Giao dịch thuật toán và hàm ý chính sách cho thị trường chứng khoán Việt Nam (*)
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, các ứng dụng của máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra một dòng xoáy các giao dịch công cụ tài chính thay đổi chóng mặt, trong đó các giao dịch thuật toán (Algorithmic Trading -AI) và giao dịch tần suất cao (High Frequency Trading -HFT) được thể hiện thông qua robot, các giao dịch tự động hoá trở thành xu hướng của thời đại.
Có thể nói với các giao dịch thuật toán đã mang lại lợi ích tối đa cho các nhà tài chính, bởi lẽ với khả năng phân tích và xử lý dữ liệu ở tốc độ rất cao (mili giây/ nano giây), các thuật toán cho phép giao dịch với một khối lượng rất lớn, giảm thiểu chênh lệch giá giữa các khu vực thị trường, cho phép tất toán nhanh các vị thế trong ngày..., qua đó làm gia tăng lợi nhuận cho những người sử dụng.
Tuy nhiên, mặt trái của các giao dịch này ở chỗ do các giao dịch diễn ra quá nhanh, với khối lượng giao dịch rất lớn, sau đó được tất toán vị thế về bằng không, tạo ra những giao dịch ảo trên thị trường đánh lừa xu thế, đặc biệt là các giao dịch đối với hợp đồng tương lai (future) gây tác động mạnh đến giá và khối lượng giao dịch trên thị trường cơ sở.
Sự kiện xảy ra trên TTCK Mỹ năm 2010 khi chỉ số Dow Jones trong một ngày mất 998,5 điểm (tương đương 9,2%) do các quỹ đầu tư sử dụng thuật toán để bán tháo các HĐTL và giao dịch cổ phiếu trái ngược thái quá trong thời gian ngắn, khiến cho TTCK suy giảm mạnh và nhanh. Sau sự kiện trên, Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và Tổ chức quốc tế các UBCK (IOSCO) đã ra các khuyến cáo và cơ chế nhằm kiểm soát các rủi ro và giám sát các giao dịch thuật toán.
Tại Việt Nam, các giao dịch thuật toán bước đầu đã được một số công ty chứng khoán mua phần mềm giao dịch nước ngoài đưa vào sử dụng, tạo ra hiệu ứng giao dịch với khối lượng lớn, xử lý nhanh, đặc biệt là các giao dịch chênh lệch giá (arbitrage) gây nên bất bình đẳng trong các giao dịch giữa nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức là các định chế tài chính chuyên nghiệp.
Trong khi, khung pháp lý thể chế lại chưa có các quy định cho giao dịch thuật toán, giao dịch tần suất cao phải được chấp thuận từ cơ quan quản lý và những quy định về hạn chế khối lượng, loại chứng khoán được giao dịch và ứng phó khi thị trường có những biến động lớn. Từ đó, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát nhằm ngăn ngừa các hành vi thao túng, đảm bảo an toàn, công khai và minh bạch cho thị trường.
Vậy giao dịch thuật toán (AT) hoặc mức độ phức tạp hơn là giao dịch tần suất cao (HFT) là gì?
Giao dịch thuật toán được đưa vào áp dụng từ những năm cuối thế kỷ 20, khi SEC cho phép các giao dịch điện tử thực hiện vào năm 1998 tại SGDCK New York.
Có thể hiểu đơn giản rằng đây là các giao dịch ứng dụng của CNTT cho phép các giao dịch được thực hiện bởi các robot tự động mà không cần sự tham gia của con người. Các máy tính được cài đặt chương trình theo các công thức toán học phức tạp để đưa ra các quyết định mua, bán hoàn toàn tự động.
Vì vậy, có thể nói đặc trưng của các giao dịch thuật toán đó là sử dụng công nghệ hiện đại, tinh vi để theo đuổi một số các chiến lược đầu tư khác nhau như tạo lập thị trường hoặc kinh doanh chênh lệch giá. Giao dịch được sử dụng thông qua các công cụ định lượng, các thuật toán trong quy trình ra quyết định từ phân tích dữ liệu thị trường, triển khai các chiến lược giao dịch, cho đến quyết định thực hiện đầu tư và xử lý tự động các vấn đề phát sinh xảy ra (tất toán, đóng vị thế).
Tính năng và thuộc tính cơ bản của giao dịch thuật toán và yêu cầu cần quản lý, giám sát?
- Đây là loại giao dịch thuật toán với tốc độ cao: thông qua việc sử dụng các thiết bị giao dịch điện tử hiện đại, sử dụng các thuật toán giao dịch phức tạp và các máy tính có cấu hình mạnh, xử lý lệnh rất nhanh (thậm chí một phần tỷ giây - nano giây). Từ đó cho phép các nhà giao dịch mua bán chứng khoán một cách nhanh nhất, tiết kiệm chi phí, thu về được các khoản lợi nhuận từ sự bất cân xứng trong giao dịch mà không phải giao dịch viên nào cũng có được.
- Khối lượng giao dịch lớn, tỷ lệ lệnh huỷ cao và hạn chế sở hữu chứng khoán qua đêm. Điều này trái ngược với xu hướng mua nắm giữ chứng khoán dài hạn (by and hold) giúp thị tường ổn định, các nhà giao dịch thuật toán thường có chiến lược đầu tư rất ngắn, dẫn đến chiến lược lệch được đặt tập trung rất nhanh và khối lượng rất lớn và có thể bị huỷ ngay sau đó, tất toán ngay trong ngày để trở về vị thế bằng không (không sở hữu chứng khoán qua đêm), qua đó giảm thiểu chi phí quản lý danh mục và rủi ro biến động giá.
- Các nhà giao dịch thuật toán thực hiện đầu tư chứng khoán cho chính mình (tự doanh) chứ ít khi giao dịch cho nhà đầu tư khác. Tỷ suất lợi nhuận biên thu được khá thấp, nhưng do nhờ giao dịch khối lượng lớn và không phải nắm giữ vị thế dài hạn nên hiệu quả sinh lời khá cao và ít rủi ro (hay nói khác mua nhanh và thoát hàng sớm).
- Mức độ áp dụng ở các thị trường phụ thuộc và yếu tố sử dụng CNTT và quy định pháp lý của từng quốc gia khác nhau. Thông thường, các quốc gia đều có quy định loại chứng khoán (cổ phiếu) có thanh khoản/độ sâu mới được áp dụng, hoặc tỷ trọng giao dịch thuật toán ở mức độ cho phép gắn với sự phát triển của CNTT và quản lý, giám sát bởi UBCK đối với các nhà giao dịch thuật toán.
- Chiến lược kinh doanh của các nhà giao dịch sử dụng thuật toán thường dùng để tạo lập lập thị trường (market making) khi liên tục thực hiện yết giá các lệnh giới hạn mua (lệnh chào mua) và/hoặc lệnh giới hạn bán (lệnh chào bán) cho một hoặc một số chứng khoán nhằm tạo thanh khoản cho thị trường để tìm kiếm lợi nhuận.
Mặt khác, việc sử dụng giao dịch thuật toán cũng nhằm kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) giữa các khu vực của thị trường, như sự khác biệt về giá giữa các công cụ tài chính giống nhau được giao dịch khác địa điểm, giữa chỉ số và rổ chứng khoán cơ sở, giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh. Các nhà giao dịch thuật toán sử dụng các dữ liệu quá khứ về mối tương quan giữa các chứng khoán và thị trường, nhằm tạo ra cơ hội giao dịch để kiếm lời, qua đó làm thay đổi điều kiện cung cầu giữa các thị trường, góp phần làm giảm sự chênh lệch giá của các tài sản và cung cấp tính thanh khoản cho thị trường.
Ngoài ra, dựa trên dữ liệu quá khứ, các nhà giao dịch thuật toán ước tính sự thay đổi về giá dự kiến dựa trên các sự kiện liên quan đến kinh tế vĩ mô hoặc thay đổi của các ngành kinh tế cụ thể, tần suất lặp lại để đưa ra chiến lược đầu tư định hướng.
- Hỗ trợ thị trường thông qua các công cụ làm gia tăng tính thanh khoản cho thị trường khi thực hiện mua, bán nhiều lần trong ngày với khối lượng giao dịch lớn, hạn chế vị thế nắm giữ qua đêm. Trên cơ sở đó, kéo mức giá giao dịch về sát hơn với mức giá thực tế do hệ thống tính toán xác định mức giá hợp lý nhanh nhất, từ đó sớm kéo thị trường về điểm cân bằng. Điều đó cũng góp phần làm giảm sự biến động của thị trường.
Thực tiễn cho thấy, thanh khoản và độ biến động có mối liên quan chặt chẽ vì thị trường thanh khoản cao có khả năng hấp thụ tốt hơn những cú sốc nhất thời, việc tham gia của các nhà giao dịch thuật toán có thể giúp kiềm chế biến động tạm thời trong ngày bằng cách tăng thêm thanh khoản cho cả hai mặt của thị trường.
- Rủi ro mang lại từ các giao dịch thuật toán. Sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nói chung và TTCK nói riêng mang đến hiệu quả rõ rệt đối với thị trường, tuy nhiên đôi khi bị lạm dụng bởi yết tố nền tảng đạo đức nghề nghiệp và vượt quá khỏi tầm kiểm soát của con người có thể ẩn chứa nhiều rủi ro cho thị trường dẫn đến suy thoái, khủng hoảng thậm chí đổ vỡ cả thị trường.
Trong đó, rõ rệt nhất là rủi ro thao túng giá chứng khoán khi liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo cung, cầu giả tạo, tác động đến giá chứng khoán theo hướng mong muốn của đối tượng thao túng nhằm thu lợi bất chính. Việc sử dụng kỹ thuật chèn lệnh, nhồi lệnh, chiếm quyền sử dụng hệ thống mạng, đặt lệnh với tốc độ cao, khối lớn và trong thời gian ngắn... nhằm đẩy giá chứng khoán lên cao, sau đó có thể huỷ lệnh hoặc tất toán lệnh... nhằm thu lời bất chính.
Ngoài ra, các rủi ro hệ thống, rủi ro hoạt động cũng tác động rất mạnh đến tính toàn vẹn của thị trường. Các rủi ro này thường xảy ra trong quá trình giao dịch, bị lỗi trong quá trình hoạt động có thể do lỗi thuật toán, lỗi phầm mềm, lỗi do các hacker, lỗi hệ thống máy chủ và mạng kết nối, gây ảnh hướng đến toàn thị trường. Bản chất giao dịch thuật toán là do con người tạo ra, do đó không khỏi sai lầm khi sử dụng, khi giao dịch với tốc đọ cao diễn ra, một thuật toán sai lầm có thể gây ra hàng triệu tổn thất với thời gian rất ngắn.
Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam
Quá trình hình thành và phát triển của giao dịch thuật toán diễn ra một cách tự nhiên gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Tại Mỹ, nơi khởi nguồn của giao dịch thuật toán khi quá trình điện tử hoá các giao dịch tự động để dần thay thế các giao dịch thủ công. Trước năm 2010, giao dịch thuật toán ở Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng 20% vào năm 2005, nhưng sau đó tăng trưởng đột biến lên mức 60% thị phần giao dịch cổ phiếu toàn thị trường vào năm 2009. Còn tại Châu Âu từ mức giao dịch tỷ trong thấp nhưng đã tăng vọt lên 40% vào năm 2010.
Tuy nhiên, mức độ phát triển quá giới hạn vượt khỏi tầm kiểm soát đã dẫn đến hệ luỵ xảy ra sự kiện "Flash Crash" vào năm 2010 khiến TTCK Mỹ và toàn cầu chao đảo. Sau sự kiện này, SEC và Cơ quan quản lý TTCK Âu Châu (ESMA) đã có những đánh giá và nhìn nhận lại vấn đề đối với giao dịch thuật toán, để xây dựng cơ chế kiểm soát, hạn chế các giao dịch. IOSCO cũng nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ bên cạnh những ưu việt đạt được, cũng phát sinh những tồn tại tác động tiêu cực lên chất lượng của thị trường như sự biến động quá mức của các hiện tượng trên thị trường hay sự thiếu minh bạch thông tin.
Theo đó, IOSCO khuyến nghị cơ quan quản lý, giám sát thị trường cần: (i) Yêu cầu các SGDCK cung cấp cơ chế truy cập công bằng, công khai và minh bạch; (ii) Đảm bảo cơ chế kiểm soát giao dịch hợp lý (kiểm soát biến động; tạm ngừng giao dịch) để xử lý các vấn đề của thị trường, trong đó đặt ra yêu cầu các thuật toán phải được tính đến khi xử các các giao dịch đột biến; (iii) Các lệnh giao dịch phải được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp và có cơ chế soát xét tự động trước khi thực hiện. Điều này phải được luật hoá bằng các quy định và chế tài xử lý tương ứng; (iv) Kiểm soát các hành vi khác nhau của các giao dịch thao túng và lũng đoạn thị trường do xuất phát từ nguyên nhân phát triển của công nghệ và hướng xử lý. Trên cơ sở nền tảng đánh gia tác động lên tính toàn vẹn của thị trường và hiệu quả của sự phát triển công nghệ và sự thay đổi về cấu trúc thị trường, để xác lập tiêu chí quản trị rủi ro hợp lý và tính ổn định của hệ thống.
TTCK Việt Nam mặc dù mới đưa vào vận hành được 20 năm, tuy nhiên được cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá có tốc độ phát triển khá nhanh, với nhiều sản phẩm cấu trúc linh hoạt từ cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, quỹ mở, quỹ ETF; quỹ đầu tư bất động sản (REIT); chứng quyền có đảm bảo (CW), đến các sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai chỉ số; hợp đồng tương lai TPCP... đã mở ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn với các chiến lược đầu tư linh hoạt (đầu cơ; phòng vệ rủi ro; kinh doanh chệnh lệch giá).
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ máy tính, toán học và trí tuệ con người vào hoạt động đầu tư ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh hơn. Với tầng lớp dân số trẻ (khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi) và quốc gia có thị trường công nghệ thông tin, viễn thông tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong vòng một thập kỷ gần đây, với khoảng 54% dân số sử dụng internet và điện thoại thông minh, nên nhà đầu tư Việt Nam rất nhạy bén với các loại hình công nghệ, sản phẩm dịch vụ mới có hiệu ứng đòn bẩy đem lại lợi nhuận cao. Bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm tài chính ảo, các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin; Ethereum..., các nhà đầu tư tài chính cũng đã tự xây dựng hoặc mua các phần mềm tính toán, phân tích kỹ thuật để đầu tư chứng khoán.
Hiện tại, theo khảo sát nghiên cứu của các tổ chức đầu tư, trên thị trường hiện đang sử dụng một số phần mềm phân tích kỹ thuật và tính toán đầu tư nước ngoài cung cấp, như MetaStock do Công ty CAM cung cấp thông qua nhà phân phối Tài Việt (Vietstock) và AmiBroker do Công ty AMIBROKER cung cấp, hoặc các phần mềm trong nước tự thiết kế xây dựng như SmarrtRobot; Robot Adviser, Active-D, StockTraders...
. Các phần mềm này cho phép người dùng sử dụng các dữ liệu thời gian để phân tích và xây dựng các chỉ báo, khuyến nghị đầu tư, kết nối dữ liệu và có thể thực hiện lệnh mua, bán nếu hạ tầng công nghệ của các công ty chứng khoán đáp ứng được. Ngoài ra, có một số công ty chứng khoán cũng đã sử dụng các phần mềm giao dịch thuật toán (cài đặt sẵn) trong hoạt động tự doanh để thực hiện các chiến lược kinh doanh chênh lệch giá, phòng ngừa rủi ro khi thị trường xuất hiện những cơ hội kiếm lời trong khoảng thời gian rất ngắn.
Việc sử dụng các thuật toán có thể dùng trong việc tự doanh các nghiệp vụ arbitrage phái sinh và giao dịch chứng chỉ quỹ ETF. Phần mềm giao dịch có khả năng theo dõi và nhận diện rất nhanh các chênh lệch giá giữa hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và tài sản cơ sở (âm/dương) để ra các quyết định mua/bán tức thời, hoặc nhận diện nhu cầu mua/bán chứng chỉ ETF để có thể thực hiện mua/bán và nghiệp vụ hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu. Hiện tại, hệ thống giao dịch và giám sát tại các SGDCK của Việt Nam chưa có khả năng nhận diện các giao dịch thuật toán, nên chưa thể đánh giá được những tác động lên giao dịch thông thường ở mức độ nào.
Hàm ý chính sách cho TTCK Việt Nam
Xu hướng giao dịch thuật toán là tất yếu đối với các thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng, với việc điện tử hoá các giao dịch, ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên các nền tảng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, việc các tổ chức kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp (công ty chứng khoán; quỹ đầu tư) sử dụng các giải pháp phần mềm giao dịch tự động để gia tăng quy mô giao dịch, giảm độ trễ trong thực hiện lệnh, kéo biện độ chênh lệch giá giữa các thị trường đến gần nhau là điều không tránh khỏi.
Thực tiễn trong thời gian qua, khi TTCK phái sinh Việt Nam đi vào hoạt động, nắm bắt được biến động giá giữa thị trường cổ phiếu cơ sở và thị trường phái sinh các hợp đồng tương lai chỉ số, một số công ty chứng khoán lớn có tiềm lực tài chính và công nghệ đã bước đầu sử dụng các phần mềm giao dịch tự động nhằm kinh doanh chênh lệch giá giữa hai thị trường, gây nên không ít bức xúc cho các nhà đầu tư nhỏ, cá nhân khi liên tục bị thua lỗ, kéo dài. Điều đó cần có sự nghiên cứu, đánh giá để có cơ chế quản lý phù hợp với điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên bên cạnh các lợi ích thiết thực của giao dịch ứng dụng thuật toán, mặt trái của các giao dịch này cũng không hề nhỏ, gây nên sự mất công bằng trong giao dịch của các nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường có dấu hiệu bất ổn, thiếu kiểm soát, nếu không có sự can thiệp kịp thời của nhà quản lý, thì có thể dẫn đến suy thoái, khủng hoảng, thậm chí đổ vỡ thị trường.
Thực tiễn trên thế giới, ngoài các thị trường phát triển lâu đời có hệ thống quản lý giám sát chặt chẽ đối với các giao dịch thuật toán (Mỹ; Châu Âu), còn lại đa số các quốc gia vẫn thái độ dè dặt đối với các giao dịch này, một số quốc gia không khuyến kích; quy định ở mức độ chặt chẽ; hoặc cấm không cho phép giao dịch.
Tuy nhiên, việc cấm giao dịch thuật toán có thể dẫn đến kìm hãm sự phát triển của thị trường, hoặc tạo ra kẽ hở để một số công ty lách luật lạm dụng giao dịch, gây nên bất bình đẳng trong giao dịch. Do đó, việc nghiên cứu một cách tổng thể, nghiêm túc kể cả bài học thất bại trọng việc kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết, để từ đó có thái độ ứng xử hợp lý đối với loại giao dịch này. Theo đó, cần chú trọng một số vấn đề sau:
- Đánh giá nhu cầu và xu hướng, để từ đó xây dựng khung pháp lý đối với các giao dịch thuật toán và giao dịch tần suất cao, theo hướng chỉ cho phép các tổ chức tài chính có tiềm lực lực tài chính mạnh, công nghệ tốt để đầu tư hệ thống bài bản, các nhân viên nghiệp vụ phải được đào tạo bài bản, đạo đức nghề nghiệp tốt và có sự chấp thuận cho phép được giao dịch thuật toán từ UBCK hoặc SGDCK.
- Các tổ chức giao dịch thuật toán phải đăng ký sử dụng hệ thống với các SGDCK, có hệ thống giao dịch kết nối trực tuyến với máy chủ và nhân viên quản lý tác nghiệp vận hành hệ thống, bảo trì thường xuyên hệ thống. Hệ thống nhận lệnh phải nhận diện và phân tách được các lệnh từ giao dịch thuật toán và gắn với các mã số nhất định. Các phần mềm giao dịch thuật toán phải có bản quyền và đăng ký với SGDCK trước khi đưa vào hoạt động, đảm bảo thuật toán được sử dụng đáp ứng đầy đủ các điều kiện về giao dịch như quy định về biên độ giá; khối lượng giao dịch; tỷ trọng giao dịch.
- Hệ thống CNTT cho vận hành thị trường từ UBCKNN đến các SGDCK, TTLKCK có khả năng kiểm soát được các trạng thái của giao dịch thuật toán, như phân loại các lệnh giao dịch thuật toán với các lệnh giao dịch thông thường; các biện pháp hạn chế giao dịch thái quá (vượt ngưỡng), hoặc cơ chế kiểm soát tỷ trọng các lệnh giao dịch bị huỷ quá lớn/tổng lệnh giao dịch; cơ chế tạm dừng, hoặc ngắt mạch thị trường trong trường hợp có sự biến động về giá quá lớn lớn, hoặc có dấu hiệu thành viên thao túng.
- Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với các quy định về thuế, phí, giá dịch vụ giao dịch để điều tiết các giao dịch hợp lý. Nếu giao dịch tạo lập thị trường với tần suất mua, bán liên tục thì cần có cơ chế thuế, phí thấp để hỗ trợ các nhà tạo lập. Hoặc khi thị trường biến động mạnh, cần hạn chế giao dịch thuật toán thì điều chỉnh thế, phí giao dịch tăng lên nhằm hạn chế mua vào bán ra, khuyến khích nắm giữ dài hạn.
- Cho phép các giao dịch bán khống có điều kiện (bán khống có đảm bảo), giao dịch trong ngày để hỗ trợ thêm các công cụ giao dịch. Đào tạo, tuyên truyền về các giao dịch thuật toán để nhà đầu tư có hiểu biết, hạn chế đầu tư cá nhân để giảm thiểu các rủi ro, gia tăng đầu tư thông qua các định chế quỹ đầu tư. Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát, giám sát các giao dịch thuật toán để sớm phát hiện, ngăn ngừa các giao dịch không công bằng, giao dịch thao túng và các kịch bản ứng phó hợp lý khi xảy ra sự cố./.
* Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế - Tài chính Việt Nam