Gỡ vướng pháp lý để kích cầu nhà đầu tư “ngoại” mua bất động sản
Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất khiến nhà đầu tư nước ngoài không “mặn mà” mua bất động sản (BĐS) Việt Nam là vấn đề pháp lý còn nhiều chồng chéo trong các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đầu tư... Chính vì vậy, gỡ được “nút thắt” này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, minh bạch, bền vững.
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến sản phẩm chung cư
Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát đối với 500 nhà đầu tư nước ngoài đánh giá về thị trường BĐS Việt Nam với nhiều nội dung đáng chú ý.
Kết quả khảo sát cho thấy, 10,5% nhà đầu tư đánh giá thị trường BĐS và giá BĐS ở Việt Nam ở mức rất hấp dẫn; 47,4% đánh giá ở mức rất hấp dẫn nhưng cần cải thiện thêm các điều kiện về pháp lý, thông tin, dữ liệu; 21,1% nhà đầu tư đánh giá ở mức khá hấp dẫn; 15,8% đánh giá ở mức tương đối hấp dẫn. Chỉ 5,3% nhà đầu tư đánh giá ở mức chưa thực sự hấp dẫn.
Bên cạnh những thông tin đánh giá trên, kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam cũng cho biết, trong các phân khúc của thị trường BĐS, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất đến mua chung cư trung cấp và cao cấp và BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.
Cụ thể, có 57,9% nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mua chung cư trung và cao cấp; nhu cầu thuê sản phẩm của phân khúc này chiếm 36,8%. Nhu cầu mua BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và thuê BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cũng ở mức tương đối cao, lần lượt là 26,3% và 31,6%. Nhu cầu thuê BĐS khu công nghiệp, mua BĐS khu công nghiệp và thuê văn phòng thương mại nhu cầu chỉ chiếm khoảng 5,3%.
Về thời điểm và phương thức đầu tư, có 63,2% nhà đầu tư khẳng định sẽ đầu tư nhiều nếu có thêm các điều kiện (pháp lý, tài chính, thông tin…); tiếp đó, ở phương thức đầu tư ở mức độ vừa phải, chiếm 15,8%; có 10,5% nhà đầu tư sẽ đầu tư nhiều trong dài hạn.
Làm rõ về nhu cầu sở hữu BĐS của nhà đầu tư nước ngoài cao, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, BĐS Việt Nam hấp dẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài là do giá rẻ trong khu vực châu Á.
Nêu cụ thể về giá bán căn hộ, bà Trang Bùi cho biết, mức giá bán trung bình của căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh là khoảng 296.000 USD/căn; tại TP. Hà Nội là 182.290 USD/căn. Trong khi đó, mức giá này tại các thị trường trong khu vực vẫn ở mức khá cao như Hong Kong (1.155.000 USD/căn); Singapore (1.200.000 USD/căn); Seoul- Hàn Quốc (529.000 USD)...
Hóa giải nút thắt để kích cầu nhà đầu tư “ngoại”
Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất khiến nhà đầu tư nước ngoài không “mặn mà” mua BĐS Việt Nam là vấn đề pháp lý còn nhiều chồng chéo trong các luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đầu tư...
“Sắp tới, nếu những vướng mắc pháp lý trên được tháo gỡ sẽ thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến BĐS Việt Nam", bà Trang Bùi nhận định.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: Để giúp thị trường BĐS trong nước sôi động và hướng đến mục tiêu khơi mở, việc nghiên cứu sửa đổi các bộ luật quan trọng với thị trường BĐS Việt Nam như: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh BĐS... theo hướng phù hợp với tình hình thực tế. Đây là căn cứ quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài khi muốn mua hoặc sở hữu nhà tại Việt Nam.
Bên cạnh giải pháp tháo gỡ nút thắt về pháp lý, thể chế, các chuyên gia cho rằng, cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ cho phát triển thị trường BĐS.
Cùng với đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay ở mức phù hợp để hỗ trợ thị trường phục hồi và phát triển bền vững.
Để thị trường BĐS phát triển minh bạch, ổn định, các chuyên gia khuyến nghị, cần nền tảng thông tin minh bạch về các dự án, chủ đầu tư, pháp lý dự án... Điều này cũng sẽ giúp thị trường BĐS trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.