Gỡ vướng trong giải ngân nguồn vốn đầu tư công
Dù đã qua nửa năm, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch được giao, nhất là giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Trong số các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, Bộ Giao thông vận tải mới đạt 6,2%, TP. Hà Nội gần 16%. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị đe dọa, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ tăng cao.
Giải ngân thấp bất thường
Năm 2016, Vĩnh Phúc được Trung ương giao vốn xây dựng cơ bản (XDCB) hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng thời điểm hiện tại, tỉnh mới giải ngân hơn 1.300 tỷ đồng, đạt gần 35% kế hoạch vốn đã giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (39%), nguồn vốn đầu tư vẫn nằm yên trong Kho bạc Nhà nước (KBNN).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: Nếu không giải phóng được nguồn vốn đầu tư này, cũng đồng nghĩa hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh tăng trưởng yếu, gây khó khăn cho thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang trên đà phục hồi. Tỉnh Vĩnh Phúc tuy giải ngân thấp, nhưng vẫn đạt 35% tổng vốn.
Trong khi đó, có 17 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch, có bốn địa bàn trọng điểm thu NSNN như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Ở cấp trung ương, có năm bộ, ngành chưa giải ngân được đồng vốn nào, 11 bộ, ngành khác tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch. Trong số các dự án quan trọng, có ba dự án chưa giải ngân và bảy dự án khác tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch.
Trung ương đã chậm, địa phương càng chậm hơn, là tình trạng chung về giải ngân vốn đầu tư XDCB những tháng đầu năm. Tính đến hết ngày 20-6, lũy kế vốn đầu tư XDCB kế hoạch năm 2016 giải ngân mới được gần 73.800 tỷ đồng, đạt 23,5% so kế hoạch năm. Tỷ lệ giải ngân này thấp bất thường so với mức 43,1% (năm 2014) và 36,9% (năm 2015). Vốn đầu tư XDCB từ nguồn vốn nhà nước thấp là nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho công tác thu NSNN năm nay.
Đánh giá về nguyên nhân giải ngân chậm, theo Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà, trong tháng 1, các chủ đầu tư vừa phải giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2016, vừa phải giải ngân kế hoạch năm 2015 với số vốn hơn 26 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng số vốn giải ngân đến ngày 31-5 (thời hạn thanh toán vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2015 theo quy định).
Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư các dự án thuộc kế hoạch năm 2016. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện thủ tục đối với các dự án được phép kéo dài từ năm 2015 sang, theo quy định tại Luật Đầu tư công, cho nên chưa chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2016. Điều này sẽ dẫn đến các dự án giải ngân dồn dập vào cùng một thời điểm giữa và cuối năm, dễ gây ách tắc cục bộ tại các kho bạc.
Theo phản ánh của lãnh đạo một số địa phương, một số dự án khởi công năm 2016 bị triển khai chậm, do đây là năm đầu các chủ đầu tư phải triển khai thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công.
Một số chủ đầu tư bị lúng túng, mất thời gian trong việc quản lý dự án theo quy định trước đây hay theo mô hình quản lý dự án mới của Luật Xây dựng, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, vì thế, không thể mở tài khoản để giải ngân. Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính) Nhữ Ngọc Hân nhận định, trên cơ sở kết quả rà soát, tham vấn các bộ, ngành, địa phương và thực tế công tác quản lý, giải ngân vốn đầu tư, Bộ Tài chính xác định một số nguyên nhân phát sinh, tuân thủ các quy định mới gặp vướng mắc, tác động đến giải ngân vốn đầu tư.
Đơn cử, quy định về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm phải xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, nhưng khi lập kế hoạch chưa thể xác định rõ khả năng này. Các quy định về vốn dự phòng, thủ tục kéo dài thanh toán vốn đầu tư công; giao, điều chỉnh kế hoạch; nguồn vốn chuẩn bị đầu tư… đều gặp vướng mắc, làm chậm tiến độ thực hiện chương trình, dự án.
Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) Vũ Tiến Đức cho biết, nguyên nhân của việc giải ngân chậm trên địa bàn là do các dự án đầu tư thường được giao chỉ tiêu kế hoạch muộn, nên khi hoàn thiện hồ sơ và lựa chọn nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng xây lắp, giám sát, bảo hiểm mất nhiều thời gian. Đó là chưa tính tới yếu tố thời tiết, bởi khi vào mùa mưa, triển khai thi công khó khăn, các dự án, công trình đều tạm dừng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân do chủ đầu tư triển khai chậm, hồ sơ thiết kế và các thủ tục của nhiều công trình vẫn đang hoàn thiện. Không ít chủ đầu tư phản ánh, một số luật mới quy định nhiều thủ tục, làm kéo dài thời gian thực hiện, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng; các dự án có dự toán xây lắp giá trị hơn một tỷ đồng, tư vấn hơn 500 triệu đồng, phải tổ chức đấu thầu, khiến nhiều dự án quy mô nhỏ cũng bị kéo dài thời gian thực hiện thủ tục XDCB.
Thúc đẩy nhanh tiến độ
Từ thực tế khó khăn chúng tôi ghi nhận tại các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, có thể thấy, nhiều vướng mắc, kiến nghị cần được giải quyết dứt điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh giải ngân trong những tháng cuối năm.
Tại một số địa phương, tiến độ giải ngân chậm do sự ách tắc trong xử lý thủ tục, có tình trạng chủ đầu tư chưa tích cực, chậm lập, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục thanh toán các dự án đã được bố trí vốn trả nợ dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, dự án hoàn thành quyết toán.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, trước hết cần tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện các luật mới, như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Theo đó, phải bảo đảm chắc chắn khả năng nguồn vốn trong lập kế hoạch vốn đầu tư công, sửa Điều 7 Nghị định 77/2015 NĐ-CP quy định mức vốn dự phòng 10% theo hướng không để lại vốn dự phòng ở các bộ, ngành trung ương, mà để 10% trên tổng chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, nhằm chủ động xử lý trong điều hành, nhất là khi có rủi ro về thu ngân sách.
Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định quy trình, thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư; cho phép các dự án sử dụng nguồn dự phòng NSNN, vượt thu NSNN thực hiện quy trình đầu tư theo thời gian rút gọn.
Bên cạnh đó, để phát huy tính chủ động và tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh việc phân cấp trong lĩnh vực đầu tư công, đối với việc giao và điều chỉnh chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm trong nội bộ ngành, lĩnh vực, chương trình; chỉ đạo thực hiện giải quyết dứt điểm các dự án giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.
Về lâu dài, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 66 và Điều 75 Luật Đầu tư công theo hướng phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành và địa phương; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề xuất giải pháp để thực hiện đối với vốn chuẩn bị đầu tư; nâng cao năng lực cơ quan chuyên môn bởi số lượng dự án đầu tư xây dựng hằng năm rất lớn, lực lượng cán bộ của cơ quan chuyên môn tại các bộ, ngành và địa phương có hạn, làm chậm tiến độ thẩm định thiết kế, dự toán, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân vốn.
Bộ Xây dựng rà soát, nghiên cứu phân cấp việc thẩm định thiết kế, thẩm định dự toán xây dựng; hướng dẫn chi tiết về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của các ban quản lý khu vực và ban quản lý dự án chuyên ngành; việc chuyển đổi mô hình các ban quản lý dự án hiện nay và nghiên cứu tổng hợp, đánh giá các định mức để sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; kiến nghị các bộ, ngành, địa phương có biện pháp tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán. Đồng thời, có biện pháp đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn theo đúng quy định hiện hành.
Trong điều kiện công tác huy động vốn cho phát triển kinh tế -xã hội ngày càng phải trả giá vốn vay cao, thời gian ân hạn giảm, việc để nguồn vốn đầu tư nằm yên trong kho bạc, không giải ngân đúng tiến độ là vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ. Ngoài việc khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ giải ngân còn góp phần quan trọng vào việc giảm áp lực chi NSNN những tháng cuối năm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với nguồn vốn kế hoạch năm 2015 được phép kéo dài sang năm 2016 khoảng 21.660 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách trung ương 5.966 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 15.694 tỷ đồng), giải ngân đến hết ngày 31/5 đạt 133 tỷ đồng (bằng 0,6%, trong đó; vốn ngân sách trung ương 30 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 103 tỷ đồng). Đây là tỷ lệ rất thấp và là điều không thể chấp nhận đối với một nền kinh tế đang trên đà phát triển, rất cần vốn đầu tư.