Bộ Xây dựng tìm kế tháo “bom” bất động sản
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2011, Thành phố có 19.993 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nếu thống kê đầy đủ, số sản phẩm bất động sản tồn kho sẽ cao hơn rất nhiều so với con số nêu trên.
Chiều 20/10, dự kiến Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhằm lắng nghe tình hình cũng như tìm kế tháo hàng tồn kho bất động sản (BĐS).
Có thể nói, tình hình các DN xấu như hiện nay, chính là hệ quả từ thời kì thị trường tăng trưởng “nóng”. Hiện trạng BĐS tồn kho là một trong những nguyên nhân gây kiệt quệ nguồn vốn của DN trước mắt và lâu dài. Theo số liệu thống kê sơ bộ của hơn 65 DN niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, lượng hàng tồn kho trị giá hơn 83.804 tỉ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2011. Như vậy, số BĐS tồn kho đang chiếm tới 45,84% tổng tài sản của các DN này.
BĐS tồn kho quá nhiều được xem như “bom nổ chậm”, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả. Tình hình tiêu thụ chậm các sản phẩm BĐS để bán trong 3 năm trở lại đây (đặc biệt là căn hộ) làm cho tỉ lệ hàng tồn kho trên sổ sách của các DN ngày càng phình to. Cá biệt, ở một số DN, tỉ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản lên đến 60%-90%.
Theo Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2011, TP có 19.993 DN kinh doanh BĐS. Với số lượng DN hùng hậu như vậy, nếu thống kê đầy đủ, số sản phẩm BĐS tồn kho sẽ cao hơn rất nhiều so với con số nêu trên.
Còn theo một thông tin khác, thì hiện số lượng căn hộ chưa bán được lên đến 70.000 căn, trong đó TP. Hồ Chí Minh có 40.000 căn và Hà Nội 30.000 căn (thậm chí có thông tin lên đến 100.000 căn hộ). Đối với khách hàng, việc mua nhà của các DN có tỉ lệ nợ và hàng tồn kho cao là rất rủi ro do các tài sản mua bán chưa được hình thành. Do đó, trong trường hợp công ty không còn khả năng triển khai dự án hoặc trả nợ ngân hàng, thì khách hàng sẽ rất khó có khả năng đòi lại vốn góp mua căn hộ.
Trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh trước buổi gặp gỡ với Bộ Xây dựng, ông Châu cho rằng: Cách tốt nhất hiện nay là Bộ Xây dựng cần có chính sách để giúp thị trường tăng thanh khoản, nhằm tháo bớt hàng tồn kho BĐS, kế đến là có tác động nhằm giúp doanh nghiệp có thể tiếp nhận những khoản vay từ phía ngân hàng để tiếp tục phát triển các dự án còn dang dở.
Được biết, sáng 20/10, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã kí kết văn bản về Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn.