Gỡ nút thắt để giữ vị thế
Tại hội thảo “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới” do Báo Tuổi trẻ phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào ngày 12/10, ông Hoàng Thanh Vũ - Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, có 2 nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để ngành tôm giữ vững vị thế trên thị trường, đó là: con giống và nguồn nước.
Thông tin về tình hình xuất khẩu tôm thế giới, ông Vũ cho biết, hiện 2 đối thủ xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam là Ecuador và Ấn Độ đang nỗ lực thúc đẩy tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao trình độ chế biến. Nếu như năm 2018, Ecuador là nước xuất khẩu tôm đứng thứ 5 trên thế giới, sau Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, thì đến năm 2021, Ecuador vươn lên dẫn đầu thế giới với trên 1 triệu tấn tôm thẻ chân trắng. Kết quả trên theo ông Vũ là do có một số khác biệt giữa nuôi tôm ở Việt Nam và Ecuador, mà chủ yếu là ở yếu tố con giống và quy hoạch đầu tư vùng nuôi.
Theo đó, về con giống, Ecuador chỉ sử dụng tôm bố mẹ kháng bệnh và thả ở mật độ thấp trong ao rộng hơn, còn Việt Nam dùng tôm lớn nhanh và nâng cao mật độ nuôi. Ecuador tự chủ gia hóa tôm bố mẹ trong nước, Việt Nam thì chủ yếu là nhập khẩu tôm bố mẹ. Về quy hoạch và đầu tư vùng nuôi, Ecuador nuôi toàn quy mô trang trại, nhỏ nhất 50ha, lớn nhất lên đến 10.000ha. Từ đó, họ đầu tư khoa học kỹ thuật cũng như nuôi theo chuẩn ASC thuận lợi. Đến nay, Ecuador có trên 40.000ha đạt chuẩn ASC, chiếm gần 20% diện tích nuôi, trong khi con số này ở Việt Nam là chưa đến 1% nên về lâu dài họ sẽ chiếm lĩnh thị trường EU và Bắc Mỹ.
Ngoài các yếu tố trên, một trong những yếu tố góp phần làm cho giá thành sản xuất tôm ở Ecuador rẻ là do có nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn giá rẻ, như: đậu nành, bột cá từ các nước lân cận là Argentina và Peru. Điều này cùng với việc chủ động được con giống bố mẹ trong nước nên giá post cũng rẻ.
Trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam nuôi tôm chi phí vật tư đầu vào cái gì cũng lên cao, thức ăn năm 2022 tăng giá từ 2 - 3 lần, trong khi giá tôm bán 15 năm nay hầu như không tăng bao nhiêu. 10 doanh nghiệp Ecuador chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu tôm, doanh nghiệp lớn nhất có doanh số năm 2021 trên 1 tỷ USD. Với nội lực to lớn, họ cơ giới hóa, tự động hóa từ nuôi, thu hoạch, bảo quản, chế biến và khả năng tiệm cận trình độ chế biến cao trong thời gian ngắn sắp tới.
Ông Vũ lo lắng: “Ecuador đang trở thành đối thủ quá lớn của tôm Việt nếu chúng ta không có động thái mạnh trong việc xử lý điểm nghẽn của mình, nhất là kiểm soát con giống và thủy lợi nuôi tôm, để tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm, nhằm giảm giá thành thì trong vòng vài năm tới, đối thủ sẽ lấn chiếm thị trường thế giới, ngành tôm chúng ta sẽ khó duy trì vị thế”.
Trong nuôi tôm, theo kinh nghiệm của người nuôi tôm nói chung và tại trang trại của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta nói riêng, con giống là yếu tố thứ nhất quyết định thành công vụ nuôi và yếu tố quan trọng thứ hai là môi trường, mà cụ thể ở đây theo ông Vũ chính là nguồn nước phục vụ nuôi tôm. Ngoại trừ diện tích nuôi ven biển, diện tích nuôi tôm ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, tập trung hai bên các con sông nối ra biển và đồng thời có kết nối hệ thống sông Cửu Long.
Ông Vũ chia sẻ: “Nguồn nước này thường có rủi ro là một khi nước lũ về sớm như năm 2022, vùng nuôi tôm của Sóc Trăng và một số tỉnh khác sẽ không còn đủ độ mặn nuôi tôm. Hơn nữa, nước thượng nguồn có dẫn chứa nước từ các khu công nghiệp các tỉnh đầu nguồn, nước từ các vùng lúa, vùng cây ăn trái, sinh hoạt… tiềm ẩn rủi ro các dư chất không tốt cho tôm nuôi. Chính rủi ro từ nguồn nước quá lớn nên đã phần nào làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công đạt thấp”.
Liên quan giữa chất lượng con giống với tỷ lệ nuôi thành công, ông Vũ dẫn chứng các số liệu và phân tích làm rõ thêm về vấn đề này. Theo đó, năm 2021, cả nước có trên 2.000 cơ sở sản xuất, cung ứng con giống và đã cung ứng cho người nuôi 100 tỷ tôm post thẻ chân trắng, nhưng sản lượng tôm thu về trong năm chỉ khoảng 660.000 tấn. Ông Vũ hạch toán: “Nếu lấy trung bình tôm thu hoạch đạt kích cỡ 60 con/kg, thì với sản lượng như trên cho thấy tỷ lệ thành công chỉ đạt 40%, trong khi đó, theo thông tin từ Hội nghị tôm toàn cầu năm 2021, tỷ lệ này của Thái Lan là 55%, của Ấn Độ là 47 - 48%, còn của Ecuador thì cao hơn rất nhiều. Vì vậy, ngành tôm còn nhiều việc phải làm nếu muốn giữ vững vị thế cạnh tranh, mà trước mắt là làm sao tháo gỡ được 2 nút thắt quan trọng là con giống và nguồn nước”.
Để gỡ nút thắt về con giống, theo ông Vũ, cần kiểm soát tốt hơn các cơ sở sản xuất, cung ứng con giống, vì với con số trên 2.000 cơ sở như hiện nay là quá nhiều, trong khi bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương thì mỏng làm sao quán xuyến hết. Đây cũng chính là kẽ hở để con giống kém chất lượng có đất sống, bởi trong ma trận con giống, người nuôi làm sao biết mà chọn lựa cho tốt nhất.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần có chính sách khuyến khích gia hóa con tôm giống nhanh hơn để chủ động nguồn giống tốt, giúp người nuôi đạt tỷ lệ thành công cao hơn. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, chỉ cần nâng tỷ lệ nuôi tôm thành công lên thêm 5% nữa thôi, thì sản lượng tôm nuôi hàng năm cả nước là rất lớn. Riêng về nút thắt nguồn nước, ông Vũ đề xuất chú trọng công tác quy hoạch và định kỳ rà soát quy hoạch đã có, để trên nền tảng đó có sự quan tâm nhiều hơn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư thủy lợi.
“Các giải pháp trên được thực thi đồng bộ sẽ giúp người nuôi có cơ hội nuôi thành công hơn, thu nhập tốt hơn. Ý nghĩa hơn là khi tỷ lệ nuôi thành công cao sẽ góp phần cơ bản làm giảm giá thành nuôi, tăng sức cạnh tranh tốt hơn cho con tôm Việt trên thị trường thế giới” - ông Vũ chia sẻ.