Giảm thuế theo TPP: Không tác động nhiều đến thu ngân sách

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa qua đã đặt ra nhiều câu hỏi, rằng với việc cam kết giảm thuế 0% với hơn 65% dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực có ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách không?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bộ Tài chính cho biết, trong ngắn hạn, Hiệp định TPP sẽ không tác động nhiều đến thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Cắt giảm thuế theo lộ trình

Theo Hiệp định TPP, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước TPP, trong đó 65,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình dài hơn hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Những mặt hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực chiếm khoảng 82% kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ, gồm: động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, da và sản phẩm da, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, khoáng sản, một số loại giấy, nguyên liệu dệt may, da giầy, vải bông các loại, sản phẩm dệt may, phân bón, nước hoa, mỹ phẩm, máy móc thiết bị, đồ nội thất, gỗ và sản phẩm gỗ, nhạc cụ, linh kiện điện tử…

Những mặt hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực gồm: Bánh kẹo, chè và cà phê, ngô ngọt, đồng hồ, hàng gia dụng, máy khâu, máy phát điện, đồ trang sức, vật liệu xây dựng, sữa, máy móc thiết bị, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử…; nhóm mặt hàng có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 6 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực gồm: Dầu thực vật, chế phẩm rau quả, một số sản phẩm cao su.

Nhóm mặt hàng có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 8 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực gồm: Bộ phận linh kiện xe đạp xe máy, một số linh kiện ô tô, sản phẩm sắt thép, bánh kẹo, chế phẩm thủy sản, dầu mỡ động thực vật, rau quả, sắt thép, xe đạp nguyên chiếc, một số loại xe chuyên dụng, thịt lợn đông lạnh…

Việc giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với một số mặt hàng công nghiệp như: Ôtô sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ôtô mới, riêng ôtô con có dung tích xi lanh từ 3.000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10; sắt thép, xăng dầu xóa bỏ thuế vào năm thứ 11; nhựa và sản phẩm nhựa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giấy, đồ gỗ, dệt may, dày giép... xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xóa bỏ vào năm thứ 4.

Với sản phẩm nông nghiệp và thủy sản như thịt gà, xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 11/12; thịt lợn xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10 đối với thịt lợn tươi vào năm thứ 8 đối với thịt lợn đông lạnh; gạo xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực; ngô xóa bỏ sau vào năm thứ 5 một số loại xoá bỏ vào năm thứ 6; sữa và sản phẩm sữa xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xoá bỏ vào năm thứ 3; thực phẩm chế biến từ thịt xóa bỏ vào năm thứ 8 đến năm thứ 11; mặt hàng đường, trứng, muối xóa bỏ thuế trong hạn ngạch của WTO vào năm thứ 6 đối với mặt hàng trứng và vào năm thứ 11 đối với mặt hàng đường, muối; lá thuốc lá xóa bỏ thuế trong hạn ngạch vào năm thứ 11 đối với lượng hạn ngạch 500 tấn, mỗi năm tăng thêm 5% trong vòng 20 năm.

Điều đáng chú ý là trong số các thành viên Hiệp định TPP hiện có 3 nước đang áp dụng thuế xuất khẩu là Việt Nam, Malaysia và Canada. Do yêu cầu toàn diện của TPP, cả 3 quốc gia nói trên phải có cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu. Hiện nay Việt Nam đang áp dụng thuế xuất khẩu đối với tổng số 474 mặt hàng.

Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu với hàng xuất khẩu sang TPP với lộ trình lên đến 15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Những mặt hàng quan trọng còn lại sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu và áp dụng một mức trần thuế suất thuế xuất khẩu, gồm: Than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Không tác động nhiều đến thu ngân sách

Theo Bộ Tài chính, việc thực thi cam kết giảm thuế nhập khẩu chưa gây áp lực quá lớn tới vấn đề giảm thu NSNN. Lý do là các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chưa đi tới lộ trình giảm thuế cuối cùng, vì vậy nhiều dòng hàng có thuế suất bằng hoặc thấp hơn không đáng kể so với thuế suất ưu đãi hiện hành; tỷ lệ áp dụng xuất xứ ưu đãi để hưởng thuế suất đặc biệt chưa cao, 14% trên tổng nhập khẩu từ các FTA.

Tuy vậy, áp lực giảm thu NSNN sẽ tăng dần lên đặc biệt là từ năm 2018 trở đi, khi các cam kết trong WTO và các FTA đi đến giai đoạn cuối cùng, theo đó, nguồn thu giảm do số lượng các mặt hàng được xóa bỏ thuế nhập khẩu tăng mạnh và tỷ lệ hưởng ưu đãi xuất xứ hàng hóa tăng cao hơn.

Dự kiến Hiệp định TPP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018, như vậy trong ngắn hạn, việc thực thi cam kết trong TPP nói riêng không gây nhiều tác động tới thu NSNN do Việt Nam đã có các FTA với hầu hết các nước thành viên TPP. Bên cạnh đó, lộ trình xóa bỏ thuế quan cuối cùng kết thúc sau 16 năm thực thi Hiệp định (tới năm 2034). Đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong TPP là Hoa Kỳ hiện đang có mức xuất siêu lớn (khoảng 24 tỷ USD năm 2014).

Bên cạnh đó, mặc dù có cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu trong TPP, tuy nhiên Việt Nam lại được quyền bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số nhóm hàng quan trọng có tỷ trọng trong tổng số nguồn thu từ thuế xuất khẩu trên 90% như dầu thô, vàng, quặng zircon, than cốc, than đá. Do vậy, thực thi cam kết TPP sẽ tác động không lớn tới số thu ngân sách từ thuế xuất khẩu.

Một số lợi ích khi tham gia Hiệp định TPP

- Đa dạng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng với chất lượng cao hơn và giá cả cạnh tranh hơn, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh nguồn thu nội địa.

- Thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với nguồn vốn đầu tư gián tiếp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

- Mở rộng thị trưởng tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường lớn.

- Đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và kinh doanh, bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Thúc đẩy cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.