Giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng tỉnh Nghệ An
Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm là vấn đề nan giải trong nhiều năm nay. Theo thống kê, Nghệ An là một trong những Tỉnh có nhiều sinh viên sau khi ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo. Việc nghiên cứu đánh giá thực trạng vấn đề việc làm và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là rất cần thiết, từ đó đề xuất các giải pháp góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực trạng giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại tỉnh Nghệ An
Trong giai đoạn 2013 - 2017, Nghệ An đã tạo việc làm cho khoảng 38.000 lượt người/năm. Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp được triển khai tích cực. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp như: Bắc Vinh, Nam Cấm, Đông Hồi, Hoàng Mai... Nghệ An đã thu hút khoảng 20.292 lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN), nhà thầu. Bình quân mỗi năm có từ 12.000-13.000 người đi xuất khẩu lao động, trong đó có khoảng 3.985 lao động là sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề. Toàn Tỉnh hiện có hơn 55.000 người đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm người lao động gửi về nước khoảng 250 triệu USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, tại tỉnh Nghệ An hiện tượng sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc dù tìm được việc làm nhưng lại làm những công việc tạm thời, không đúng chuyên ngành đào tạo còn khá phổ biến. Tình trạng này gây lãng phí nguồn lao động trẻ, có tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo thống kê của Sở Giáo dục Nghệ An, hiện có gần 50.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Tỉnh. Đa số sinh viên theo học các ngành kỹ thuật, kinh tế và sư phạm. Tuy nhiên, tình hình thị trường lao động và sự phát triển các DN tăng chậm nên số lượng sinh viên ra trường hàng năm thiếu việc làm vẫn còn ở mức cao, nhất là sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh tế, sư phạm; do cơ cấu ngành nghề, nội dung chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, thừa thầy, thiếu thợ, thiếu lao động có trình độ, tay nghề cao, thiếu tác phong công nghiệp... Tính cuối năm 2017, toàn Tỉnh có hơn 20.000 sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm ổn định hoặc đang có nhu cầu việc làm, nhất là nhu cầu việc làm dài hạn; tuy vậy lao chủ yếu với mức thu nhập chưa cao, chủ yếu dưới 10 triệu đồng, được thể hiện ở Bảng 1.
Trong những năm gần đây, quy mô đào tạo trình độ đại học, cao đẳng ngày càng giảm. Cụ thể, năm học 2016-2017, tổng số sinh viên cao đẳng, đại học là 54.340 (trong đó đại học là 44.760 sinh viên và cao đẳng là 9.580 sinh viên); năm học 2017-2018 số sinh viên cao đẳng, đại học là 52.405 (trong đó, đại học là 42.350 sinh viên, cao đẳng 10.050 sinh viên). Dự báo, trong thời gian tới, quy mô đào tạo của các trường đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục giảm. Trong giai đoạn 2013 - 2017, số lao động trình độ đại học và cao đẳng có việc làm tăng lên qua các năm. Chẳng hạn, so sánh năm 2017 với năm 2013, tỷ lệ lao động trình độ đại học và cao đẳng có việc làm tăng 41%. Tuy nhiên, số lao động trình độ đại học và cao đẳng trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm; số lao động trình độ đại học và cao đẳng thất nghiệp năm 2017 so với 2013 tăng khoảng 106%.
Nghiên cứu cho thấy, tình trạng chưa giải quyết tốt việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là do điều kiện đảm bảo chất lượng của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo; Một số trường đại học có đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo; điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu, uy tín và chất lượng đào tạo thấp, khả năng cạnh tranh thấp nên sinh viên khó tìm kiếm việc làm.
Nguồn lực từ ngân sách nhà nước vừa thiếu vừa dàn trải, mang tính bình quân, không gắn kết với chất lượng đào tạo của nhà trường, không tạo động lực để nhà trường nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động… Học phí thấp dẫn đến suất đầu tư/sinh viên thấp khiến cho các trường không có đủ nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, dù thị trường lao động đã được hình thành nhưng còn sơ khai, chưa có đủ thể chế để hoạt động hiệu quả. Việc quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế; các DN, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động chưa chú trọng công tác định hướng và dự báo nhu cầu nhân lực cần sử dụng của mình… dẫn đến công tác quản lý lao động và việc làm gặp khó khăn, một phần do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thời gian qua.
Đề xuất một số giải pháp
Dự kiến, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 146.527 người. Nhu cầu học nghề trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 69.708 người; Lao động kỹ thuật đào tạo nghề là 1.202.849 người. Như vậy, nhu cầu việc làm của sinh viên là rất lớn, đòi hỏi cần có nhiều định hướng, giải pháp đồng bộ trong việc tạo công ăn việc làm cho sinh viên nhằm tận dụng nguồn lao động trẻ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã chú trọng giải quyết việc làm thông qua chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm; Các hoạt động dịch vụ việc làm; Hoạt động xuất khẩu lao động; Hoạt động thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; Gắn với hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề, truyền bá các kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh... Tuy nhiên, để tiếp tục giải quyết bài toàn việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự kết nối giữa nhà trường với DN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra.
Các cơ sở đào tạo kết nối với DN để phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá sinh viên đạt chuẩn đầu ra trước khi họ tham gia vào thị trường lao động; Rà soát cập nhật xây dựng lại nội dung chương trình đào tạo sát với thực tiễn nhu cầu xã hội, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội để giao lưu, làm việc với các DN để họ có dịp tiếp xúc với các nhà tuyển dụng học hỏi kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp, xác định mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn. Việc kết nối được với nhiều DN liên quan đến các chuyên ngành đào tạo của từng trường, sẽ là nguồn đầu ra ổn định và bền vững cho nhà trường. Qua đó, góp phần giảm tải áp lực về nguồn nhân lực, cũng là động lực để nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động, góp phần đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của DN…
Hai là, phối hợp giữa các ngành, tổ chức giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Trung tâm hỗ trợ sinh viên phải thực sự là cầu nối giữa trường đại học và DN, giúp nhà trường thường xuyên dự báo và cập nhật đúng nhu cầu nhân lực của DN và tổ chức trong ngắn hạn và dài hạn. Các trung tâm giới thiệu việc làm, các đơn vị cung ứng lao động cần chủ động phối hợp với DN, nhà đầu tư tổ chức các buổi phỏng vấn, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường vào làm việc. Tiếp tục rà soát lại biên chế các cơ quan, đơn vị, địa phương để tham mưu, đề xuất phương án tuyển dụng những sinh viên có năng lực và đủ điều kiện vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là bổ sung đội ngũ cán bộ có năng lực cho cơ sở.
Các cơ quan liên quan cần chủ động phối hợp giải ngân kịp thời nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và nguồn vốn xuất khẩu lao động; Hỗ trợ và tạo việc làm cho lao động; Phối hợp, chỉ đạo các DN xuất khẩu lao động, các cơ sở đào tạo tổ chức dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động để tiếp cận với thị trường các nước phát triển; Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện chính sách hỗ trợ lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2022", trong đó: Tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính là: Sinh viên các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng (tập trung hỗ trợ các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp); thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp (tập trung hỗ trợ các dự án, đề án trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp); doanh nhân trẻ, các chủ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trong độ tuổi thanh niên đăng ký kinh doanh (tập trung vào hỗ trợ về quản trị DN và đổi mới sáng tạo, tiên phong hội nhập).
Hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sinh viên làm kinh tế giỏi, trang trại trẻ, tổ hợp tác, hợp tác xã của sinh viên. Xây dựng và triển khai một số Đề án, chương trình hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới. Các cấp cán bộ Đoàn làm việc với các Ngân hàng tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động…
Ba là, đẩy mạnh phát triển hệ thống các loại hình giới thiệu việc làm.
Để làm được điều này, Nghệ An cần phải phát triển mạnh hệ thống các loại hình giới thiệu việc làm để trở thành cầu nối quan trọng giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa đào tạo và sử dụng, giúp định hướng ban đầu cho sinh viên trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo và cơ hội việc làm. Việc tổ chức giới thiệu việc làm cho sinh viên phải được chuẩn bị kỹ, các thông tin phải trung thực, rõ ràng và đầy đủ theo quy định của pháp luật; khi giới thiệu việc làm cần hỗ trợ từ khâu đăng ký dự tuyển, cung cấp những kỹ năng cơ bản trong việc tham gia dự tuyển, nhất là khi phỏng vấn và thương thảo với người sử dụng lao động. Trung tâm phải đứng ra bảo đảm việc giới thiệu và hỗ trợ các điều kiện tham gia dự tuyển. Khi lao động thanh niên được tuyển dụng vào làm việc cho các DN, tổ chức, trung tâm cần phải thực hiện theo dõi tình trạng việc làm và hỗ trợ những khó khăn của người lao động khi làm việc.
Bốn là, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn, phát triển ngành nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, dịch vụ - thương mại.
Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn để tập trung đầu tư phát triển ngành nghề tập trung vào: Vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn tự có của DN, vốn của dân cư…. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn khác từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoặc thông qua hình thức liên kết kinh tế bằng việc cung ứng nguyên liệu, vật liệu, thiết bị hay ứng vốn trước cho các cơ sở sản xuất và người ứng vốn, thiết bị sẽ bao tiêu sản phẩm.
Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách thuế, chính sách tín dụng phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của làng nghề đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trước hết, áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, giảm thuế cho các đối tượng như: Cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập, song có triển vọng phát triển sản xuất, sử dụng nhiều lao động; cơ sở sản xuất sản phẩm xuất khẩu; cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao… Tạo lập, huy động vốn thông qua chế độ lãi suất ưu đãi, thành lập hoặc khuyến khích/hỗ trợ thành lập các ngân hàng/trung tâm tín dụng riêng cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cần có chính sách ưu đãi về vốn (đảm bảo đủ vốn và lãi suất thấp) cho các DNNVV có các dự án đầu tư tốt, gắn với đào tạo nghề và tạo được nhiều việc làm cho lao động qua đào tạo nghề. Đơn giản hoá thủ tục cho vay đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; Tăng khả năng vay vốn bằng tín chấp, ưu tiên cho vay đối với các ngành mà địa phương đang khuyến khích phát triển…
Dự kiến, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 146.527 người. Nhu cầu học nghề trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 69.708 người; Lao động kỹ thuật đào tạo nghề là 1.202.849 người. Như vậy, nhu cầu việc làm của sinh viên là rất lớn, đòi hỏi cần có nhiều định hướng, giải pháp đồng bộ.
Năm là, đầu tư các nguồn lực để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Tăng cường các nguồn lực đầu tư là việc huy động tối đa các nguồn lực ở trong và ngoài nước để hỗ trợ học nghề, vay vốn, tự tạo việc làm và tìm việc làm ở mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Để tăng cường các nguồn lực đầu tư, trong giai đoạn hiện nay Nghệ An cần thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các loại hình DN, sản xuất kinh doanh, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, du lịch, thương mại để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
- Rà soát các cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư trên địa bàn; tham mưu đề xuất UBND Tỉnh sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư thành lập mới các DN. Đặc biệt, ưu tiên các DN thu hút được nhiều lao động; Tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN tự tổ chức đào tạo nghề, gắn với bố trí việc làm...
- Phát triển mạnh hơn nữa các thành phần kinh tế tư nhân, DNNVV, DN hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, tiểu chủ bằng các chính sách, giải pháp khuyến khích và hỗ trợ các chủ DN, người sử dụng lao động phát triển sản xuất kinh doanh.
- Mở rộng quan hệ và hợp tác kinh tế đối ngoại để tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ; Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả vốn hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính phiền hà, cải thiện môi trường đầu tư; điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất… để thu hút nguồn vốn FDI, ODA, nhằm tạo nhiều việc làm cho lao động, trước hết là sinh viên tốt nghiệp.
Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh việc không ngừng xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, các cơ sở đào tạo cần chú trọng việc theo dõi, dự báo phát triển và nhu cầu của thị trường, tích cực đổi mới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn hoạt động đào tạo, thường xuyên tổ chức câu lạc bộ tuổi trẻ sáng tạo, chú trọng giáo dục cho sinh viên những kỹ năng mềm về giao tiếp, xử lý tình huống, ngoại ngữ, tin học, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học... Qua đó, đảm bảo sinh viên ra trường có hầu hết các kỹ năng về chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng về công nghệ thông tin để tự tin tham gia vào thị trường lao động.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2016), Bộ luật Lao động năm 2016;
- Quốc hội (2016), Luật Giáo dục đại học;
- Quốc hội (2016), Luật Việc làm;
- Ngân hàng Thế giới (2016), Báo cáo phát triển Việt Nam, Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam;
- UBND tỉnh Nghệ An (2010), Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 – 2020;
- UBND tỉnh Nghệ An (2015), Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2015-2020 và dự báo đến năm 2030;
- UBND tỉnh Nghệ An (2002), Quyết định số 39/2003/QĐ-UB ngày 14/4/2003 về một số chính sách khuyến khích về xuất khẩu lao động nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động thực hiện mục tiêu chương trình giải quyết việc làm – xóa đói giảm nghèo thời kỳ 2015-2020 của tỉnh Nghệ An;
- Cục Thống kê tỉnh Nghệ An (2016), Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An 2017, NXB Thống kê, Nghệ An;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An (2011 - 2016), Điều tra lao động - việc làm hàng năm 2011 - 2016 của tỉnh Nghệ An.