WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng


Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Các dấu hiệu trái chiều về phục hồi vào đầu năm 2024

Sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần.

Xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin. Tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân theo giá so sánh dự kiến sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5% trong năm 2024.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,66% (so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là do hiệu ứng xuất phát điểm thấp trong xuất khẩu, trong khi tiêu dùng và đầu tư chỉ phục hồi dần dần.

Xuất khẩu hàng hóa phục hồi mạnh mẽ, tăng 17,2% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2024 so với -11,6% so với cùng kỳ năm trước, nhờ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu tăng mạnh (tương ứng tăng 25,5% và 16,3% so với cùng kỳ năm trước)...

Đầu tư thực (theo giá so sánh) tăng 4,7% so với cùng kỳ so với mức tăng trưởng bằng 0 của quý đầu tiên năm 2023, nhờ đóng góp mạnh mẽ của FDI, đầu tư công tăng nhẹ, trong khi đầu tư tư nhân vẫn yếu.

Vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam được cải thiện trong năm 2023, nhờ tài khoản vãng lai thặng dư lớn. Cán cân thanh toán (BOP) đạt thặng dư ở mức 1,3% GDP so với thâm hụt ở mức 5,6% GDP năm 2022.

Thặng dư tài khoản vãng lai được nới rộng lên mức 6,7% GDP trong năm 2023, từ mức thâm hụt 0,3% GDP năm 2022.

Lý do là vì cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư lớn (10% GDP), dòng kiều hối vẫn tiếp tục duy trì (ước đạt 3,1% GDP), trong khi thâm hụt tài khoản thương mại dịch vụ giảm (xuống còn -2,2% GDP cho năm 2023 từ mức -3,1% GDP năm 2022) do số lượt du khách nước ngoài tiếp tục phục hồi, lên đến gần 12,6 triệu lượt trong năm 2023, so với 3,7 triệu lượt năm 2022. 

Thặng dư thương mại hàng hóa gia tăng là do nhập khẩu giảm (-14,1% so cùng kỳ năm trước), mạnh hơn so với tốc độ giảm của xuất khẩu (-8,5% so cùng kỳ năm trươcs).

Mặt khác, tài khoản tài chính thâm hụt nhỏ ở mức 0,8% GDP, do dòng vốn ngắn và trung hạn rút ròng ra ngoài nhiều hơn so với giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đứng vững (ở mức 4,6% GDP). Chênh lệch kéo dài giữa lãi suất trong nước và quốc tế góp phần khiến cho dòng vốn ròng chảy ra nước ngoài.

Thặng dư cán cân thanh toán giúp nâng cao dự trữ quốc tế từ mức 87,1 tỷ USD vào cuối năm 2022 lên 93,3 tỷ USD vào cuối năm 2023, tương đương 3,3 tháng nhập khẩu

Các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách

Báo cáo WB nhận định: Chính phủ dự kiến tiếp tục duy trì chính sách tài khóa theo hướng tương đối mở rộng trong năm 2024, nhưng sẽ quay lại thắt chặt chính sách tài khóa trong các năm sau đó.

Nhìn ra quốc tế, WB cho rằng: Rủi ro và cơ hội đối với triển vọng dự báo trên nhìn chung đang ở thế cân bằng, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu của nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị và thiên tai liên quan đến khí hậu gia tăng sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam.

Trong nước, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản không được như dự báo có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến đầu tư của khu vực tư nhân.

Nhìn theo hướng tích cực, tăng trưởng toàn cầu cao hơn dự kiến sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh hơn dự kiến. Các biện pháp chính sách tài khóa mở rộng được duy trì có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong khi ổn định khu vực tài chính vẫn cần phải là ưu tiên hàng đầu Hỗ trợ chính sách nên được tiếp tục để thúc đẩy phục hồi.

Tiếp tục duy trì những nỗ lực nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ cho tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt về hạ tầng đang phát sinh.

Về chính sách tiền tệ, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất đã trở nên hạn chế hơn, do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế và do áp lực có thể gây ra đối với tỷ giá...

Tiếp đà cải cách trong thời gian qua, các bước nhằm giảm nhẹ nguy cơ dễ tổn thương và rủi ro trong khu vực tài chính vẫn hết sức cấp thiết trong thời gian tới.

Các cấp có thẩm quyền có thể ban hành chính sách nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, đồng thời tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm nhằm phát hiện và xử lý vấn đề phát sinh trong quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp), can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng. 

Mặc dù Luật về các tổ chức tín dụng đã được cải thiện qua sửa đổi gần đây, nhưng vẫn còn bất cập ở một số nội dung, bao gồm về giám sát hợp nhất các tập đoàn có ngân hàng và các tổ chức tín dụng, thẩm quyền xử lý các ngân hàng yếu kém, phòng vệ rủi ro pháp lý cho cán bộ giám sát.

Ưu tiên đặt ra là cần tăng cường vai trò của NHNN trong các lĩnh vực trên trong những cải cách pháp lý sắp tới về khu vực tài chính, bao gồm qua sửa đổi Luật NHNN của Việt Nam. Cuối cùng, cải cách cơ cấu có vai trò thiết yếu nhằm duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Báo cáo khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công.

Điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế hơn nữa, với tiềm năng tăng trưởng GDP là 0,1 điểm phần trăm cho mỗi mức tăng 1 điểm phần trăm trong đầu tư công tính theo tỷ lệ GDP.

Trong khi đó, về chính sách tiền tệ, dư địa cho việc cắt giảm lãi suất thêm nữa bị hạn chế do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với việc thu ngân sách có khả năng còn tiếp tục yếu trong khi chi tiêu công được đẩy mạnh, bao gồm tăng lương cho công chức theo kế hoạch và đẩy nhanh đầu tư công, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 1,6% GDP vào năm 2024, trước khi giảm xuống 1,1% GDP vào năm 2025, phù hợp với Chiến lược tài khóa giai đoạn 2021-2030. 

Ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB về Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư cho biết: Đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức.

Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Theo Anh Minh/baochinhphu.vn