Giải pháp xử lý nợ xấu hậu COVID-19

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Nhiều ý kiến cảnh báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao hậu COVID-19, vì thế, các tổ chức tín dụng nên tập trung vào quản trị rủi ro, thay vì chỉ chăm chăm vào vấn đề tài sản bảo đảm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nguy cơ nợ xấu tăng cao

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, nợ xấu có xu hướng tăng mạnh từ năm 2020 và dự kiến sẽ còn tăng trong giai đoạn tới. Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép một số Thông tư, mà những Thông tư này đang cơ cấu lại nợ và chưa chuyển nhóm nợ, nhưng về bản chất, một phần những khoản nợ cơ cấu đó có thể tiềm ẩn trở thành nợ xấu trong tương lai.

Đánh giá về những chuyển biến sau gần 5 năm qua kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, rất nhiều tổ chức tín dụng và khách hàng của họ dựa trên cơ sở Nghị quyết số 42 đã tự thỏa thuận để xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản bảo đảm, chuyển giao tài sản bảo đảm, cho nên Nghị quyết số 42 đã có tác động tốt. Bên cạnh đó, VAMC là cơ quan quản lý tài sản của Việt Nam cũng dựa trên cơ sở của Nghị quyết số 42 để xử lý nợ xấu và được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, toà án trong vấn đề xử lý nợ xấu. Đồng thời, VAMC thành lập ra sàn giao dịch mua bán nợ xấu và bắt đầu hoạt động cho đến nay đã thể hiện, Nghị quyết số 42 rõ ràng đã tạo ra một hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu và đã có những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì vẫn còn tồn tại những vướng mắc. Cụ thể, hoạt động của sàn giao dịch mua bán nợ còn rất yếu kém, mà vấn đề chính là liên quan đến luật lệ. 

"Chúng ta phải biết rằng, vấn đề mua bán nợ thì người mua nợ không phải muốn nhắm vào nợ. Có thể có người muốn một mức chiết khấu rất cao, ví dụ giá trị nợ là 100 đồng và họ yêu cầu người bán phải chiết khấu cho họ 50%, rồi dùng nợ đó để bán cho người khác với giá cao hơn, hưởng chênh lệch, nhưng trường hợp đó rất hiếm, bởi vì nợ đã xấu rồi thì rất khó bán được. Cho nên theo kinh nghiệm của tôi, người mua nợ xấu là muốn nhắm vào tài sản bảo đảm chứ không phải món nợ”, TS. Hiếu phân tích. 

Cũng theo vị chuyên gia, tất cả các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, chuyển giao từ người sở hữu này sang người sở hữu khác phải rất nhanh chóng, nhưng đây lại là điều vô cùng khó khăn tại Việt Nam. Nhiều nơi công chứng không chấp nhận việc này, vì họ không quen với vấn đề mua bán nợ xấu và tài sản tách khỏi nợ; trong khi thực chất, tài sản thế chấp gắn với nợ, thì khi chuyển giao nợ là phải chuyển giao cả tài sản bảo đảm và người mua có quyền sở hữu trên tài sản bảo đảm đó.

Với quy định pháp lý còn thiếu sót như vậy, thì việc mua bán nợ xấu trên sàn giao dịch của chúng ta còn rất yếu ớt mà tôi dự báo nếu chúng ta không có các quy định thông thoáng hơn về việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm, thì sàn giao dịch chỉ “có tiếng mà không có miếng.

Nhiều ý kiến cảnh báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao hậu COVID-19 và làm cho bản chất nợ xấu có sự thay đổi. Trong khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN của NHNN là giúp các doanh nghiệp giảm lãi suất và không chuyển nhóm nợ chỉ có hiệu lực đến 30/6/2022, sau đó thì không có hiệu lực. Cũng có thể NHNN sẽ tiếp tục gia hạn hoặc chấm dứt và nếu chấm dứt thì rất nhiều khách hàng không trả được nợ sẽ bùng lên ngay”, chuyên gia tài chính khuyến cáo.

Tập trung vào quản trị rủi ro

Trước thực tế này, có rất nhiều giải pháp đã và đang được thực hiện nhằm giảm gánh nặng nợ xấu đối với các tổ chức tài chính. Hiện nay, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết số 42 thêm 3 năm nữa đến năm 2025.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hệ thống ngân hàng đã có trích lập dự phòng rủi ro trong 2 năm qua từ khả năng sinh lời tương đối tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong giai đoạn vừa qua và mặc dù các Thông tư của NHNN cho phép cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, nhưng thực chất, các ngân hàng cũng đã chủ động để đánh giá bản chất của các khoản nợ đó và có phần trích lập dự phòng rủi ro tương ứng cho nên mức độ an toàn vẫn đảm bảo.

Thứ nhất, chúng tôi tạm thời để xuất theo lộ trình trước mắt, là chúng ta cho phép gia hạn Nghị quyết số 42, tất nhiên là có điều chỉnh một số điều kiện, điều khoản để khắc phục ít nhất 8-9 điểm bất cập trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, sau 3 năm gia hạn, thì chúng ta có thể nghiên cứu để luật hóa, nghĩa là có một Bộ luật riêng về xử lý nợ xấu, hoặc phải lồng ghép vào trong một luật nào đó. Nhưng tôi ủng hộ phương án là có một Bộ luật ngắn gọn riêng để xử lý nợ xấu, đảm bảo quá trình triển khai được quyết liệt và đồng bộm cũng như hiệu quả hơn so với việc chúng ta không có Bộ luật”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi nào các ngân hàng còn cho vay thì vẫn còn nợ xấu, cho nên Nghị quyết 42 là Nghị quyết mang tính thí điểm để học hỏi kinh nghiệm thì có thể gia hạn, nhưng gia hạn ít nhất phải 5 năm. Tuy nhiên, vấn đề gia hạn của Nghị quyết số 42 nếu không có bổ sung, thì có rất nhiều thiếu sót và nếu tiếp tục áp thêm 3 năm nữa thì sẽ không có ý nghĩa gì, hay kể cả 5 năm nữa cũng không có ý nghĩa.

“Do đó, tôi đề nghị hai giải pháp như sau: Một , chuyển Nghị quyết số 42 trở thành luật mang tính vĩnh viễn và luật đó sẽ được bổ sung rất nhiều điều khoản, dựa trên thực tế kinh nghiệm mà chúng ta đã trải nghiệm trong vòng 5 năm qua. Còn ít nhất, nếu Quốc hội chưa chuẩn bị kịp, chưa đưa ra dự thảo để có thể biểu quyết vào tháng 8 tới đây, thì ít nhất là gia hạn Nghị quyết số 42 thêm 5 năm, với những bổ sung cải thiện, rồi trong quá trình đó có thể chuyển nó thành luật.

Hai là, tôi đề nghị với Quốc hội nên có luật phá sản cá nhân vì hiện tại mới chỉ có luật phá sản doanh nghiệp. Với kinh nghiệm từ Mỹ, tất cả các thành phần kinh tế đều có thể phá sản, các cá nhân đến lúc nào đó không có khả năng trả nợ thì họ có thể đến toà án xin được phá sản,... Khi đó, tòa án sẽ xem tài sản của con nợ là bao nhiêu, họ cần ít nhất có một nơi ở và một phương tiện đi lại, còn lại tất cả những tài sản khác thì phải bán đi qua nhiều hình thức để trả nợ cho ngân hàng và sau khi ngân hàng đã nhận được tiền rồi thì dù nhiều hay ít cũng đều chấm dứt quan hệ vay nợ.

Còn về phía tổ chức tín dụng, vấn đề quan trọng nhất trong việc cho vay là làm sao phải biết khách hàng của mình như thế nào, để cho vay với số tiền mà bảo đảm được khách hàng đó có khả năng trả nợ. Rất nhiều ngân hàng chỉ chăm chăm vào vấn đề tài sản bảo đảm, mà không cần biết khách hàng thu nhập bao nhiêu hay quan tâm doanh nghiệp làm ăn lỗ lãi như thế nào.

Thực tế, Việt Nam từ hai năm nay đã đi vào quy định Basel II về quản trị rủi ro, các ngân hàng đến giờ này hầu như đã đáp ứng được yêu cầu để thực hiện Basel II tại Việt Nam và tôi mong rằng, các ngân hàng hãy đẩy mạnh vấn đề quản trị rủi ro tại thời điểm này, vì rủi ro càng quan trọng so với những thời điểm trước đây”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.