Giải thể đơn vị sự nghiệp công lập khi không đảm bảo mức độ tự chủ từ 30% trở lên chi thường xuyên

Bảo Thương

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 72/2023/TT-BTC quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2024.

Việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính.
Việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính.

Thông tư số 72/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật có hoạt động sự nghiệp công thuộc lĩnh vực tài chính; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính.

Việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính phải phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Thông tư, việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Thông tư số 04/2022/TT-BTC ngày 28/01/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tài chính địa phương thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. 

Ngoài các điều kiện chung quy định tại khoản 1 Điều này, việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính được thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Thông tư số 04/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tài chính địa phương thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện và tự đảm bảo từ 30% trở lên chi thường xuyên hoặc có 30% số lượng người làm việc trở lên được hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp (trừ trường hợp đơn vị chỉ cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu). 

Ngoài ra, Thông tư số 72/2023/TT-BTC còn quy định cụ thể về điều kiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính như: Sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính được thực hiện khi hai năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền hoặc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập; Không đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP...  

Bên cạnh đó, việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập có mức độ tự chủ tài chính như nhau đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của các đơn vị. Trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 

Giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi không xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP; Không đảm bảo mức độ tự chủ từ 30% trở lên chi thường xuyên hoặc có 30% số lượng người làm việc trở lên được hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này (đối với đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực)...