Gói 30.000 tỷ đồng, chậm giải ngân đã không còn là... ưu đãi
(Tài chính) Sau gần 9 tháng triển khai, gói hỗ trợ thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 1.200 tỷ đồng, tương đương 4%. Nguyên nhân của sự chậm trễ trên là do các cơ quan chức năng đang đẩy quả bóng trách nhiệm sang chân người khác.
Đùn đẩy trách nhiệm
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2013, gồm 2 phần: phần dành cho người dân chiếm 70%, tương đương 21.000 tỷ đồng; phần dành cho doanh nghiệp là 30%, tương đương 9.000 tỷ đồng.
Theo đó, để vay được tiền, người dân có nhu cầu phải làm 2 thủ tục xác nhận, một là xác nhận người thu nhập thấp; hai là không có chỗ ở hoặc ở dưới 8 m2/người. Sau thời gian khá dài triển khai, khó khăn bộc lộ rõ nhất là việc chính quyền địa phương không biết được người dân có nhà ở hay không, chật hay rộng, và điều bất khả thi là không thể xác định được thu nhập của người có nhu cầu vay.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp sửa đổi quy định theo hướng cho phép được dùng chính căn hộ hình thành trong tương lai để thế chấp vay mua nhà. Bộ cũng đang kiến nghị cho phép người dân chỉ cần xin xác nhận hiện trạng nhà ở theo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, mà không phải xác nhận thu nhập.
Đối với doanh nghiệp, điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn, là phải triển khai xây nhà ở xã hội, hoặc xin chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Nhưng một thực tế cũng đang tồn tại đó là, sau khi có quy định được phép chuyển đổi dự án theo thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng từ tháng 4/2013, đến nay, chỉ tính riêng tại Hà Nội, mới chỉ có 2 trong số gần 70 doanh nghiệp có quyết định chuyển đổi, còn lại đang trong giai đoạn xét duyệt.
Giải thích lý do chậm trễ trên, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện quỹ nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và ngay cả nhà ở thương mại diện tích dưới 70 m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng đồng thời cũng cho rằng, việc giải ngân gói 30.000 tỷ không hoàn toàn phụ thuộc mình Bộ Xây dựng. Trên thực tế, Bộ Xây dựng không được giữ nguồn tiền, mà chỉ là nơi thẩm định các dự án đủ điều kiện để giới thiệu sang ngân hàng.
Về phần mình, các ngân hàng thương mại được chỉ định thực hiện nhiệm vụ này lại cho rằng, tình trạng giải ngân chậm là do nguồn cung nhà ở xã hội chưa nhiều, hơn nữa các ngân hàng cũng phải rà soát sao cho đủ thủ tục pháp lý rồi mới tiến hành giải ngân. Họ cũng phải chọn cách luôn nắm “đằng chuôi”, nhất là khi gánh trọng trách quản lý nguồn tiền Chính phủ giao, bởi vậy cứ đúng và đủ thủ tục mới giải quyết được.
Không còn là ưu đãi
Theo quy định, gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng của Chính phủ sẽ được triển khai trong 3 năm (2013 - 2015), như vậy, đến thời điểm hiện tại đã đi được 1/3 quãng đường. Tuy nhiên, với sự chậm trễ giải ngân như trên, mới đây, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã lên tiếng “đòi” Bộ Xây dựng trả lại gói hỗ trợ này để dùng vào việc khác hiệu quả hơn.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, vướng mắc nhất hiện nay trong thực hiện thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ vẫn chưa được giải quyết, đó là quy định cơ quan, hoặc chính quyền địa phương phải xác nhận tình trạng nhà ở của người vay vốn. Theo ông Nghĩa, cơ quan hay chính quyền địa phương chỉ cần xác nhận thu nhập, nơi cư trú của người vay vốn là được.
“Nếu quy định này không được sửa đổi theo hướng đó, thì dù lãi suất có tiếp tục hạ thêm nữa, thời hạn cho vay vốn có kéo dài hơn nữa, thì chúng ta vẫn tắc”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đề xuất, trong phân khúc nhà ở xã hội nên tách làm 2 nhóm: Nhóm 1 là những người có thu nhập quá thấp không thể mua nhà, kể cả nhà có giá 300 - 500 triệu đồng/căn, nên Nhà nước phải hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho thuê với giá rẻ. Nhóm 2 là nhà ở xã hội theo tiêu chuẩn hiện nay, phục vụ những người có thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở nhưng chưa thể mua nhà vì chưa đủ tiền tích Nhóm này, nếu có cơ chế, họ có thể vay và trả cả gốc lẫn lãi.
Nói về lãi suất cho vay của gói 30.000 tỷ đồng, ông Ánh cũng cho rằng, mức lãi suất cho vay cần được điều chỉnh theo năm mới thực sự công bằng cho người đi vay. Bởi mức lãi suất 6%/năm trong năm 2013 được xem là hợp lý, là ưu đãi, nhưng sang năm 2014, giả sử lạm phát giảm, thậm chí xảy ra hiện tượng giảm phát, thì mức lãi suất này lại là cao, không còn ưu đãi... Khi đó, người đi vay sẽ chịu thiệt. Điều này đã đúng khi đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định kể từ ngày 18/3, trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ giảm xuống còn 6%/năm, thay vì mức 7%/năm trước đây.