Quản lý, điều hành giá linh hoạt, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Năm 2023, bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường khi hoạt động tiêu dùng của nhiều quốc gia suy giảm; xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu vật tư, nguyên liệu tác động làm cung cầu, giá cả hàng hóa thế giới biến động khó lường. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có các kịch bản điều hành giá phù hợp theo từng thời điểm. Nhờ đó, lạm phát năm 2023 được kiểm soát tốt, dưới ngưỡng cho phép. Trên cơ sở đó, năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục có các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp với diễn biến thị trường.

Lạm phát năm 2023 được kiểm soát tốt, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Lạm phát năm 2023 được kiểm soát tốt, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Tình hình quản lý, điều hành giá năm 2023

Quản lý, điều hành giá chủ động, linh hoạt

Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt việc điều chỉnh tăng giá với mức độ, thời điểm hợp lý đối với một số mặt hàng do Nhà nước định giá bị hoãn, chậm tăng giá theo lộ trình vào các năm trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, để hỗ trợ, ổn định cuộc sống người dân như giá vé máy bay nội địa, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, học phí và giá điện.

Công tác quản lý, điều hành giá từ Trung ương đến các địa phương đã được triển khai quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.

Nhờ đó, lạm phát năm 2023 được kiểm soát tốt, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Dự kiến, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 đạt mức dưới 4%. Đây là dấu ấn nổi bật trong công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ trong nhiều năm trở lại đây, nhất là trong bối cảnh thế giới hầu hết các nước đang phải đối mặt với mối đe dọa, thách thức của lạm phát tăng cao.

CPI bình quân trong 5 năm trở lại đây

Năm

2019

2020

2021

2022

2023

CPI bình quân năm

2,79%

3,23%

1,84%

3,15%

3,33%

Nguồn: Cục Quản lý giá

 

Xây dựng “kịch bản” điều hành giá phù hợp sát với thực tiễn

Nhằm nhận định các tác động từ tình hình dịch bệnh và diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến thị trường trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, để phân tích, đánh giá các yếu tố có thể tác động từ đó xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành giá chi tiết theo từng quý và cả năm. Việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn là một trong các cơ sở quan trọng cho việc định hướng, triển khai chính sách tài khóa phối hợp cùng với các chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm góp phần khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, người dân theo đúng kịch bản điều hành giá đề ra từ đầu năm. Cụ thể:

- Đối với mặt hàng xăng dầu: Bộ Tài chính điều hành nhất quán, đúng quy định pháp luật và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới. Việc thực hiện các giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã rất kịp thời, góp phần giảm giá bán xăng dầu trong thời gian qua. Ngày 17/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, công tác điều hành xăng dầu đã có sự thay đổi, thời gian điều hành giữa hai đợt được rút ngắn còn 7 ngày, cố định vào thứ Năm hàng tuần nhằm phản ánh đúng diễn biến giá cả thị trường.

- Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện theo Thông tư số 21/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023, Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế. Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29/6/2023 của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục chủ trì ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

- Đối với mặt hàng điện: Mặt hàng điện được giữ ổn định từ ngày 1/1/2013 đến ngày 3/5/2023. Năm 2023 đã có 2 lần điều chỉnh giá bán điện theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trên cơ sở có sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mức tăng lần lượt là 3% và 4,5%. Việc đánh giá tác động của điều chỉnh giá điện được thực hiện kỹ lưỡng trong các kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ để vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội.

Với vai trò là cơ quan phối hợp điều hành giá điện, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương điều hành giá điện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; đảm bảo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân kịp thời, phù hợp với biến động của các thông số đầu vào.

- Dịch vụ giáo dục (học phí): Giá dịch vụ giáo dục đào tạo (học phí) thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021. Để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống người dân, trong 3 năm học gần đây khung học phí đã được giữ ổn định. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng tiếp tục giữ ổn định học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; giữ ổn định học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập và giáo dục nghề nghiệp, lùi lộ trình học phí 01 năm so với lộ trình học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Việc tính toán mức học phí được chú trọng hài hòa các vấn đề về an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống người dân trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và vấn đề thúc đẩy phát triển ngành giáo dục trên cơ sở đảm bảo cân đối chi phí của các cơ sở giáo dục từ đó tác động tới chất lượng dịch vụ giáo dục.

Giá sách giáo khoa: Hiện nay, giá sách giáo khoa được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn khác. Theo đó, sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Giá sách giáo khoa do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từ năm 2020 đến nay, triển khai chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, theo đó, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

Năm 2023, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận kê khai giá 3 bộ sách sử dụng chung cho các khối lớp 4, 8, 11, các đơn vị đã thực hiện kê khai điều chỉnh giảm giá một số sách so với lần kê khai trước đó, mức giảm trung bình khoảng từ 6%. Giá các bộ sách giáo khoa các khối lớp khác giữ ổn định. Giá sách giáo khoa theo chương trình mới thực hiện theo chủ trương xã hội hoá có mức giá cao hơn giá bộ sách giáo khoa chương trình cũ.

Theo quy định tại Luật Giá số 16/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá tối đa sách giáo khoa, các tổ chức sản xuất kinh doanh sách giáo khoa định giá không cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Tăng cường biện pháp, quản lý, điều hành giá trong năm 2024

Dự báo bức tranh kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 ít khởi sắc do diễn biến xung đột chính trị - quân sự tại nhiều nơi. Các ngân hàng trung ương tiếp tục chống lạm phát kiên trì chính sách lãi suất cao, siết chặt tiêu chuẩn cho vay. Mặt khác, sức mua yếu, sức sản xuất dần sụt giảm thể hiện rõ ở nhiều nước...

Đối với Việt Nam, tốc độ phát triển kinh tế được dự báo sẽ đối diện với không ít khó khăn, do xuất khẩu giảm do thị trường các nước giảm nhập khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý giá. Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp sau:

Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác quản lý, điều hành giá.

Hai là, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ba là, điều hành chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Sáu là, các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Thực hiện mua, bán, xuất cấp kịp thời hàng dữ trữ quốc gia.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2024