Gói 30.000 tỷ đồng có phải cạnh tranh?

Hải Hà

(Taichinh) - Mặc dù gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản đã triển khai hơn 2 năm, nhưng đến nay, vẫn chậm giải ngân, vướng mắc đủ đường... Ở một góc nhìn khác, mỗi ngân hàng đều tung ra gói tín dụng ưu đãi cho người mua nhà thì gói 30.000 tỷ đồng có bị cạnh tranh?

Số dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng tăng lên và dòng tiền chủ yếu dồn vào lĩnh vực này. Nguồn: internet
Số dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng tăng lên và dòng tiền chủ yếu dồn vào lĩnh vực này. Nguồn: internet

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng), vừa chia sẻ, sau hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, tốc độ giải ngân từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tăng lên. Cụ thể, đến ngày 31/5/2015, tổng số tiền mà ngân hàng cam kết cho đối với khách hàng là 14.161 tỷ đồng, đạt gần 50% quy mô gói tín dụng này.

Đẩy mạnh giải ngân

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong 14.161 tỷ đồng cam kết cho vay, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân chiếm tới 18.062 trường hợp, với tổng số tiền 8.817 tỷ đồng. Còn cam kết cho chủ đầu tư dự án vay chỉ đạt 5.344 tỷ đồng tại 37 dự án. Dù tốc độ giải ngân đã tăng gấp đôi so với tháng 8/2014, song thực tế số vốn giải ngân được vẫn khá thấp, khoảng 7.621 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân và hộ gia đình được giải ngân 5.520 tỷ đồng và 33 dự án được giải ngân 2.101 tỷ đồng. Theo ông Hà, gói 30.000 tỷ đồng bị chậm do nhiều khó khăn, vướng mắc về các điều kiện vay vốn, điều kiện giải ngân… Chẳng hạn, quy định người vay vốn từ gói này phải có hợp đồng mua hoặc thuê mua đã ký với chủ đầu tư, tức là dự án đủ điều kiện bán hàng. Nhưng, hiện rất ít dự án đủ điều kiện được vay gói 30.000 tỷ đồng (diện tích nhỏ dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2hoặc dưới 1,05 tỷ đồng).

Về phía chủ đầu tư, nợ xấu đang là rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng nên cũng không thể vay được gói 30.000 tỷ đồng. Một vướng mắc khác là, yêu cầu người vay phải có vốn tối thiểu không vượt quá 20% tổng số tiền vay, chủ đầu tư dự án có đủ vốn tối thiểu không vượt quá 30% tổng số tiền vay. Hơn nữa, khách hàng vay vốn phải đáp ứng các điều kiện của ngân hàng, như: nguồn trả nợ, khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm...tránh phát sinh nợ xấu.

Người dân vay mua nhà ở thương mại còn bị vướng ở điều kiện chứng minh thu nhập thấp dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân... Vấn đề này, theo ông Hà, do cách hiểu và vận dụng chưa đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ xây dựng và Ngân hàng nhà nước. Đối tượng này không phải xác nhận về tình trạng thu nhập, không phải chứng minh mức thu nhập có thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Hiện, Bộ đang tháo gỡ vướng mắc này.

Nhưng, trong thời gian chờ cơ quan chức năng xử lý gỡ vướng thì hồ sơ của nhiều khách hàng mua nhà ở thương mại vẫn bị "mắc kẹt" chưa được ngân hàng chấp thuận giải ngân.

Dồi dào tín dụng cho BĐS

Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm 2015 cả nước đã có hơn 14.000 giao dịch nhà ở, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thị trường bất động sản có những dấu hiệu khả quan hơn. "Sau chu kỳ khủng hoảng, giá BĐS đã được điều chỉnh về mức tương đối hợp lý, có nhích lên một chút. Số dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng tăng lên và dòng tiền chủ yếu dồn vào lĩnh vực này" - Ông Nam cho biết.

Thứ trưởng Nam cũng dẫn chứng số liệu quý I/2015 của lĩnh vực BĐS đạt 330.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 4 năm trước. Chỉ 3 tháng đầu năm 2015, tín dụng BĐS đã tăng 10,3% so với cuối năm 2014, dư nợ xấu và tồn kho BĐS giảm nhanh..

Những tín hiệu tích cực của thị trường đã khiến ngân hàng quan tâm, bơm vốn cho dự án BĐS, hỗ trợ vốn vay mua nhà. Song, nghịch lý là nguồn cung dự án nhà ở xã hội, nhà thương mại đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng hiện rất ít, chưa có dự án mới. Trong khi đó, nửa đầu năm, tại Hà Nội đã khoảng có 12 dự án nhà ở được khởi công và mở bán hàng. Đơn cử: Handico Lê Văn Lương, Tràng An Complex, CT1A và CT1B Nghĩa Đô, FLC Complex 36 Phạm Hùng, Goldmark City, Goldsilk Complex, HomeCity Trung Kính, CT36 Dream Home, Tòa C Goldsilk (Vinaconex 2)…

Tín dụng ngân hàngcũng “bơm” mạnh vào các dự án này, vừa cho vay chủ đầu tư, vừa cho vay mua nhà. Đơn cử, hai dự án gây “sốt” là Goldmark City (số 136 Hồ Tùng Mậu, Quận Bắc Từ Liêm) và Goldsilk Complex (430 Cầu Am, quận Hà Đông) được Ngân hàng MaritimeBank tài trợ vốn vay mua nhà, cam kết tiến độ dự án. Lãi suất vay rất thấp, chỉ từ 4,99%/năm đầu hoặc 7,99%/năm thứ 2 kèm nhiều ưu đãi khác…Hay trường hợp dự án HomeCity Trung Kính được ngân hàng MB tài trợ vốn và cho vay mua nhà lên tới 70% giá trị căn hộ, lãi suất hấp dẫn, linh hoạt trả nợ… Tại các dự án này đều có sản phẩm căn hộ nhỏ, giá chỉ từ 1,5-1,7 tỷ đồng/căn.

Hiện nay, các ngân hàng giới thiệu cả gói tín dụng thương mại và gói 30.000 tỷ đồng để khách hàng lựa chọn. Nhưng, các điều kiện vay gói tín dụng thông thường dễ dàng hơn, lãi suất chỉ nhỉnh hơn 2-3% so với gói 30.000 tỷ đồng, và không bị hạn chế chuyển nhượng nhà… Trong tình hình dự án nhà ở thương mại, nhà xã hội còn quá ít ỏi, điều kiện vay vốn khó khăn, thủ tục xét duyệt phức tạp… không ít khách hàng đã chuyển hướng sang vay thương mại do hết kiên nhẫn chờ duyệt vay gói 30.000 tỷ đồng.