Việt Nam:

Giảm 80% lượng tiêu thụ các chất gây hiệu ứng nhà kính từ năm 2045

PV. (t/h)

Từ năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu bắt đầu lộ trình quản lý, loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC), tiến tới từ năm 2045 sẽ giảm 80% lượng tiêu thụ.

Hội thảo tham vấn hoàn thiện Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát do Cục Biến đổi khí hậu tổ chức diễn ra ngày 15/9, tại Hà Nội.
Hội thảo tham vấn hoàn thiện Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát do Cục Biến đổi khí hậu tổ chức diễn ra ngày 15/9, tại Hà Nội.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chung tay với cộng đồng quốc tế nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất HFC. Đồng thời, từ ngày 01/01/2010 đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC và hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng).

Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HFC (HCFC), lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040. Triển khai lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024-2028, Việt Nam sẽ loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2029 cho đến năm 2034 và giảm dần, tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang hoàn hiện việc xây dựng dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Kế hoạch đề ra lộ trình đến năm 2045, các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal sẽ được quản lý hiệu quả và loại trừ dần theo lộ trình thông qua việc chuyển đổi sang công nghệ sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng 0, phấn đấu đạt mục tiêu giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2tđ. Kế hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để thực hiện Nghị định thư Montreal.

Tại Việt Nam, một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ tầng ô-dôn là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn tại Điều 92 trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Cụ thể, Luật quy định rõ về ba nội dung trọng tâm bảo vệ tầng ô-dôn bao gồm: Quản lý hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trong khuôn khổ điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thực hiện việc thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về bảo vệ tầng ô-dôn trong thiết bị có các chất này khi không còn sử dụng; và Phát triển và ứng dụng công nghệ, thiết bị sử dụng các chất không làm suy giảm tầng ô-dôn, chất thân thiện khí hậu.

 

Năm 2023, Liên Hợp quốc đã đưa ra chủ đề cho Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn (16/9) là “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ô-dôn và giảm thiểu biến đổi khí hậu”. Đây có thể xem như lời khẳng định với thế giới rằng quá trình phục hồi tầng ô-dôn trong gần 4 thập kỷ đang diễn ra đúng hướng, và việc tiếp tục triển khai Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn sẽ đóng góp tích cực cho mục tiêu chung hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với các bên liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2023 nhằm phát huy những nỗ lực và kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.