Giảm dần bội chi để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia

Theo mof.gov.vn

(Taichinh) - Theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội yêu cầu giảm bội chi NSNN năm 2015 về mức 4,5%GDP, tuy nhiên, qua thực hiện mấy năm gần đây do nhiều nguyên nhân khách quan đã dẫn đến bội chi vượt mức cho phép. Để đảm bảo kỷ luật tài chính, giữ vững an toàn tài chính quốc gia, theo Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ bám sát mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, phù hợp với khả năng huy động và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bội chi do giải ngân thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng

Quốc hội đã có Nghị quyết số 32/2012/QH13 ngày 10/11/2012 về nhiệm vụ ngân sách năm 2013 đã nêu rõ mục tiêu chủ yếu là: Thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, thận trọng, phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi NSNN. Tuy nhiên, những năm gần đây do nhu cầu đầu tư phát triển vẫn cao nên đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu bội chi Quốc hội đã định.

Bội chi NSNN năm 2013 theo báo cáo quyết toán của Chính phủ là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6%GDP, vượt 41.269 tỷ đồng (1,3% GDP) so với mức bội chi được Quốc hội quyết định (5,3%). Tại Nghị quyết số 32/2012/QH13 ngày 10/11/2012, Quốc hội quyết định mức bội chi NSNN 162.000 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP, sau đó được Quốc hội điều chỉnh mức bội chi là 195.500 tỷ đồng, bằng 5,3%. Quyết toán số bội chi là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế.

Quyết toán bội chi tăng là do tăng chi từ vốn ngoài nước 29.422 tỷ đồng, chủ yếu cho đầu tư (28.682 tỷ đồng), gồm đầu tư các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến (như: Dự án Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Cầu Nhật Tân, Đường sắt Đô thị Hà Nội - Hà Đông…) và có 5.773 tỷ đồng giải ngân từ năm trước, sang năm 2013 đủ thủ tục ghi thu ghi chi vào NSNN theo quy định; và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, nông và lâm nghiệp; nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng, và tăng chi trả nợ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011. Bên cạnh đó nhờ kiểm soát chặt chẽ và tiết kiệm chi ngân sách từ nguồn vốn trong nước giảm 1.343 tỷ đồng nên mức tăng bội chi NSNN là 41.269 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, thực hiện miễn, giảm, giãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2013 đã có tác động tích cực, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012 và bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, theo cơ quan này, việc xử lý nợ quỹ hoàn thuế và tăng chi từ vốn ODA đã làm tăng mức bội chi và đẩy nợ công tăng nhanh so với mức nợ công đã báo cáo Quốc hội. Mặc dù vậy, việc tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế để bảo đảm tính trung thực, minh bạch của quyết toán NSNN là hợp lý. Do đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đề nghị Quốc hội cho quyết toán số tiền này. Đối với việc tăng chi ODA do giải ngân tăng nhanh là một kết quả tích cực, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế và đây là số đã phát sinh, do đó Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán số tiền này.

Bám sát mục tiêu giảm dần bội chi NSNN

Theo Bộ Tài chính, thời gian tới, sẽ bám sát mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, phù hợp với khả năng huy động và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nợ công, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ do chính phủ bảo lãnh và do địa phương vay. Đó là một trong những giải pháp nhằm giảm bội chi NSNN của Bộ Tài chính trong báo cáo trình Quốc hội tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội yêu cầu giảm bội chi NSNN năm 2015 về mức 4,5%GDP (bao gồm cả TPCP); theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2020, bội chi NSNN không quá 4%GDP.

Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 bình quân 7-7,5%/năm. Trên cơ sở tình hình có những thay đổi, Quốc hội đã điều chỉnh mục tiêu này là 6,5-7%, giảm so mục tiêu Đại hội Đảng.

Do những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng như tác động suy giảm của kinh tế thế giới, giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng kinh tế bình quân chỉ đạt khoảng 5,82%/năm và thấp hơn so với giai đoạn trước, ảnh hưởng đến thu NSNN; tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn vốn ngoài NSNN còn hạn chế, nên nguồn vốn đầu tư giai đoạn này trông chờ chủ yếu vào nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó giai đoạn này đã thực hiện điều chỉnh 3 lần tiền lương tối thiểu, 2 lần phụ cấp công vụ và ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội, dẫn đến áp lực chi NSNN rất lớn. Vì vậy, những năm qua Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép duy trì mức bội chi NSNN ở mức phù hợp với tình hình (năm 2011 mức bội chi là 4,4%GDP, năm 2012 là 5,4%GDP, năm 2013 là 5,5%GDP, năm 2014 là 5,3%GDP, năm 2015 là 5%GDP).

Theo Bộ Tài chính, thời gian tới, áp lực phải tăng chi rất lớn (đầu tư cơ sở hạ tầng, chi trả các khoản nợ đến hạn, chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành, đảm bảo các nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và ưu tiên dành nguồn để cải cách tiền lương), trong khi thu NSNN khó có khả năng tăng mạnh để đủ đáp ứng nhu cầu tăng chi.

Định hướng điều hành chính sách tài khóa giai đoạn 2016-2020 sẽ bám sát mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, phù hợp với khả năng huy động và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất- kinh doanh để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế tạo nguồn thu NSNN ổn định, bền vững. Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi NSNN; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.