Giữ ổn định giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu

Trần Huyền

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra năm 2021, Bộ Tài chính đã theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá cả thị trường đảm bảo ổn định, không có biến động bất thường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10/2021 ước giảm 0,1-0,15%; bình quân 10 tháng đầu năm 2021 ước tăng 1,81%-1,83% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản 10 tháng ước tăng 0,82%-0,86%. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, mặt bằng giá cả thị trường những tháng qua cơ bản nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra ngay từ đầu năm. 

Từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá cả thị trường tăng/giảm đan xen, một số mặt hàng có mức tăng cao do chịu tác động từ các yếu tố cung cầu trong nước và giá thế giới. Một trong những nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng giá những tháng qua là một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá do ảnh hưởng từ chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển logistics tăng như thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng.

Giá mặt hàng xăng dầu, LPG trong nước tăng do tác động từ giá thế giới tăng mạnh khi nhu cầu chung trên thế giới tăng; Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu trong một số thời điểm đầu năm; Nhu cầu tiêu dùng điện, nước của người dân tại một số thơi điểm nắng nóng và phải giãn cách xã hội cũng tăng cao làm tăng mức chi trả bình quân theo mức tiêu thụ lũy tiến... cũng là những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá.

Tuy nhiên, cũng có một số nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Tổng cầu nền kinh tế vẫn chưa hồi phục trong bối cảnh quý II và quý III chịu tác động rất lớn bởi tình hình dịch bệnh; Một số lĩnh vực vẫn chịu tác động mạnh của dịch bệnh như dịch vụ văn hóa, giải trí du lịch giảm mạnh, tiêu dùng cơ bản ở mức thấp; Giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản ổn định, trong đó có thịt lợn giảm so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung trong nước dồi dào; Các nhóm hàng trong danh mục nhà nước định giá được giữ ổn định hoặc có các chính sách giảm giá phù hợp; Nền tảng kinh tế vĩ mô, tỷ giá ổn định với các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, thận trọng.

Trong công tác quản lý giá, thị trường, thời gian qua, Bộ Tài chính đã theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường. Đồng thời, chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội gắn với yêu cầu đặt ra về phòng, chống dịch.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, trong tháng 10/2021, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh do nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm… Việc giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến giá bán xăng dầu trong nước.

Theo đó, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 02 lần trong tháng 10. Các mức điều chỉnh giá này đã được hạn chế phần nào nhờ sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, nhờ sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, mức biến động tăng của giá xăng dầu trong nước có thấp hơn so với mức biến động tăng giá xăng dầu thành phẩm thế giới.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị quyết giảm tiền điện; điều chỉnh giảm giá các dịch vụ nhóm giao thông vận tải, giá nước sạch cho sinh hoạt; dịch vụ bưu chính viễn thông...

Với các giải pháp đã thực hiện, giá cả thị trường thời gian qua cơ bản được giữ ổn định, không có biến động bất thường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra năm 2021 là tốc độ tăng CPI bình quân không quá 4%.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến giá cả thị trường, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý giá. Trong đó, tiếp tục theo dõi giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để có phương án điều hành giá xăng dầu theo định kỳ; phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: sách giáo khoa, than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm... Tiếp tục triển khai tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường để phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ.