Giữ giá trần hàng không nội địa giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế
Phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến dự án Luật Giá (sửa đổi), tại phiên họp chiều 23/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội nêu ra tại các phiên họp trước liên quan đến dự án Luật Giá (sửa đổi) đều đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu cơ bản đầy đủ.
Liên quan đến ý kiến của các đại biểu về giá sàn và giá trần dịch vụ hàng không nội địa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, giữ giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và những người có thu nhập thấp cũng được tiếp cận với các hãng hàng không, đa dạng hóa và từ đó giảm được chi phí xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Bộ trưởng thông tin thêm tại phiên họp, hiện nay, có 6 hãng hàng không nội địa, việc cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa cần phải quy định một giá trần để đảm bảo quản lý của Nhà nước. Đơn cử như đối với xăng, dầu trong hàng không, nhiều năm nay Nhà nước đã giảm 70% giá thuế môi trường trong xăng dầu cho các hãng bay để đảm bảo cho vấn đề hạ giá thành và quản lý để đảm bảo giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.
Về giá sàn, Bộ trưởng cho hay, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, như ở Trung Quốc và Ấn Độ đã bỏ giá sàn năm 2013. Hay ở Mỹ áp dụng từ năm 1938 cho đến năm 1978, hiện nay cũng đã bỏ giá sàn. Hơn nữa, các hãng hàng không cũng có dải giá rất rộng, tức là từ 10 đến 15 bậc. Vì vậy, không phải giá nào cũng đưa xuống dưới giá sàn. Do vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ sự thống nhất với ý kiến của đại biểu về việc bỏ giá sàn.
Bên cạnh đó, liên quan đến ý kiến về chi phí cho dịch vụ thẩm định giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu, hiện nay có hơn 300 doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy đưa vào theo Luật Giá tức đưa vào chi phí thẩm định giá là không quy định nữa mà để tự do cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Phát biểu ý kiến về vấn đề thẻ thẩm định viên, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, quy định là Hội đồng thẩm định giá tối thiểu là 50% thành viên có chứng chỉ. Trước đây, luật hiện hành chỉ quy định có một thành viên và bây giờ nâng lên 50% thành viên trong Hội đồng. Đây cũng là mức cao và cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ với đề xuất này.
Đối với công khai thông tin về giá như trách nhiệm niêm yết giá, Bộ trưởng khẳng định sẽ cụ thể hóa hơn trong Luật. Cùng với đó, một số quy định như quy định của giá ship sẽ đưa vào phương pháp định giá, trong Luật Giá thì giao cho Chính phủ sẽ quy định về vấn đề phương pháp định giá.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vấn đề định giá có hai loại tiếp cận. Một là tiếp cận theo giá thị trường, tức là theo quan hệ cung - cầu. Hai là xác định có tiếp cận theo chi phí, tức là yếu tố hình thành giá, chẳng hạn như là quy định xây dựng giá liên quan đến giá ship hay là các chi phí trung gian như thế nào.
"Vấn đề nữa là một số mặt hàng bình ổn giá. Trong Luật Giá dự thảo, chúng tôi cũng đề xuất Quốc hội quyết định về mặt hàng bình ổn giá. Khi có biến động thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có quyết định điều chỉnh, chúng tôi tiếp thu ý kiến này", Bộ trưởng nêu.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề không đưa giá điện vào trong bình ổn, Bộ trưởng nhấn mạnh, giá điện đã đưa vào trong định giá, do đó không đưa vào bình ổn nữa, chính định giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng, tức là có lợi cho người dân, vì nhiều lý do. Một là, hiện nay nguồn lực phải đảm bảo, ngân sách đang còn hạn hẹp, hoặc vấn đề doanh nghiệp sản xuất điện, hiện nay chủ yếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam là tập đoàn của Nhà nước chiếm trên 50%. Hai là, nếu hỗ trợ bằng ngân sách thì phải sửa Luật Ngân sách Nhà nước để phù hợp tình hình thực tiễn.