Trao đổi về việc làm đối với lao động nữ ở Việt Nam hiện nay
Việc làm đối với lao động nữ ở Việt Nam hiện nay đang có những hạn chế, bất cập làm cho tình trạng bất bình đẳng giới bộc lộ ngày càng rõ, cản trở phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.
Bài viết chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế, bất cập và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách việc làm đối với lao động nữ ở Việt Nam, góp phần vào việc hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bình đẳng giới và lao động – việc làm, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong xu thế hội nhập.
Tổng quan nghiên cứu
Lao động nữ (LĐN) luôn là đối tượng được nhiều người quan tâm. Đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến nhiều khía cạnh liên quan đến LĐN, nhưng vấn đề nghiên cứu về hoàn thiện chính sách việc làm đối với LĐN ở Việt Nam hiện nay còn ít nghiên cứu đề cập sâu sắc và toàn diện. Bình đẳng giới trong lao động và việc làm gồm 3 nội dung chính: (i) Đảm bảo cơ hội ngang bằng cho cả nữ giới và nam giới trong lĩnh vực lao động và việc làm, bao gồm cơ hội trong việc tiếp cận các nguồn lực đầu tư cho “vốn con người”, các nguồn lực sản xuất, cơ hội được tham gia thị trường lao động và có được việc làm phù hợp với khả năng, sở thích và có thể phát huy hết tiềm năng của bản thân; (ii) Từng bước xóa bỏ những khác biệt trong vai trò và nhu cầu giới giữa nam và nữ không do đặc điểm sinh học khác gây nên, đồng thời bù đắp cho những bất lợi mà nữ giới hay nam giới phải chịu do những đặc tính sinh học tạo nên trong lĩnh vực lao động và việc làm. (iii) Kiên quyết loại bỏ sự phân biệt đối xử theo giới trong lĩnh vực lao động và việc làm, có nghĩa là xóa bỏ mọi rào cản để nữ giới và nam giới phát huy được tiềm năng của mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Để tiếp cận thông qua nguồn số liệu thứ cấp từ phân tích thực trạng việc làm với lao động nữ ở Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các ấn phẩm thống kê chính thức của Việt Nam như Niên giám thống kê các năm từ 2005 đến 2017, nhóm nghiên cứu có tham khảo và vận dụng một số nội dung từ các bài nghiên cứu liên quan đã được công bố trong nước và sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phân tích so sánh trong nghiên cứu. Phương pháp so sánh sử dụng trong nghiên cứu nhằm so sánh tỷ lệ lượng LĐN tham gia lực lượng lao động Việt Nam qua các giai đoạn từ năm 2005 - 2017. Phương pháp thống kê mô tả được ứng dụng trong nghiên cứu nhằm mô tả được sự phân bổ lực lượng lao động theo giới tính, khu vực và trình độ chuyên môn qua các giai đoạn nghiên cứu
Thực trạng việc làm đối với lao động nữ ở Việt Nam
Theo Báo cáo điều tra lao động – việc làm của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ LĐN không có chuyên môn kỹ thuật và nữ công nhân kỹ thuật không có bằng cấp chiếm khoảng 80,8%, trong khi tỷ lệ này ở lao động nam chỉ ở mức 75,8%. Báo cáo cũng cho thấy, ngoại trừ sơ cấp nghề, tỷ lệ LĐN đã qua trung cấp nghề, cao đẳng nghề và đại học cao hơn hẳn so với nam. Điều này cho thấy, sự hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật đã không còn là những tác nhân quan trọng kìm hãm việc phát huy vai trò và tiềm năng của LĐN.
Theo Bộ LĐTBXH, ở khu vực kinh tế chính thức, phụ nữ chỉ chiếm 40% số việc làm được trả lương và chiếm tỷ lệ thấp trong nhóm ngành nghề bậc cao (quản lý, chuyên môn kỹ thuật…), đồng thời chiếm tỷ lệ cao ở nhóm nghề bậc trung, nghề có kỹ năng thấp (trong nhóm người làm công việc không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, trên 50% là nữ). Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất trên thế giới. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê những năm gần đây cho thấy, phụ nữ Việt Nam chiếm khoảng 48% lực lượng lao động (Hình 1).
Cơ chế thị trường và việc tổ chức kinh doanh trong nền kinh tế hàng hoá đã đem lại nhiều cơ hội việc làm thuận lợi cho phụ nữ. Trước đây, người lao động muốn có việc làm chủ yếu là trông chờ ở các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước hay hợp tác xã. Họ không đủ điều kiện và cũng rất khó khăn xin được phép tổ chức kinh doanh dưới dạng kinh tế hộ hay doanh nghiệp (DN) nhỏ. Ngày nay, với chính sách mở rộng các thành phần kinh tế, người lao động được khuyến khích tự tạo việc làm và đi tìm việc làm. Việt Nam là thành viên của các tổ chức như: Tổ chức Thương mại Thế giới, Cộng đồng kinh tế ASEAN… đã tạo ra những cơ hội việc làm mới cho LĐN. Trên thị trường lao động, tỷ lệ LĐN tham gia vào khu vực sản xuất ở loại hình DN ngoài Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng nhanh.
Các nghiên cứu đã cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp không ổn định trong những năm gần đây. Năm 2012, 2014, 2016 và 2017 tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc tăng vọt ở cả nam giới và nữ giới. Do những khó khăn về kinh tế trong nước và diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới giai đoạn 2010 - 2017, cả nước có hơn 60.000 DN phải giải thể, phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của đội ngũ lao động đang có việc làm và lực lượng lao động bổ sung. Đây cũng là thời điểm khó khăn đối với LĐN trong việc tìm kiếm việc làm nên tỷ lệ thất nghiệp của nữ có sự chênh lệch đáng kể so với nam (Hình 2).
Báo cáo điều tra lao động và việc làm hàng năm của Bộ LĐTBXH cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp chủ yếu tập trung vào thanh niên trong độ tuổi 15 - 24, là những người tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp và khó tìm kiếm việc làm hơn các thế hệ trước. Mặt khác, sau thời kỳ khủng hoảng, thất nghiệp, những thanh niên chưa tìm được việc làm đã tiếp tục tham gia vào việc học hành, học nghề để hy vọng kiếm được một công việc tốt hơn. Do thời gian học của họ bị kéo dài đây sẽ là lực lượng làm tăng thêm số lượng lao động chưa có việc làm. Trong bối cảnh khó khăn chung, LĐN bao giờ cũng phải chịu nhiều áp lực hơn nam giới trên thị trường lao động...
Liên quan đến thời gian lao động, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, khá nhiều DN được khảo sát đều sử dụng công nhân làm quá 8 giờ/ngày, chủ yếu là các DN làm hàng gia công xuất khẩu, sản xuất thời vụ. Sự vi phạm các quy định của pháp luật lao động về thời gian làm việc với LĐN cũng có những nguyên nhân khách quan nhất định. Hiện nay có một số lượng tương đối lớn LĐN làm việc trong các DN làm hàng xuất khẩu. Trên thực tế, việc sản xuất các loại mặt hàng này chủ yếu phụ thuộc vào các hợp đồng. Do đó, khi có hợp đồng các DN phải hoàn thành trong thời gian rất ngắn, nếu các DN Việt Nam không đáp ứng được các điều khoản của hợp đồng, trong đó có yêu cầu về thời hạn thì sẽ mất cơ hội kinh doanh trên thị trường quốc tế. Kết quả điều tra 505 DN với 2.696 lao động do Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Viện Nghiên cứu xã hội HAGUE (Hà Lan) thực hiện cho thấy, tiền lương cơ bản và các khoản phụ cấp của nữ thấp hơn nam giới 15%. Khoảng cách này thể hiện ở tất cả các ngành kinh tế, các hình thức sở hữu của DN, vị trí công việc, nhóm tuổi và loại hợp đồng.
Đánh giá chung về việc làm đối với lao động nữ ở Việt Nam hiện nay
Một số kết quả đạt được
LĐN Việt Nam ngày càng tích cực tham gia hoạt động kinh tế. Tỷ lệ LĐN tham gia xuất khẩu lao động hàng năm chiếm 33-34%. Tỷ lệ LĐN trong các ngành và lĩnh vực kinh tế có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao đạt 34%. Hơn 41% số chủ cơ sở sản xuất – kinh doanh, hơn 20% chủ DN là nữ. Nhiều nữ doanh nhân được trao các giải thưởng góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động. Để có được kết quả này, nhiều bộ, ngành địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, về Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm...
Sự ra đời của các trung tâm giới thiệu việc làm tại các tỉnh, thành phố đã có những đóng góp tích cực đối với các hoạt động phát triển thị trường lao động ở địa phương như tham gia hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, tham gia tổ chức ngày hội tuyển dụng, cung cấp thông tin việc làm đến các địa bàn phường xã, quan tâm đến các đối tượng LĐN ở khu vực nông thôn.
Để thúc đẩy các cơ hội việc làm cho phụ nữ, Chính phủ đã ban hành Nghị định về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa, quy định rõ việc ưu tiên chương trình trợ giúp của Nhà nước cho các DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và có sử dụng nhiều LĐN. Kết quả là mỗi năm đã tạo thêm việc làm mới cho 1.510 ngàn người, trong đó LĐN đạt gần 48%.
Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân
- Về chính sách tuyển dụng LĐN: Quyền của LĐN trong tuyển dụng, đào tạo, ký kết hợp đồng lao động thường bị vi phạm dưới hình thức những quy định mang tính ngoại lệ như ưu tiên tuyển lao động nam, hoặc ưu tiên những người có khả năng đi công tác xa. LĐN chưa được đối xử bình đẳng trong tuyển dụng, những lý do như trách nhiệm sinh đẻ và nuôi con nhỏ, mặt khác, mức chi phí đầu tư cho một LĐN tăng từ 5% đến 15% so với lao động nam, nên các chủ DN rất hạn chế trong việc sử dụng LĐN. Một số DN có hiện tượng áp đặt khoảng thời gian tối thiểu làm việc tại DN để lập gia đình hoặc sinh con đối với LĐN nếu được tuyển dụng vào làm việc. LĐN thường được các DN ở những ngành nông nghiệp, dệt may da giày, chế biến thuỷ sản… tuyển dụng và sử dụng nhiều. Nội dung thông báo tuyển dụng, thường chỉ bao gồm nghề, công việc, số lượng cần tuyển mà không nêu rõ thời hạn hợp đồng hay mức lương và điều kiện làm việc… Những điểm này thường được các DN ngoài quốc doanh ghi là “thoả thuận với người lao động”, nhưng thực chất là không rõ ràng trong suốt quá trình lao động. Nhiều DN tư nhân làm sai các loại hợp đồng hoặc chỉ giao kết hợp đồng bằng miệng mà không ký kết bằng văn bản.
- Về chính sách sử dụng LĐN: Tình hình thực hiện các quy định về sử dụng LĐN trong nhiều DN hiện nay rất hời hợt và chủ yếu là mang tính chất đối phó. Các nghiên cứu gần đây cho thấy kết quả sau: (i) Số lượng nữ công nhân đã được ký kết hợp đồng lao động không nhiều và phần lớn các hợp đồng này không tuân thủ theo các điều khoản của Bộ luật Lao động; (ii) Còn nhiều tồn tại trong việc làm thêm giờ của LĐN. Tình trạng người lao động phải làm việc vượt quá thời gian quy định vẫn còn phổ biến, nhất là ở khu công nghiệp, khu chế xuất trong những tháng cao điểm; (iii) Môi trường làm việc trong nhiều DN chưa đảm bảo cho LĐN làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động. Tỷ lệ các DN sử dụng nhiều LĐN tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cũng như hỗ trợ kinh phí cho LĐN có con ở tuổi gửi nhà trẻ còn quá thấp. Các quy định về việc các DN phải có cán bộ y tế theo dõi sức khỏe và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động vẫn chưa được thực hiện tốt. Hơn nữa, rất nhiều DN đặt ra những quy định rất phi lý đối với người lao động, đặc biệt là LĐN.
- Về chính sách bảo hiểm xã hội đối với LĐN: Mặc dù tỷ lệ LĐN từ đủ 15 tuổi trở lên luôn trên mức 48%, nhưng trên quy mô cả nước, số người làm công, làm thuê được ký kết hợp đồng, được hưởng chế độ hưu trí và được hưởng lương khi ốm đau, thai sản là rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng số người lao động. Các DN 100% vốn nước ngoài và các DN Nhà nước có tỷ lệ người lao động được đóng bảo hiểm y tế cao nhất (tương ứng với 99% và 81%). Ở các DN tư nhân, tỷ lệ người lao động được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế quá thấp (chỉ có 10,7%). Các chủ DN đóng bảo hiểm cho một lao động nam là 1.968 nghìn đồng/năm nhưng đóng cho một LĐN chỉ có 677 nghìn đồng/năm, bằng 1/3 mức đóng của lao động nam. Một số ngành sử dụng nhiều LĐN phần lớn là lao động ngoại tỉnh và chủ yếu là ký các hợp đồng ngắn hạn. Đối với số lao động này, người sử dụng lao động thường không đóng bảo hiểm xã hội và bản thân người lao động cũng trốn tránh việc đóng bảo hiểm xã hội bởi họ không muốn bị bớt xén vào đồng lương quá ít ỏi.
- Về chính sách ưu đãi đối với các DN có sử dụng nhiều LĐN: Nhà nước có chính sách ưu đãi, xét giảm thuế đối với những DN sử dụng nhiều LĐN; nghĩa là những DN sử dụng nhiều LĐN sẽ được hưởng những chế độ ưu đãi trong việc vay vốn với lãi suất thấp từ Quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ kinh phí từ quỹ này, được ưu tiên sử dụng vốn đầu tư hàng năm để cải thiện điều kiện làm việc, được giảm thuế, thế nhưng, chính sách ưu tiên này rất khó thực hiện trên thực tế.
Kết luận và hàm ý chính sách
Vấn đề việc làm đối với LĐN trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện đại, thời kỳ hội nhập sâu và công nghiệp 4.0 là một vấn đề mang tính kinh tế – xã hội phức tạp, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, sửa đổi một số điều trong hệ thống chính sách việc làm đối với LĐN. Những quy định về lao động - việc làm đối với LĐN nên chỉ tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động. Tránh việc quy định tràn lan nhưng không có điều kiện giám sát thực hiện và không phù hợp với thực tế dẫn tới bị thả nổi.
Hai là, nâng cao năng lực thực thi chính sách việc làm đối với LĐN: (i) Quốc hội, Chính phủ, các ngành hữu quan có vai trò tham mưu cho Nhà nước sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung những quy định đối với LĐN không còn phù hợp; (ii) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần ban hành danh sách các nghề cần đào tạo nghề dự phòng và xây dựng phương pháp xác định lựa chọn nghề dự phòng; rà soát các danh mục công việc và nghề độc hại, nguy hiểm, cấm sử dụng LĐN, loại bỏ một số công việc không còn phù hợp và bổ sung một số công việc mới do phát triển công nghệ quá nhanh nhằm bảo vệ LĐN cũng như tăng cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập của họ; (iii) Các địa phương tăng cường thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm. Chú trọng phát triển các hình thức dạy nghề và ngành nghề đào tạo ngắn hạn phù hợp với LĐN; gắn kết hoạt động hướng nghiệp và tư vấn việc làm; mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm tại chỗ; (iv) Thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo có chất lượng, kết hợp các nguồn lực, nguồn vốn tạo việc làm cho LĐN, chú trọng tăng cường cơ hội cho phụ nữ có được việc làm và thu nhập bền vững; (v) Các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát tình hình LĐN, nắm lại một cách hệ thống cả về số lượng, chất lượng lực lượng LĐN (theo cơ cấu ngành, nghề); xây dựng hệ thống tiêu chí cơ bản làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách; (vi) Các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật lao động cho các chủ DN để họ nghiêm túc thực hiện các quy định, đặc biệt là những quy định riêng cho chính đối tượng LĐN để họ hiểu và nắm được những quyền lợi của mình; (vii) Các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định lao động và việc làm đối với LĐN trong các DN.
Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong việc hoạch định và hoàn thiện chính sách việc làm đối với LĐN, mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc cho phụ nữ, tạo điều kiện trao đổi cởi mở các ý tưởng với phụ nữ, nâng cao tính minh bạch trong hoạch định chính sách.
Tài liệu tham khảo:
- Đoàn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Ngọc Huyền (2006), Giáo trình Chính sách kinh tế xã hội, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội;
- Hội Luật gia Việt Nam (2015), Hỏi – đáp về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội;
- Lê Thị Nhường (2005), Bộ luật Lao động và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, NXB Lao động, Hà Nội;
- Nguyễn Nam Phương (2006), Bình đẳng giới trong lao động và việc làm với tiến trình hội nhập ở Việt Nam: Cơ hội và thử thách, NXB Lao động – Xã hội, Hà Nội;
- Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê (2005, 2010, 2015, 2016, 2017);
- Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (2015), bình đẳng giới – Vấn đề của mỗi người, từng gia đình và cả cộng đồng, Hà Nội.