Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh công nghiệp hóa
Trong những năm qua, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, công cuộc phát triển nguồn nhân lực nông thôn đã đạt được những bước chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn có đủ trình độ chuyên môn, tay nghề để có thể tham gia vào các công việc sản xuất quy mô lớn, mang tính công nghiệp là hết sức quan trọng và cấp thiết.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng cao năng suất và thu nhập
Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, là nhân tố quan trọng nhất để phát triển. Lao động nông thôn là nguồn nhân lực cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và trình độ sản xuất, đáp ứng được yêu cầu mới trong phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ vai trò chủ thể của người nông dân, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực nông thôn, cụ thể là: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị và đóng vai trò làm chủ nông thôn mới, đồng thời giải quyết việc làm, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn”.
Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, trong nhiều năm qua, hàng chục triệu nông dân đã được tham gia các khóa học nghề. Phần lớn trong số đó có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn.
Chính quyền các cấp ở địa phương ngày càng chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngoài các cơ sở đào tạo nghề, các địa phương cũng đã thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường (trung cấp, cao đẳng, đại học), lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy.
Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập, tuyển dụng học viên sau khóa học. Về phía người học cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 11 năm (2009-2020) thực hiện Đề án 1956 - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 10 triệu lao động nông thôn được học nghề. Bình quân hàng năm có gần 1 triệu lao động nông thôn được học nghề. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%, vượt 9,3% so với giai đoạn 2020-2015. Có gần 1,2 triệu người đã được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề. Trên 2,3 triệu lao động sau học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng từ 10-20%. 134.845 lượt hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo. 261.361 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương.
Hiện nay, thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu đang có tác động lớn đến lực lượng lao động Việt Nam nói chung và lực lượng lao động nông thôn nói riêng. Do đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trang thiết bị phục vụ dạy nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chưa phù hợp, đội ngũ giáo viên đảm nhiệm dạy nghề còn thiếu và thường không phải là những người công tác cố định tại cơ sở nên ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Một số chủ doanh nghiệp thậm chí còn từ chối việc nhận học viên các lớp đào tạo nghề đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong khi một số doanh nghiệp lại chủ yếu tuyển lao động phổ thông, thu hút lao động đi làm ngay mà không cần qua đào tạo dẫn đến tình trạng nhiều lao động nông thôn chưa quan tâm tới việc đi học nghề một cách bài bản. Ngoài ra, thời gian của các lớp đào tạo nghề thường ngắn, chỉ khoảng 3 tháng nên học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản, tư duy và kỹ năng chưa đủ để tìm việc hoặc tự tạo việc làm riêng.
Đồng bộ các giải pháp đáp ứng nhu cầu bối cảnh công nghiệp hóa
Trước những kết quả đã đạt được cũng như các thách thức, khó khăn đặt ra với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể:
Thứ nhất, tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và công tác dự báo xu hướng phát triển, quy hoạch của từng địa phương, đảm bảo gắn với việc làm sau đào tạo. Đặc biệt, cần làm tốt công tác dự báo về nhu cầu sử dụng nghề của xã hội để đảm bảo cho các học viên đã qua đào tạo có cơ hội tìm kiếm việc làm; có sự điều chỉnh về chính sách nhân sự của các trung tâm đào tạo nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề dành cho lao động nông thôn.
Thứ hai, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về nghề nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề để thu hút các nguồn lực đầu tư vào dạy nghề cho nông dân. Cùng với đó, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề hiện có. Tăng cường đào tạo số giáo viên còn thiếu, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quy mô đào tạo dạy nghề cho nông thôn hiện nay.
Thứ ba, các cơ sở dạy nghề cần định kỳ điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng ưu tiên dạy thực hành để nâng cao kỹ năng nghề cho người học, xây dựng giáo trình giúp người học dễ tiếp cận và tiếp thu kiến thức. Thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học công nghệ số; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động.
Thứ tư, gắn đào tạo với thực hành, đào tạo theo nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp là hướng đi mới cho các trường để có thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung và cho nhu cầu doanh nghiệp nói riêng. Hợp tác với doanh nghiệp để tận dụng cơ sở vật chất, máy móc thiết bị để vừa giảm chi phí đầu tư, vừa gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Quá trình đào tạo chính là cơ hội tốt cho các cán bộ nghiên cứu được tham gia giảng dạy.
Thứ năm, các trường đào tạo nghề cần tăng cường hoạt động tư vấn lựa chọn nghề học, thông tin và giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; gắn với xóa đói, giảm nghèo và góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn; gắn với xây dựng nông thôn mới. Có chính sách đãi ngộ và tôn vinh những người có tay nghề bậc cao, các nghệ nhân, nông dân, công nhân giỏi nghề.