tiêu chiến lược của du lịch Việt Nam là trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch tại Đông Nam Á và trong 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Để giải quyết bài toán về phục hồi, ngành Du lịch Việt Nam cần có cái nhìn tổng thể, mang tính hệ thống. Trong bối cảnh toàn ngành Du lịch đón nhiều tín hiệu tích cực từ quyết định mở cửa du lịch hoàn toàn, thì nhiều vấn đề khó khăn cũng dần lộ diện. Trong đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch là vấn đề được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng quan tâm.
Thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Du lịch Việt Nam hiện nay
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch do tác động của đại dịch COVID-19
Những năm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh: Bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng khoảng 15%/năm và năm 2019 đạt 18 triệu lượt khách, tăng trên 10 triệu lượt so với năm 2015. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, khách du lịch đến Việt Nam đạt 3,8 triệu lượt khách, giảm 78,7% so với năm 2019. Trước khó khăn do lượng khách quốc tế giảm sút, Việt Nam đã kích cầu du lịch nội địa sau các đợt dịch bệnh và đã đạt những kết quả quan trọng. ngành Du lịch đóng góp hơn 13% cho GDP quốc gia. Những năm gần đây, ngành Du lịch có khoảng 50 vạn lao động trực tiếp và trên một triệu lao động gián tiếp, mỗi năm lực lượng lao động trong ngành này tăng lên khoảng từ 30-40 vạn người... [5]. Khi ngành Du lịch hồi phục và phát triển trở lại sau đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực có sự tăng trưởng về số lượng và được nâng cao hơn về chất lượng. Tất cả những thành tựu đó làm cơ sở quan trọng cho ngành Du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, nguồn cung nhân lực du lịch vẫn đang đặt ra rất nhiều vấn đề khi chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt đối với nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Việc thiếu hụt lao động trong ngành Du lịch rất đáng lo ngại khi có đến 72%-82% lực lượng lao động bị mất việc làm hoặc chuyển nghề khác do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc tuyển dụng nhân lực khá khó khăn, vì nhân lực du lịch đã chuyển đổi sang ngành nghề mới. Đánh giá về nhu cầu nhân lực sau đại dịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay, ngành Du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000-1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000-1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022-2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động [3].
Thực tế cho thấy, nguồn cung lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cần đến 40.000 lao động có trình độ, thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 [5]. Như vậy, sự thiếu hụt rất lớn.
Hiện nay, khi dịch bệnh vẫn còn, nhưng đã dịu xuống, sẽ cần rất nhiều chi phí đào tạo cho lực lượng lao động mới và khó có thể đáp ứng được trong thời gian ngắn khi du lịch hoạt động trở lại. Cùng với đó, xu hướng đổi mới về sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong bối cảnh bình thường mới cũng là một thách thức phát sinh chi phí đối với các doanh nghiệp du lịch đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Tác động của cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Du lịch của Việt Nam
Thuật ngữ “du lịch thông minh” xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây, được nhắc đến nhiều khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chính thức diễn ra. Công nghệ và du lịch đã có sự kết hợp khá tích cực và hoàn hảo. Những sản phẩm du lịch gắn với công nghệ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch của mỗi du khách từ việc lựa chọn điểm đến cho đến thời gian lưu trú và trải nghiệm, sau cùng là những kỷ niệm được lưu giữ từ chuyến đi. Sự phát triển thị trường với sự góp mặt của những thế hệ tiêu dùng mới, cũng là một trong những lý do thay đổi tích cực đối với mô hình du lịch. Những khách du lịch này thích đi du lịch trong sự đam mê công nghệ mới, điều này tạo nên một bối cảnh mới, trong đó các phương tiện truyền thông xã hội, các ứng dụng công nghệ, blog, mạng xã hội và thời gian du khách dành cho nó trong suốt chuyến đi là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm của mỗi du khách.
Chính điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi mạnh mẽ sang công nghệ số hóa. Đồng thời, cần trả lời các câu hỏi: Khi khách du lịch tới Việt Nam, hoặc khách Việt Nam đi du lịch tới các điểm đến mới, họ không biết sẽ phải đi đâu? ở đâu? ăn gì? xem gì? mua gì?... Hiện nay, tất cả các thông tin đó được số hóa trên các ứng dụng có thể cài đặt lên điện thoại di động, dữ liệu số đã trở thành yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp du lịch, do vậy đội ngũ nhân sự của ngành dDu lịch Việt Nam cần phải nắm vững các kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động du lịch.
Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực du lịch là ứng dụng các công nghệ thông minh dựa trên nền tảng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình và hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… của du khách, nâng cao khả năng phục vụ và sức hấp dẫn của điểm đến du lịch. Ứng dụng công nghệ 4.0 giúp doanh nghiệp mở rộng không gian, thời gian và thị trường du lịch. Ngoài ra, công nghệ còn giúp giảm chi phí nhân lực lao động, chi phí sản xuất, giảm giá thành các dịch vụ du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, khách hàng cũng tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí hơn trong việc đặt chỗ, thanh toán thông qua các ứng dụng trực tuyến. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực du lịch sẽ góp phần tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng thị hiếu của khách du lịch. Ngoài ra, Cách mạng công nghiệp 4.0 còn giúp định vị và khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam với bạn bè du khách quốc tế.
Trước sự suy giảm lượng lớn nguồn nhân lực du lịch do tác động của dịch COVID-19, nhiệm vụ phục hồi hoạt động du lịch đang gặp không ít khó khăn. Đồng thời, tác động mạnh mẽ từ Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực du lịch tạo ra sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Du lịch Việt Nam hiện nay. Do đó, khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Du lịch là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn của thị trường du lịch Việt Nam.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Một là, trước mắt nhằm khắc phục sự thiếu hụt về nhân lực, các địa phương, doanh nghiệp buộc phải tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự; chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người lao động. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời, ngành Du lịch cần có kế hoạch tổng thể trong việc thu hút người lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới, chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề… Tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp, trong đó có các dữ liệu về lao động đã làm việc tại doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể đối với các vị trí việc làm hiện tại và tương lai... Liên kết thông tin của các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý liên quan, nhất là các địa phương có nhiều lao động làm việc tại doanh nghiệp và đặc biệt là liên kết với người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp và có cơ hội tìm việc làm mới, hoặc quay trở lại làm việc.
Hai là, nâng cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tầm quan trọng của ngành Du lịch trong phát triển địa phương, đất nước và nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển du lịch. Kiên quyết từ bỏ cách thức làm du lịch một cách “tùy tiện”, “chộp giật”. Nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều đòi hỏi về chất lượng, năng lực hoạt động… là yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách để tăng khả năng cạnh tranh với nước khác trên thế giới. Với trình độ, kiến thức, kỹ năng của mình, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao sẽ giúp cho ngành và doanh nghiệp du lịch có thêm sự sáng tạo, có ý tưởng mới cho sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh, đảm bảo nâng cao về chất lượng, thu hút khách du lịch và tạo động lực để khách hàng có những nhu cầu mới, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch và bảo vệ tài nguyên du lịch. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần có sự nhận thức chung đúng đắn và sâu sắc về tầm quan trọng của ngành Du lịch và nguồn nhân lực trong ngành, từ đó mới có sự lãnh đạo, tổ chức thực hiện sâu sát, hiệu quả việc phát triển cả ngành Du lịch, nhất là nguồn nhân lực du lịch.
Ba là, cần tiêu chuẩn hóa nhân lực du lịch Việt Nam. Áp dụng Bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) trong đào tạo nhân lực du lịch. VTOS bao gồm cả các lĩnh vực được xác định là quan trọng đối với Việt Nam. Toàn bộ các tiêu chuẩn này giúp người lao động, người sử dụng lao động, giáo viên và học sinh các trường du lịch nghiên cứu, áp dụng và thực hiện theo tiêu chuẩn VTOS nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, cũng như hiệu quả đào tạo nghề du lịch một cách thống nhất. Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam sửa đổi ngoài việc kế thừa các nội dung từ phiên bản trước đã được phát triển phù hợp với các quy định của Việt Nam cũng như được chuẩn hóa, tương thích với các tiêu chuẩn nghề quốc tế, tiêu chuẩn ASEAN. Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam bản mới sẽ góp phần nâng cao chất lượng của ngành Du lịch thông qua việc triển khai thực hiện, định hướng công tác đào tạo và hội nhập khu vực.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế nêu trên, đối với các cơ sở đào tạo/dạy nghề du lịch triển khai áp dụng VTOS trong giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế như sau: (i) Thiết kế chương trình đào tạo/dạy nghề tiếp cận theo chuẩn đầu ra - năng lực cốt lõi của mỗi vị trí việc làm gắn với thực tế thị trường lao động. Đồng thời, hướng đến tính "mở", "linh hoạt", phù hợp cho việc áp dụng vào từng đối tượng, địa chỉ cụ thể; (ii) Biên soạn chương trình môn học, bài giảng, giáo trình các học phần/môn học/mô-đun chuyên môn theo hướng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành. Trong đó, thời lượng dành cho phần thực hành chiếm tỷ lệ từ 70%-75% tổng thời gian học tập; (iii) Thay đổi phương pháp giảng dạy của giảng viên/giáo viên, học tập của học sinh/sinh viên theo hướng tích cực, chủ động. Nội dung bài giảng của giảng viên/giáo viên phải được thiết kế mang tính trực quan, sinh động và cụ thể với các mẫu, phiếu, biểu, hình ảnh, phim… gắn với thực tế nghề nghiệp, gắn với doanh nghiệp; (iv) Thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá trên cơ sở đánh giá "năng lực", bao gồm cả 3 yêu cầu: kỹ năng, kiến thức, thái độ. Cuối kỳ, thay vì thi viết, học sinh/sinh viên được thi thực hành và vấn đáp để kiểm tra các đơn vị "năng lực" đã được học. Tập trung chủ yếu vào việc đánh giá "năng lực" chuyên môn nghiệp vụ và giao tiếp ngoại ngữ. Đây chính là cách đánh giá rất sát thực với lực học của học sinh/sinh viên; và (v) Gắn kết giữa cơ sở đào tạo/dạy nghề với doanh nghiệp du lịch trong quá trình đào tạo, thực hành, thực tập của học sinh/sinh viên để tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động sau tốt nghiệp.
Bốn là, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào đào tạo du lịch. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã tạo nên những ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực du lịch nói riêng. Đây là nhân tố chủ đạo dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu lao động trong xã hội, xuất hiện nhiều nghề mới nhưng bên cạnh đó cũng làm biến mất những công việc không mang hàm lượng tri thức cao. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và giảng dạy, xây dựng những chương trình đào tạo ứng dụng thực tiễn ví dụ như công nghệ 3D, 360%… phục vụ khách tham quan, khách du lịch có thể xem và lựa chọn trước khi đi du lịch là một trong những giải pháp giúp sinh viên thích ứng nhanh với yêu cầu thực tiễn của công việc trong tương lai.
Năm là, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên ngành Du lịch: Du lịch là ngành dịch vụ đặc thù, ngoài kiến thức chuyên môn, thì hệ thống kỹ năng mềm là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với nguồn nhân lực du lịch. Thiếu trải nghiệm thực tế và thiếu kỹ năng mềm, như: kỹ năng xử lý công việc, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp… là những điều mà hầu hết các nhà tuyển dụng đều nhận thấy ở nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay. Vì vậy, để chuẩn bị cho một thế hệ nguồn nhân lực sẵn sàng hội nhập quốc tế, việc tăng cường trang bị giảng dạy ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng là một trong những yêu cầu tiên quyết trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo.
Sáu là, tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp: Cần đẩy mạnh đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tạo điều kiện để sinh viên thực hành, thực tập tại đơn vị, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nguồn nhân lực vào thời điểm mùa vụ du lịch. Bên cạnh đó, sinh viên được cọ sát với yêu cầu của công việc thực tế. Thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo nguyên tắc đặt hàng, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp sẽ giảm chi phí đào tạo lại của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với doanh nghiệp, có thể cùng tham gia đào tạo bằng cách đánh giá, phản biện nội dung chương trình để nhà trường cải tiến, chỉnh sửa phù hợp thực tế; cử các cán bộ doanh nghiệp có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trong giờ học ngoại khóa tại nhà trường hoặc doanh nghiệp,... Về phía nhà trường, sẽ chủ động cập nhật, đổi mới chương trình theo hướng linh hoạt trên cơ sở đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp yêu cầu doanh nghiệp; có kế hoạch cụ thể trong việc mời đại diện doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo, trong đó phải thắt chặt mối quan hệ với các cựu sinh viên, bởi đây là kênh kết nối hữu hiệu giữa nhà trường và doanh nghiệp... Có như vậy, việc liên kết trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa nhà trường và doanh nghiệp mới có thể mang lại hiệu quả cao.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Minh Nguyệt (2022), Tổng cục Du lịch tổ chức chương trình công bố thông tin mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, truy cập từ https://bvhttdl.gov.vn/tong-cuc-du-lich-to-chuc-chuong-trinh-cong-bo-thong-mo-cua-lai-hoat-dong-du-lich-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi-20220315185306506.htm.
3. Tổng cục Du lịch (2013), Hệ thống tiêu chuẩn VTOS, Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU).
4. Tổng cục Thống kê (2022), Du lịch nhiều địa phương khởi sắc trong dịp tết nhâm dần, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/03/du-lich-nhieu-dia-phuong-khoi-sac-trong-dip-tet-nham-dan.
5. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
6. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (2021), Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”, ngày 25/02/2021 tại Nghệ An.