Gỡ khó cho xuất khẩu nông sản
Không chỉ tăng trưởng âm mà nhiều sản phẩm nông sản còn gặp khó về thị trường xuất khẩu (XK). Gỡ khó cho sản phẩm nông sản đang là bài toán đặt ra đối với ngành nông nghiệp hiện nay.
Tại cuộc họp sơ kết với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp XK nông sản diễn ra mới đây, Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) - cho biết, gạo và sắn hiện là hai mặt hàng có tốc độ suy giảm XK lớn nhất.
Các mặt hàng như chè mặc dù có tăng về lượng nhưng giảm về giá trị. Tương tự, XK rau củ quả, thủy sản và mây tre cũng “ì ạch” do nhu cầu thị trường nhập khẩu (NK) yếu.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm, XK sắn và các nguyên liệu từ sắn đạt 2,31 triệu tấn và 616 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và 28,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc vẫn là thị trường NK chính, chiếm tới 86,1% thị phần, giảm 23,5% về khối lượng và 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Theo các chuyên gia, do giá dầu trên thị trường thế giới ở mức thấp nên các nước NK cũng giảm nhu cầu về mặt hàng này.
Đối với lúa gạo, lâu nay XK cũng chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc nhưng hiện chưa ký tiếp được các hợp đồng tập trung, trong khi lại chịu áp lực giảm giá từ việc Thái Lan xả hàng để giảm tồn kho.
“Các quốc gia NK hiện đang có nhu cầu cao về loại gạo chất lượng và có giá bán cao nhưng Việt Nam lại đang thụt lùi tại các thị trường NK gạo lớn như Mỹ và EU, kể cả thị trường Nhật Bản cũng không có chỗ cho gạo Việt Nam” - ông Huỳnh Thế Năng- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nói .
Trong khi đó, XK thủy sản đang gặp nhiều rào cản lớn nên tốc độ chậm. Tôm xuất vào thị trường Australia vẫn chưa được nhiều do vướng rào cản về kiểm tra dịch bệnh. Giá cá tra cũng đang sụt giảm.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - chia sẻ: Tổng sản lượng cá tra nuôi quá nhiều trong khi nhu cầu tại thị trường châu Âu giảm sút mạnh. Ông Hòe cho rằng, khả năng nhu cầu NK sẽ quay lại vào tháng 9 và 10, nhưng năm nay khó đạt đích XK như năm ngoái.
Rào cản thương mại cũng là vấn đề lớn đối với nông sản Việt Nam. Năm nay, Trung Quốc đã thắt chặt NK tiểu ngạch khiến nhiều nông sản XK bị ứ đọng tại các cửa khẩu, không có hướng giải quyết.
2 tháng qua, mặt hàng sắn XK đã bị đóng cửa hoàn toàn tại cửa khẩu Lạng Sơn, do vậy nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có quyết sách cho vấn đề này.
Để thoát khỏi những sụt giảm và khó khăn về “đầu ra” hiện nay, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết: Bộ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nhất là cho mặt hàng gạo tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và thị trường châu Phi.
Đặc biệt, cần tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật theo hướng chủ động, tiếp cận với các thị trường đang tăng cường rào cản như Mỹ (đối với cá tra và chè).
Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức đoàn công tác sang Mỹ vào tháng 11 tới để vận động Hạ nghị viện Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Thượng nghị viện Mỹ về việc dừng triển khai chương trình thanh tra cá da trơn theo Luật Nông trại...
Theo Bộ NN&PTNT, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn tại các thị trường XK, các mặt hàng nông sản cần tập trung chinh phục ngay thị trường trong nước bằng sản phẩm chất lượng cao, nhằm giảm áp lực đối với sản phẩm nông sản XK hiện nay.