Cuộc gọi lừa đảo mời chào bất động sản, việc nhẹ lương cao rất nhiều
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu tất cả các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp cùng định danh số điện thoại sẽ hạn chế được tình trạng lừa đảo, mạo danh.
Chiều 6/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 10/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông đang được báo chí và dư luận quan tâm.
Theo đó, trong tháng 10/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt: 372.463 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 3.016.617 tỷ đồng.
Nộp ngân sách nhà nước ước đạt: 8.393 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước và giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 79.014 tỷ đồng.
Liên quan đến định danh số điện thoại, tại buổi họp báo tháng 10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố thực hiện định danh cuộc gọi của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và đã được các cơ quan báo chí thông tin đến độc giả cả nước, đồng thời nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ số ít các đơn vị thực hiện thì vẫn chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề, do hiện nay các cuộc gọi lừa đảo mạo danh rất nhiều, từ mạo danh cơ quan Nhà nước, các tổ chức tín dụng, đến các doanh nghiệp thương mại điện tử mời “việc nhẹ lương cao”, hay mời chào bất động sản, kêu gọi đầu tư...
“Nếu như tất cả các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hay doanh nghiệp cùng định danh số điện thoại sẽ hạn chế được tình trạng này” - Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ thông tin, tạo sự đồng thuận từ dư luận xã hội để các cơ quan, ban, ngành và tổ chức, doanh nghiệp cùng thống nhất triển khai, mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc hạn chế các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo làm phiền người dân.
Về xử lý vi phạm nội dung tần số vô tuyến điện, trong tháng 10, Cục Tần số đã phát hiện xử lý 12 thiết bị kích sóng di động gây can nhiễu; 17 vụ vi phạm về sử dụng tần số, trong đó, xử phạt tiền 8 vụ, cảnh cáo 6 vụ và nhắc nhở 3 vụ.
Đồng thời, tiếp tục phát hiện thêm 2 vụ phát sóng di động giả mạo (BTS giả) tại khu vực Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh xâm nhập mạng viễn thông công cộng, phát tán tin nhắn lừa đảo người dân (từ đầu năm 2023 đến nay là 17 vụ).
Việc phát hiện các trạm BTS giả này đã hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an Tp.Hà Nội, công an TP.Hồ Chí Minh bắt các đối tượng chủ mưu, đối tưởng sử dụng BTS phát tán tin nhắn lừa đảo trong thời gian nhanh nhất.
Đối với công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, hoạt động cung cấp trò chơi trên mạng trái phép, kết quả tháng 10/2023: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 nhóm và 7 tài khoản vi phạm (tỉ lệ 90%); Google đã gỡ 480 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 92%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm (tỉ lệ 95%).
Bên cạnh đó, về công tác đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 10/2023, Bộ đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.010 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (1.010 cuộc Phishing, 0 cuộc Deface, 30 cuộc Malware), tăng 11,8% so với tháng 9/2023 (903 cuộc), tăng 17,9% so với cùng kỳ tháng 10/2022 (857 cuộc).
Tổ chức rà soát và ghi nhận 53 website bị chèn nội dung quảng cáo (22 website thuộc 12 Bộ/Ngành, 31 website thuộc 24 Tỉnh/Thành phố) và gửi cảnh báo đến các đơn vị chủ quản để xử lý.