Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020: Đúng đối tượng, phù hợp thực tiễn sản xuất, kinh doanh
Sáng ngày 11/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo đề xuất của Chính phủ sẽ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách, ngành Tài chính sẽ triển khai hiệu quả các luật thuế, cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt quản lý thu ngân sách, có giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế...
Chia sẻ về tiêu chí tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng, lao động không quá 100 người mới được giảm thuế, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, hiện số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu thực hiện giảm thuế cho cả đối tượng doanh nghiệp vừa, gần như toàn bộ doanh nghiệp sẽ được hưởng, có thể dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng khi doanh nghiệp vừa có nhiều lợi thế về vốn, doanh thu, thị trường... Ngoài ra, tiêu chí trên cũng nhằm tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.
Ngoài ra, do giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng trong năm 2020, nên tiêu chí doanh thu, lao động cũng căn cứ theo số liệu năm 2020 là "đúng đối tượng, phù hợp thực tiễn sản xuất, kinh doanh khi họ gặp khó khăn vì Covid-19", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Theo tính toán của Chính phủ, việc giảm thuế lần này có thể khiến ngân sách Nhà nước giảm 15.840 tỷ đồng. Còn nếu giảm cho cả doanh nghiệp vừa, ngân sách hụt thu 22.400 tỷ đồng.
Trình bày báo cáo Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Quốc hội nhất trí với đối tượng áp dụng như dự thảo Nghị quyết vì đã cơ bản thống nhất với đối tượng người nộp thuế quy định tại điều 2 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức giảm và tiêu chí xác định về doanh thu và lao động cũng được cơ quan thẩm tra đồng tình.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, đây là các đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, khả năng tiếp cận vốn, trình độ quản lý và áp dụng công nghệ còn hạn chế trong khi nhóm đối tượng này chiếm đa số trong tổng số các đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định giảm 30% cho các đối tượng này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng cường nguồn lực để phát triển. Đồng thời, việc hạn chế đối tượng theo doanh thu và người lao động như dự thảo Nghị quyết cũng không gây áp lực quá lớn lên thu ngân sách nhà nước trong năm 2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, theo ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc giảm thuế là cách làm truyền thống, năm 2013 khủng hoảng kinh tế thì Chính phủ cũng trình Quốc hội ra nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng lần này có ưu điểm hơn là không áp dụng diện rộng như lần trước mà còn có hai tiêu chí để phân biệt nên cơ quan quản lý thuế có thể khoanh vùng...
Theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp sẽ tự tính, tự khai và tự nộp thuế. Vì thế, doanh nghiệp sẽ căn cứ tình hình thực tế tự xác định có thuộc đối tượng giảm thuế hay không để giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp khi tạm nộp theo quý, quyết toán thuế của năm 2020; đồng thời doanh nghiệp căn cứ quy định này để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.