Năm 2025, kinh tế internet Đông Nam Á đạt 200 tỷ USD
Đây là nhận định của Google và Termasek mới đây trong báo cáo “The economy SEA Spotlight 2017” về tình hình sử dụng và phát triển internet của khu vực Đông Nam Á.
Dự báo, kinh tế internet Đông Nam Á chiếm 2% GDP của khu vực vào năm 2017, tăng từ 1,3% vào năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 6% GDP vào năm 2025.
Việc sử dụng internet trên điện thoại thông minh là động lực thúc đẩy nền kinh tế internet của Đông Nam Á. Người dân khu vực Đông Nam Á dành 3,6 giờ/ngày dùng internet di động. Người Thái Lan dẫn đầu thế giới với 4,2 giờ và người dân Indonesia đứng thứ hai ở mức 3,9 giờ mỗi ngày. Theo sau là người Mỹ dành trung bình 2 giờ/ngày trên internet di động, người Anh dành 1,8 giờ/ngày, người Nhật là 1 giờ/ngày.
Năm 2025, nền kinh tế internet ở Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng đến 200 tỷ USD, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng của du lịch trực tuyến, thương mại điện tử và phương tiện truyền thông trực tuyến.
Bùng nổ thương mại điện tử
Thương mại điện tử của Đông Nam Á tăng trưởng 5,5 tỷ USD năm 2015. Và năm 2017 mức tăng này gần gấp đôi với 10,9 tỷ USD. Theo báo cáo này, năm 2025, tăng trưởng của ngành này sẽ đạt ngưỡng 88,1 tỷ USD.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, có được tín hiệu tích cực là nhờ đầu tư vào thị trường này đang bùng nổ. Ngoài ra, ở Đông Nam Á, thị trường thương mại điện tử rất năng động và có tính phân mảnh, với nhiều mô hình kinh doanh cùng tồn tại.
Từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2017, tỷ lệ tìm kiếm Google vào mục đích thương mại điện tử tăng hai lần. Tín hiệu tích cực trên có được là nhờ các hoạt động xúc tiến và đầu tư tiếp thị của các thương hiệu hàng đầu về điện tử tiêu dùng, thời trang và hàng hoá xa xỉ. Ngoài ra, sự mở rộng thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thúc đẩy doanh số bán hàng online.
Khi được hỏi về xu hướng phát triển thương mại điện tử, Alexis Lanternier, giám đốc của Lazada Singapore đã chỉ ra xu thế phát triển về nhu cầu giá rẻ hơn, lựa chọn phong phú hơn và kinh nghiệm mua sắm thông minh. Ông Lanternier chia sẻ với The Business Times rằng, những kết quả đạt được bắt nguồn từ một số chương trình bán hàng trực tuyến như 11/11, Black Friday và 12/12.
Rajan Anandan, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Google (khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ) cho biết: "Đây là những xu hướng tiêu dùng rất đáng khích lệ, cho thấy sự tăng trưởng có thể sẽ tiếp diễn ở Đông Nam Á, điều này đang trở thành một điểm đến thú vị cho các nhà đầu tư toàn cầu".
Thiếu hụt chuyên gia công nghệ
Hai năm gần đây, việc huy động vốn, các giải pháp thanh toán điện tử, hạ tầng internet, mạng lưới phân phối và sự tin tưởng của người tiêu dùng vào các giao dịch trực tuyến được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần phải cải thiện để thúc đẩy phát triển ngành kinh tế internet. Đặc biệt là thách thức cải thiện về con người. Sự thiếu thốn nhân lực công nghệ là vấn đề cấp bách nhất cho tăng trưởng kinh tế internet.
Nhìn chung, ở Đông Nam Á, không giống như thung lũng Silicon, không có sự dồi dào về chuyên gia công nghệ.
Thực tế, các địa phương hiện nay đang thiếu chuyên gia công nghệ và kỹ thuật. Điều này dẫn tới việc Grab và Go-Jek phải mở các trung tâm công nghệ ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ... nơi các kỹ sư công nghệ luôn đông đảo. Ví dụ, Grab trang bị cho các kỹ sư Đông Nam Á có kỹ năng cạnh tranh toàn cầu thông qua đào tạo ở các trung tâm R&D ở Singapore, Bắc Kinh và Seattle.
Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí, nhiều doanh nghiệp mới thành lập ở Đông Nam Á đã chuyển làm dự án trên quy mô hai người sang làm nhóm. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với thách thức lựa chọn giám đốc điều hành. Ví dụ như việc tuyển chọn giữa người nước ngoài giàu kinh nghiệm và người bản địa hiểu được tình hình địa phương nhưng lại ít kinh nghiệm.