Giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn Việt Nam hiện nay
Đối với lao động nông thôn, việc làm liên quan đến yếu tố đất đai, tư liệu lao động, công cụ lao động, kỹ năng nghề và vốn sản xuất. Các yếu tố trên hợp thành và tác động mạnh đến đời sống của lao động nông thôn. Giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng để phát triển đất nước. Bài viết phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của lao động nông thôn, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn Việt Nam.
Nhân tố ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của lao động nông thôn
Điều kiện khí hậu, thuỷ văn, địa hình, đất đai
Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là những cây trồng, vật nuôi luôn gắn liền với môi trường sống. Do vậy, các điều kiện về khí hậu và thuỷ văn có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển nông nghiệp.
Các vùng có khí hậu thuận lợi, điều kiện tưới tiêu hợp lý sẽ có năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ngược lại, những vùng có nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết khí hậu, khan hiếm nguồn nước sẽ khó khăn trong phát triển sản xuất và từ đó ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của dân cư.
Ở nước ta, những vùng có điều kiện khó khăn điển hình là khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Trung du miền núi phía Bắc với sự biến đổi thất thường của thời tiết như: hạn hán, bão, lũ lụt, sương muối... gây ra những thiệt hại to lớn cho sản xuất và đời sống.
Để hạn chế thiệt hại của những hiện tượng này cần có hệ thống thông tin dự báo hiện đại để có phương án phòng chống có hiệu quả. Đặc biệt, ở những vùng trung du và miền núi có địa hình hiểm trở bị chia cắt rất khó khăn trong việc phát triển giao thông và thuỷ lợi. Việc áp dụng máy móc kỹ thuật cũng rất hạn chế do đất đai bị chia cắt manh mún.
Vì vậy, dẫn đến năng suất lao động thấp, khả năng giao lưu kinh tế và tiếp cận thị trường, cũng như các thông tin về văn hoá, khoa học kỹ thuật bị hạn chế và do vậy cũng hạn chế trong quá trình sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến thu nhập.
Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội
Đây là yếu tố có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết đó là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hệ thống thông tin và năng lượng. Hệ thống giao thông thuận lợi sẽ giảm chi phí vận tải, thuận lợi cho giao lưu kinh tế và văn hoá với các vùng khác, từ đó hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá và phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp.
Hệ thống điện, thông tin giúp cho người dân có khả năng trang bị máy móc kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, thuận lợi trong việc tiếp thu những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật, trình độ dân trí được nâng cao. Hệ thống trường học, bệnh viện có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và đào tạo nhân lực.
Vì vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tác động tổng hợp tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội và mức sống của dân cư.
Khoa học kỹ thuật, trình độ của người nông dân
Trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá hiện nay, con người được coi là nguồn lực của mọi nguồn lực cho phát triển. Do đó, trình độ khoa học kỹ thuật của người lao động có ảnh hưởng quyết định đến phát triển kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải không ngừng đào tạo, tập huấn cho nông dân, phát triển mạnh giáo dục ở các vùng nông thôn để hình thành một lực lượng lao động có chất lượng ngày càng cao.
Phong tục tập quán, truyền thống văn hoá của địa phương
Mỗi địa phương có những phong tục tập quán riêng, có truyền thống văn hoá riêng. Ở một số địa phương người dân xây dựng thành các nhóm, hội kinh doanh rất hiệu quả, khuyến khích người dân làm kinh tế và báo cáo kết quả trong các ngày hội họp đã có tác động thúc đẩy kinh tế phát triển và thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn có những hủ tục, phong tục không phù hợp như các vấn đề về ma chay, cưới xin rườm rà, các tệ nạn mê tín dị đoan, thói quen sống và làm việc mang tính tự nhiên không tính toán... là lực cản vô cùng to lớn cho sự tiến bộ xã hội. Vì vậy, các giải pháp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn cần xem xét kỹ đến các yếu tố về phong tục tập quán của mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi dân tộc, từ đó mỗi giải pháp mới có tính khả thi và hiệu quả.
Yếu tố về nguồn vốn đầu tư cho sản xuất
Để phát triển kinh tế phải có nguồn vốn đầu tư mua sắm tư liệu sản xuất, thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh được tiến hành thuận lợi. Với trình độ phát triển kinh tế ở nông thôn hiện nay, hầu hết các hộ nông dân đều thiếu vốn sản xuất. Với các hộ gia đình trẻ mới tách hộ thì tình trạng thiếu vốn càng trầm trọng.
Do vậy, để tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn thì cần phải giúp đỡ người nông dân có khả năng huy động mọi nguồn vốn vào sản xuất, đồng thời mở lớp tập huấn cho người nông dân nâng cao khả năng quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần cung cấp vốn cho nông dân qua nhiều hình thức để mở rộng sản xuất kinh doanh và tăng thu nhập.
Thực trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn hiện nay
Theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2021 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn khoảng 36,7 triệu người, chiếm gần 67% lực lượng lao động cả nước. Điều này tiếp tục tạo sức ép về nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của người di cư năm 2021 khoảng 9,8%, cao hơn khoảng 4,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động từ 15 tuổi trở lên, phần lớn tập trung ở lao động không qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật. Đặc biệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn chỉ đạt 16%, thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị. Đây là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Trong khi đó, quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cơ sở đào tạo ngày càng giảm mạnh. Lao động đã qua đào tạo, nhất là lao động chất lượng cao không muốn về nông thôn.
Thực trạng này xuất phát từ thực tế khách quan là khu vực nông thôn không có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để sử dụng người lao động có kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, thu nhập từ lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, giá cả sản phẩm nông nghiệp luôn trong tình trạng được mùa mất giá, trong khi đó các loại chi phí về vật tư, dịch vụ nông nghiệp khá đắt đỏ. Không những vậy, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong nông nghiệp còn gặp khó khăn. Sự đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn quá ít dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn
Để giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm và gia tăng thu nhập cho lao động nông thôn, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Để phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn thì công tác đào tạo nghề là vô cùng quan trọng. Cần coi việc nâng cao trình độ cho lao động nông nghiệp là một điểm đột phá nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần thiết thực, hiệu quả, gắn với thực tiễn sản xuất của địa phương để nông dân vừa có thể học nghề, vừa có thể áp dụng ngay vào sản xuất canh tác. Bên cạnh đó, cần có những chính sách tích cực trong việc giới thiệu việc làm cho lao động đã qua đào tạo, tìm đầu ra cho sản phẩm để những người đã tham gia đào tạo nghề tích cực phát triển sản xuất, tạo việc làm cho bản thân và cho ngước khác.
Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Theo đó, Nhà nước cần có những chính sách kịp thời, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội về việc làm cho lao động nông thôn. Mỗi địa phương cần có những chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến mở rộng sản xuất phát triển kết cấu hạ tầng, tận dụng thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế bao gồm cả nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, điều này sẽ có vai trò to lớn trong giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các làng nghề truyền thống trong đào tạo nghề và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ ba, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để sản xuất
Vốn là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của lao động của nông dân ở các địa phương. Việc cung cấp vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân là hết sức cần thiết. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách cụ thể thiết thực để giúp nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận vốn tín dụng; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho nông dân; đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp như cho vay liên kết, cho vay qua tổ, nhóm. Thực tế cho thấy, người nông dân nhiều khi đã tiếp cận được nguồn vốn nhưng không dám vay vốn vì không biết đầu tư vào đâu, vay vốn làm gì và làm như thế nào. Vì vậy, cần kết hợp việc cung cấp vốn cho nông dân với công tác khuyến công và khuyến nông, giúp người nông dân sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.
Thứ tư, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản suất
Để tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, Nhà nước cần triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, như: tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân.
Trong lĩnh vực trồng trọt, người dân cần sử dụng giống lúa có chất lượng cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất; ủ phân hữu cơ; thuốc bảo vệ thực vật sinh học; sản xuất rau quả trong nhà màng, nhà lưới áp dụng biện pháp tưới và cung cấp dinh dưỡng tự động... Trong chăn nuôi, cần đầu tư xây dựng hệ thống chuồng khép kín; ứng dụng hệ thống làm mát chuồng trại; sử dụng máng ăn, uống nước tự động; sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải; nhất là các loại máy móc hiện đại để phối trộn thức ăn với men vi sinh... Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng có ý nghĩa rất to lớn trong phát triển kinh tế nông thôn. Điều đó làm bớt đi sự nặng nhọc của nông dân, chuyển được lao động sang làm nghề khác dẫn đến thu nhập của người nông dân tăng.
Tuy nhiên, để tăng cường cơ giới hóa trong nông nghiệp thì cần đẩy mạnh xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông và hệ thống điện nông thôn nhằm tăng hiệu quả hoạt động của máy móc thiết bị.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hợp lý là vô cùng quan trọng. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng khoa học kỹ thuật mới, đưa giống cây trồng và gia súc mới vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ công nghệ cao.
Tài liệu tham khảo:
- Bản tin cập nhật thị Trường lao động Việt Nam của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê;
- Nguyễn Thúy Hà (2013), Chính sách việc làm: Thực trạng và giải pháp, Trung tâm Nghiên cứu khoa học - Viện Nghiên cứu Lập pháp;
- Phạm Thị Bạch Tuyết (2014), “Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với lao động ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Đại học Khoa học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh số 60/2014;
- Chu Thị Thảo (2021), “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Công thương, số tháng 8/2021;
- Một số website:congdoan.vn, baomoi.com; baoquangbinh.vn…