Sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước:
Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển
(Taichinh) - Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 16/12/2002, và có hiệu lực thi hành từ năm 2004. Sau hơn 10 năm thực hiện đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành NSNN, góp phần ổn định, thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, đến nay Luật NSNN đã lộ rõ nhiều bất cập so với thực tiễn, không phù hợp với điều kiện phát triển KTXH. Vì vậy, theo chương trình nghị sự của Kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ lấy ý kiến góp ý của các đại biểu nhằm thông qua Luật NSNN sửa đổi.
Ông Đỗ Việt Đức – Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho rằng, tinh thần chung của Luật NSNN sửa đổi lần này là nhằm tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực quản lý NSNN hơn nữa theo hướng tiết kiệm - hiệu quả; góp phần chống thất thoát, lãng phí một cách căn bản, toàn diện hơn; phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bất cập nhất của Luật NSNN hiện hành là hệ thống NSNN mang tính lồng ghép, dẫn đến thẩm quyền giữa các cấp chồng chéo; quy trình ngân sách phức tạp; phạm vi thu, chi NSNN chưa rõ ràng; việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách chưa phù hợp; căn cứ xây dựng dự toán NSNN chưa đầy đủ, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu ra; quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan chưa cụ thể; công khai, minh bạch trong quản lý NSNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế… Hơn nữa, việc ban hành Hiến pháp mới (sửa đổi) cũng đặt ra những yêu cầu hoàn thiện pháp luật về NSNN nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tuân thủ các nguyên tắc quản lý tài chính - ngân sách theo hiến định.
Tại phiên họp thứ 38 vừa diễn ra của UBTVQH góp ý về dự thảo Luật NSNN sửa đổi, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, nhiều đại biểu đã đề nghị làm rõ về tiêu chí nợ công, trần nợ, trình tự trả nợ, đáo nợ, nhằm hạn chế nợ công phát sinh, đặc biệt quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền địa phương trong việc huy động các nguồn lực tài chính. Đối với nguyên tắc cân đối NSNN, nên điều chỉnh lại theo hướng tập trung nguồn lực cho ngân sách trung ương, tránh trường hợp các địa phương có nguồn thu cao sẽ được vay nhiều vốn hơn cho đầu tư xây dựng phát triển, còn các địa phương có số thu thấp thì hạn chế, dễ gây ra sự chênh lệch trong phát triển giữa các tỉnh, vùng, miền.
Theo PGS.,TS Vũ Sĩ Cường (Học viện Tài chính), về cơ chế phân cấp NSNN, nếu chỉ nhìn bề ngoài qua tỷ lệ thu - chi của ngân sách địa phương trong tổng NSNN, thì Việt Nam đã và đang thực hiện phân cấp ngày càng mạnh cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn về thực trạng thu - chi ngân sách, thì thấy có một số tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của ngân sách địa phương và cả hệ thống NSNN. Cụ thể, mô hình phân chia ngân sách hiện nay chưa thực sự khuyến khích các địa phương nuôi dưỡng nguồn thu, cải thiện hiệu quả chi tiêu, ngược lại đang khuyến khích các tỉnh tăng chi ở mức nhiều nhất có thể. Đáng chú ý, quy mô thu NSNN trên địa bàn các tỉnh, TP có sự chênh lệch lớn, địa phương có số thu lớn nhất là TPHCM cao hơn 164 lần so với địa phương thấp nhất. Qua đây cho thấy, năng lực tài khóa giữa các địa phương rất khác nhau, cần có giải pháp để tránh tình trạng bất bình đẳng theo chiều ngang.
Vì thế, PGS., TS Vũ Sĩ Cường cho rằng, cần sửa lại cơ chế phân cấp theo hướng tạo thêm sức mạnh cho ngân sách trung ương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, song vẫn bảo đảm tạo động lực để các địa phương nuôi dưỡng nguồn thu, tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Cụ thể, tại Điều 7, Khoản 2, dự thảo Luật quy định: "NSNN được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên, góp phần tích lũy ngày càng cao cho chi đầu tư phát triển. Trường hợp còn bội chi, thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển và chi trả nợ, tiến tới cân bằng thu chi NSNN". Với nguyên tắc cân đối này, thì chi đầu tư phát triển là phần còn lại sau khi đã bố trí đủ chi thường xuyên, chi trả nợ; kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN sẽ luôn trong thế bị động và không cân đối được. Xuất phát từ nguyên tắc, việc cân đối NSNN phải dựa trên cơ sở tổng nguồn, bao gồm: tổng thu NSNN, bội chi và nhu cầu chi được tính toán căn cứ mục tiêu, chính sách và các tiêu chí định mức chi. PGS.,TS Vũ Sĩ Cường kiến nghị, cần dành toàn bộ số bội chi NSNN, tiền thu về sử dụng đất và một phần tiền thu về tài nguyên cho đầu tư phát triển, để bảo đảm cân đối chi NSNN một cách tích cực.