Gói hỗ trợ 40.000 tỷ tác động ra sao đến thị trường bất động sản?

Theo Diệu Hoa/diendanbatdongsan.vn

Theo đại diện Bộ Xây dựng, gói hỗ trợ chung 40.000 tỷ đồng và 15.000 tỷ đồng cho nhà ở sẽ không gây nóng sốt thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Quốc hội mới đây đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng trong 2 năm (2022 - 2023), trong đó có gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất về gói hỗ trợ cho người vay mua, vay thuê mua nhà dự kiến 15.000 tỷ đồng.

Đã có những lo ngại các gói hỗ trợ trên sẽ làm nóng thị trường bất động sản, tuy nhiên ông Khởi cho biết, các gói hỗ trợ trên có thể tác động đến thị trường bất động sản nhưng sẽ không lớn. Cụ thể, với lo ngại các “cò đất” mượn thông tin để đẩy thị trường, theo ông Khởi, gói hỗ trợ trên tập trung chủ yếu cho các ngành, hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu.

Với bất động sản sẽ tập trung vào 3 loại hình chủ yếu là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Trong đó gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng là cho toàn ngành kinh tế, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất dành một phần cho các doanh nghiệp đầu tư vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng 3 loại hình đã nêu. Với gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng mà Bộ đề xuất sẽ tập trung vào người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

"Có thể nói, việc bình ổn thị trường bất động sản căn cơ nhất là kiểm soát dòng tiền, mà dòng tiền từ các gói hỗ trợ trên sẽ chỉ tập trung cho các loại hình sản xuất, kinh doanh thiết yếu" - ông Khởi cho biết.

Đối với nhà ở xã hội cho công nhân tới đây Bộ Xây dựng sẽ có yêu cầu các địa phương ra soát lại các dự án hiện nay đang triển khai mà có nhu cầu vốn hoặc sẽ triển khai nhưng phải đủ điều kiện thực hiện trong hai năm tới.

Ông Khởi cho biết, các dự án được hưởng gói ưu đãi trên chắc chắn không phải dự án đang làm thủ tục chuẩn bị mà phải là các dự án đã xong thủ tục và có thể sẽ khởi công vào giữa năm hoặc cuối năm nay, để có thể thúc đẩy chuyển tiền vào thực hiện dự án trong giai đoạn hai năm 2022 – 2023. Đặc biệt là các dự án đang triển khai và sớm hoàn thiện để có thể hỗ trợ cho người mua nhà tiếp cận gói vay.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng bổ sung thêm, một trong những giải pháp mạnh để bình ổn thị trường là công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, về dự án, pháp lý dự án đã đủ điều kiện mở bán hay chưa... cho người dân, khách hàng dễ dàng tìm hiểu.

Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó sẽ có những quy định để các địa phương cung cấp thông tin làm thế nào để có thể liên thông các địa phương lên Bộ Xây dựng kịp thời hơn, nhanh chóng thông tin về quy hoạch, các dự án đủ điều kiện mở bán...

“Có như vậy thị trường mới có thể bình ổn, lành mạnh và tránh các đợt sốt đất như thời gian qua” – ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh.