Giám sát chặt chẽ biến động giá cả để có kịch bản điều hành phù hợp, linh hoạt

Minh Hà

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, để kiểm soát lạm phát năm 2024 trong khoảng 4,0 - 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, trong thời gian còn lại của năm 2024, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để có kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt.

Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng và đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa.
Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng và đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và có những giải pháp ứng phó phù hợp. Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt trong các thời điểm có biến động giá như lễ tết, điều chỉnh chính sách tiền lương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng và đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị khó lường, phức tạp, bảo đảm nguồn cung năng lượng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Cùng với đó, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chủ động công tác dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát theo diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu và phương án giá cụ thể các mặt hàng Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Lưu ý với các mặt hàng cụ thể khác, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Ngoài các nội dung trên, để hạn chế lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân.