Góc nhìn mới về lợi ích doanh nghiệp đạt được sau một cuộc kiểm tra sau thông quan
Hiện nay doanh nghiệp xuất nhập khẩu không nên chỉ đặt yêu cầu "sống sót" sau một cuộc kiểm tra sau thông quan, ngược lại doanh nghiệp còn có thể đạt được nhiều lợi ích lớn sau mỗi cuộc kiểm tra sau thông quan. Bài viết này muốn đề cập đến "góc nhìn mới tích cực về công tác kiểm tra sau thông quan".
Với đa số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khái niệm "kiểm tra sau thông quan", "thanh tra chuyên ngành", "kiểm tra quyết toán", "kiểm tra đối với hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau", "kiểm tra cơ sở sản xuất"… luôn có ý nghĩa tiêu cực. Họ liên tưởng tới những vấn đề "soi" "xét" "chất vấn" giấy tờ, chứng từ, tài liệu dẫn đến phát hiện những sai sót nhằm ban hành ấn định thuế, xử phạt và nhiều hậu quả pháp lý xấu kéo theo.
Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp (ở đây là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu minh bạch, có ý thức tuân thủ pháp luật) có thể đạt được lợi ích từ nhận thức chuyển từ "bị/phải kiểm tra sau thông quan" bằng thái độ "được kiểm tra sau thông quan", như là một dịp "đánh giá có trọng điểm".
Khi doanh nghiệp có thể vượt qua cuộc khảo nghiệm với những quy định phức tạp của pháp luật được vận dụng trong một cuộc kiểm tra, bản thân doanh nghiệp sẽ có cái nhìn tổng thể, bao quát từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm.
Có những bài học phải trả giá bằng việc khai sai, phải khai lại cho đúng, chấp nhận nộp thuế, chậm nộp và phạt vi phạm hành chính nếu có. Có những bài học là do thiếu hiểu biết, chưa tìm hiểu đầy đủ về văn bản quy phạm pháp luật, qua cuộc kiểm tra biết các kênh khai thác văn bản pháp luật, cập nhật văn bản, áp dụng kịp thời.
Có những bài học do cách làm, cách lưu trữ, phản ánh các chứng từ chưa đầy đủ dẫn đến không đủ căn cứ, để sau mỗi cuộc kiểm tra chủ Doanh nghiệp sẽ phải có phương án bố trí lại hệ thống sổ sách, phương án điều hành sản xuất doanh nghiệp khoa học hơn, dễ quản lý, dễ tra cứu nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý của chính doanh nghiệp mình... Cụ thể:
Nâng cao tính chủ động khai báo và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp
Theo quy định của pháp luật người khai Hải quan phải tự khai báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp của toàn bộ các chứng từ, tài liệu, thông tin do họ xuất trình, cung cấp cho cơ quan Hải quan. Trên cơ sở những chứng từ, tài liệu, thông tin đó, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra việc khai báo áp mã, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và kiểm tra trị giá hải quan của doanh nghiệp, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện điều chỉnh, ấn định nếu có sai sót trong việc khai báo của doanh nghiệp. Việc kiểm tra sau thông quan chính là đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp về quy định khai đúng, khai đầy đủ so với chứng từ tài liệu liên quan, thực tế hàng hóa và chịu trách nhiệm về nội dung khai báo của mình.
Cơ quan Hải quan nhận thấy việc kiểm tra sau thông quan chính là một trong những kênh thông tin giúp họ đánh giá được mức độ tuân thủ thực tế của doanh nghiệp.
Qua đó, giúp cơ quan Hải quan xây dựng bộ chỉ số đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, áp dụng chế độ quản lý rủi ro, phân luồng tờ khai, phân luồng hồ sơ hoàn thuế áp dụng cho trong khâu thông quan.
Do vậy, những "đánh giá có trọng điểm" sẽ xác định "Doanh nghiệp có khả năng vi phạm nhiều hay ít, phân biệt những vi phạm dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng hay những sai sót nhỏ không nghiêm trọng". Từ đó, "xác định những lỗ hổng pháp lý mà doanh nghiệp lợi dụng lách luật hay những bất cập của văn bản pháp quy cần cải cách, sửa bỏ giúp hoàn thiện thể chế giám sát quản lý về hải quan của Nhà nước".
Nâng cao tính chủ động, tích cực tiếp nhận một cuộc kiểm tra.
Đối với doanh nghiệp, việc chuẩn bị tiếp nhận một cuộc kiểm tra sau thông quan như vượt qua một cuộc sát hạch. Sau khi nhận được thông báo của cơ quan Hải quan về việc tiến hành kiểm tra sau thông quan doanh nghiệp nên tìm hiều kỹ về những giấy tờ, tài liệu, các bảng biểu đề nghị cung cấp mà cơ quan Hải quan sẽ xem xét.
Một bước chuẩn bị quan trọng là phải đánh giá mức độ liên quan của từng bộ phận, phòng ban của doanh nghiệp đến các hoạt động xuất nhập khẩu (ví dụ: Phòng Xuất nhập khẩu, Phòng Kế toán, Bộ phận trợ lý giám đốc, Bộ phận Kho, Phân xưởng, Công trường... ). Lý tưởng nhất là doanh nghiệp có thể xác định các vấn đề và chủ động kiểm soát, liên kết tất cả trước khi cuộc kiểm tra bắt đầu.
Có một điều lưu ý rằng cuộc kiểm tra sẽ có ảnh hưởng ít hoặc nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc kiểm tra nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào: quy mô hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, phạm vi kiểm tra và nội dung kiểm tra, mức độ chuẩn bị của doanh nghiệp cho việc đánh giá, mức độ hợp tác và năng lực của các bên và cả những yếu tố khách quan (liên quan việc xác minh tới bên thứ 3, bất khả kháng…).
Kết quả sau mỗi cuộc kiểm tra sau thông quan
Đạt tới sự kiểm soát tốt hơn, hướng tới sự tự nguyện tuân thủ pháp luật. Cùng với sự chuẩn bị kiểm tra cũng như trong và sau quá trình kiểm tra sau thông quan, doanh nghiệp sẽ thu được những lợi ích, tuy khó "nhìn thấy", song cũng rất "thiết thực":
- Là cơ hội tự đánh giá nhằm tối ưu hóa công tác quản lý doanh nghiệp, đặc biệt hữu ích đối với chủ doanh nghiệp.
Thông qua kiểm tra họ sẽ nhận thức được những mặt tốt cần phát huy, những lỗ hổng cần khắc phục trách để xảy ra sai sót kéo dài (đặc biệt đối với trường hợp chủ doanh nghiệp không cố tình gian lận vi phạm, nhưng do lỏng lẻo trong quản lý, thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến cấp dưới cố tình hoặc vô ý làm sai nhưng gây ra hậu quả chủ doanh nghiệp phải chịu);
- Cơ hội để liên kết những quy trình, những bộ phận, cá nhân và cả thông tin trong nội bộ doanh nghiệp (để thỏa mãn những yêu cầu xuất trình, chứng minh của cơ quan Hải quan).
Sau kiểm tra doanh nghiệp sẽ nhận thấy còn thiếu sót trong việc liên kết giữa Phòng Xuất nhập khẩu với Phòng Kế toán (do các chứng từ hạch toán chi phí liên quan đến lô hàng nhập khẩu chỉ đưa về Phòng Kế toán mà không liên kết với Phòng Xuất nhập khẩu để thực hiện khai bổ sung một số khoản phí có liên quan do Công ty Logictis thu hộ hãng tàu dẫn đến khai thiếu khoản phải cộng, khai sai trị giá hải quan); Hoặc thiếu sự liên kết giữa Phòng Xuất nhập khẩu với Bộ phận Kho hàng (dẫn đến hàng hóa nhập kho không đúng chủng loại, thừa thiếu so với khai báo hải quan); Hoặc thiếu sự liên kết giữa Phòng Kế toán với Bộ phận xưởng sản xuất (dẫn đến lượng phế liệu dư thừa thu gom không được hạch toán vào Sổ kế toán)…
Tất cả các nguyên nhân thiếu sự liên kết giữa các phòng ban, các bộ phận trong doanh nghiệp đã dẫn đến vi phạm, khai báo Hải quan sai so với thực tế, làm thiếu số tiền thuế phải nộp, bị ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính.
Hiểu rõ điểm yếu này chủ danh nghiệp sẽ phải cải thiện tình trạng và đưa ra biện pháp thích hợp để tạo mối gắn kết giữa các bộ phận có liên quan, đề xuất phương án quản lý hữu ích cho chính doanh nghiệp mình;
- Cơ hội nhận biết và giảm thiểu những rủi ro trong việc tuân thủ pháp luật, từ đó tránh những nguy cơ phải nhận những hậu quả pháp lý tiêu cực;
- Cơ hội để được biết đến các kênh thông tin khai thác các văn bản pháp luật mới, kịp thời áp dụng vào loại hình XNK của doanh nghiệp mình, tránh việc bỏ sót văn bản do trình độ nghiệp vụ yếu của một bộ phận nhân viên còn hạn chế;
- Cơ hội để được tham vấn trực tiếp về các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp mình: về loại hình xuất nhập khẩu, chính sách mặt hàng, chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp ưu tiên để có kế hoạch phát triển, về chính sách thuế, giải đáp vướng mắc, tiếp thu các kiến nghị bất cập về chính sách pháp luật để đề nghị sửa đổi, bổ sung thậm chí là bãi bỏ các thủ tục hành chính trong thời gian tới để phù hợp với góc độ giám sát quản lý về hải quan và hiện trạng vấn đề…;
Với góc nhìn mới từ sau mỗi cuộc kiểm tra sau thông quan, thời gian vừa qua Chi cục Kiểm tra sau thông quan Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã có những tín hiệu đáng mừng là thay bằng việc đơn vị sàng lọc dấu hiệu vi phạm để lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan, một số doanh nghiệp phát hiện dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp mình (do phát hiện bỏ sót một số văn bản quy phạm pháp luật) đã chủ động làm công văn đề nghị được kiểm tra sau thông quan.
Với những trường hợp này Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã chủ động tiếp nhận thông tin, rà soát hồ sơ tài liệu do doanh nghiệp cung cấp, xác định mức độ vi phạm và quyết định kiểm tra sau thông quan. Qua đó, giúp doanh nghiệp thẩm định kết quả rà soát hồ sơ của mình, hướng dẫn khai báo bổ sung, ấn định số thuế còn thiếu.
Quá trình kiểm tra doanh nghiệp đã rất hợp tác cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh giúp cuộc kiểm tra được tiến hành nhanh gọn, rút ngắn thời gian kiểm tra.
Kết thúc kiểm tra doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan hải quan, thu nộp đủ số tiền thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Không để phát sinh nợ thuế là bước tiến mới trong công tác tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật của Chi cục Kiểm tra sau thông quan đối với vấn đề "nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu".
Góc nhìn mới ở đây được đề cập đến mục đích thực sự của hoạt động kiểm tra sau thông quan là: Tuyên truyền, phổ biến đến doanh nghiệp về pháp luật Hải quan, pháp luật Thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, chính sách đối với doanh nghiệp ưu tiên; giới thiệu về các Tổ hỗ trợ, Tổ tư vấn của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh để doanh nghiệp liên lạc khi cần thiết; Tiếp nhận các vướng mắc, bất cấp, đề nghị sửa bỏ, bổ sung… qua đó doanh nghiệp nhận được sự thuận lợi khi làm thủ tục Hải quan tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh;
Sau đó là mục đích về phát hiện thiếu xót và ngăn ngừa các hành vi vi phạm để góp phần tạo một môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp XNK qua địa bàn tỉnh.