Không sợ nợ, chỉ lo sử dụng kém hiệu quả

Theo sggp.org.vn

(Taichinh) - Nợ công của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng nhanh, từ tỷ lệ gần 52% GDP năm 2010, lên 54% năm 2013 và ước khoảng 60% năm 2014. Dư nợ công đến cuối năm 2015 khoảng 64% - sát giới hạn được Quốc hội phê duyệt (65%).

Không sợ nợ, chỉ lo sử dụng kém hiệu quả - Ảnh 1

Ông Trương Hùng Long

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), an toàn nợ công thể hiện ở việc chúng ta có khả năng thu xếp, bố trí để chi trả các khoản vay nợ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn vay. Vốn vay hiệu quả sẽ làm cho kinh tế phát triển, tạo ra nguồn lực để trả nợ trong tương lai.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc huy động và sử dụng nợ của Việt Nam hiện nay?

Ông Trương Hùng Long: Năm 2014, khối lượng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đạt 627.800 tỷ đồng. Trên 98% vốn vay đã được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Việc tăng cường huy động vốn vay cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường..., đã tạo ra diện mạo mới cho đất nước, trong đó có một số công trình hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì nợ công đang tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn.

Nhiều ý kiến cho rằng, cách tính nợ công hiện nay của chúng ta chưa đầy đủ, chẳng hạn như nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bởi lẽ, đã có những khoản nợ nhà nước phải đứng ra xử lý?

Luật Quản lý nợ công của Việt Nam đã được xây dựng trên cơ sở thông lệ quốc tế tốt và được các tổ chức, định chế lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á ghi nhận.

Trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế của Việt Nam cũng đều có vai trò của DNNN và khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, chúng ta thống nhất Luật DNNN và Luật Doanh nghiệp thành luật chung và đã đảm bảo được sự minh bạch, công khai bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với nhau. Cho nên, DNNN khi được giao vốn thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng của mình. Vì vậy, việc đưa nợ của DNNN tính vào nợ công là điều bất bình đẳng bởi DNNN tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Ngày 7/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá thêm 1%. Liệu điều này có ảnh hưởng nhiều đến nợ công hay không?

Chính sách tỷ giá của Việt Nam là neo theo đồng USD và các đồng tiền khác tính chéo thông qua USD. Trong cơ cấu nợ của Chính phủ hiện nay, nợ đồng nội tệ chiếm 54%, 46% là đồng tiền khác (trong đó có một nửa là USD). Chúng ta điều chỉnh tỷ giá với đồng USD thì đồng nghĩa có sự thay đổi với đồng tiền khác thông qua USD. Trên thực tế, các đồng tiền khác cũng đang có sự giảm giá rất nhiều. Trong cơ cấu quản lý nợ hiện nay, việc điều chỉnh tỷ giá với USD và sự thay đổi tỷ giá chéo của USD với các đồng tiền khác thì không có ảnh hưởng gì trong tổng nợ công của Việt Nam và hiện nay không có tác động lớn. Trong cơ cấu nợ Chính phủ hiện nay, trả nợ trong nước bằng tiền Việt Nam chiếm khoảng 80% và nước ngoài 20% là tiền USD.

Theo một báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tỷ lệ trả nợ và viện trợ của Chính phủ năm nay đã lên tới 31% thu ngân sách, trong khi ngưỡng là 25%. Ông nói gì về con số này?

Theo số liệu chúng tôi báo cáo Chính phủ, Quốc hội, số liệu chi trả nợ của nợ công năm 2015 so với thu ngân sách dự kiến là 16,1%, năm 2014 là 13,8%, năm 2013 là 15,2% và vẫn nằm trong phạm vi 25% của chiến lược nợ công và nợ nước ngoài. Vậy tại sao có con số 31%? Theo tôi hiểu thì con số này bao gồm cả số tiền mà chúng ta vay về và cho vay lại. Con số vay về cho vay lại chiếm trên 40% (60% đưa vào ngân sách). Số vay về cho vay lại đó thì các địa phương, dự án, chủ đầu tư khi vay lại có trách nhiệm trả nợ và việc trả nợ đó không qua ngân sách mà nó được kiểm soát trong danh mục nợ của Chính phủ. Do đó, những khoản đó không liên quan trực tiếp đến ngân sách.

Nợ công tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa bền vững. Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng, nợ công đối mặt với các rủi ro trả nợ vì lãi suất. Ông nghĩ sao về những điều này?

Hiện nay, nợ công đang tiến đến sát ngưỡng Quốc hội cho phép. Việc kiểm soát chặt chẽ nợ của Chính phủ, quốc gia và đảm bảo hiệu quả của nền kinh tế là vấn đề rất cần quan tâm. Trong đó có 2 nhóm vấn đề cần phải thực sự rõ ràng và minh bạch với nhau.

Thứ nhất là nhóm đi vay về, kiểm soát việc vay nợ của Chính phủ và đảm bảo sự an toàn của nợ quốc gia. Nhóm này thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cấp có thẩm quyền. Để kiểm soát việc này, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đều đang rất nỗ lực, trong đó, yêu cầu về công khai, minh bạch, tính hiệu quả của các khoản vay được đặt lên hàng đầu.

Hiện các vấn đề về thể chế liên quan đến ngân sách, nợ công đang được hoàn thiện. Dự thảo sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công đang hướng đến việc siết chặt. Quốc hội, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá lại Luật Quản lý nợ công để tới đây có định hướng sửa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực sửa Nghị định 38 liên quan đến quản lý vốn ODA... Bộ Tài chính cũng đang hoàn chỉnh các đề án báo cáo Thủ tướng về việc tăng cường cho vay lại với các cấp chính quyền địa phương và tăng cường cho vay lại cho các định chế tài chính tự chịu rủi ro để giảm bớt áp lực của nhà nước. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang ráo riết kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ, đánh giá mức độ rủi ro của các khoản nợ để thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ theo yêu cầu của Chính phủ.

Nhóm thứ hai là liên quan đến người sử dụng. Chúng ta đi vay về sẽ phải có người sử dụng, và đó là các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án, các thành phần kinh tế và hiệu quả thực nằm trong tay các chủ thể đó. Chỉ thị 02 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công đã được ban hành nhằm tăng cường tính minh bạch, công khai và thắt chặt mức độ kiểm soát của Chính phủ với các khoản nợ công, sử dụng nợ.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ trả nợ so với ngân sách đang tăng lên so với trước đó. Việc tăng này nói lên điều gì và tại sao như vậy?

Ở đây, nó liên quan đến tỷ lệ chia ngân sách để trả nợ và khoản nợ đến hạn phải trả. Ví dụ như khoản vay cách nay 20 năm và đến nay phải trả. Tùy thời điểm, có những lúc trả nợ nhiều hay ít và tỷ lệ này thay đổi theo từng thời điểm. Hiện nay nợ của chúng ta với nước ngoài tương đối đều ở các kỳ hạn khác nhau. Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, mỗi năm chúng ta vay 4-5 tỷ USD, tương ứng với đó là thời điểm trả nợ sau này. Hiện nay, chúng ta thực hiện rất tốt việc trả nợ đúng hạn, không để bất kỳ một khoản nợ, lãi nào chậm trả.

Xin cảm ơn ông!