Gói vay 120.000 tỷ đồng: Rào cản từ nguồn vốn và lãi suất
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng giải quyết áp lực về cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng nguồn vốn và lãi suất là rào cản đối với phía cho vay và bên vay mua nhà.
Ngày 11/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi 1,5% đến 2% so với lãi suất thị trường.
Theo đó, thị trường sẽ được cấp khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.
Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận quan điểm và mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP là cấp thiết trong chuỗi giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tuy nhiên, Nghị quyết hiện chỉ mới là đường hướng, cần có thời gian để đi vào thực tiễn và cần sự quyết tâm của nhiều chủ thể tham gia. Trong đó, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể thuận lợi đối với số ít người, nhưng cũng không dễ đối với cả bên cho vay (ngân hàng) lẫn bên vay (doanh nghiệp, người mua nhà).
Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, chủ trương chương trình gói tín dụng này là rất tốt, nhưng quan trọng là các ngân hàng triển khai như thế nào với mặt bằng lãi suất ưu đãi cam kết. Với 120.000 tỷ đồng, tương đương mỗi ngân hàng cho vay 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5% đến 2%, các ngân hàng này sẽ phải hi sinh NIM, một phần lợi nhuận, trong khi họ cũng phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông, cũng như trách nhiệm trước Nhà nước, là cổ đông lớn nhất về mặt kinh doanh, lợi nhuận, đặc biệt là quản trị rủi ro. Sản phẩm cho vay phải là trung và dài hạn đối với doanh nghiệp phát triển nhà ở và dài hạn, từ 20 năm đến 25 năm, đối với người mua nhà, trong khi nguồn vốn trung và dài hạn của hầu hết các ngân hàng thương mại nước ta còn khá là eo hẹp.
Bên cạnh đó, bản chất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này là cho vay thương mại, không phải hỗ trợ, nên Ngân hàng Nhà nước không thể tái cấp vốn. Bởi khi ngân Nhà nước tái cấp vốn, nghĩa là bơm tiền ra nền kinh tế, dẫn tới cung tiền M2 tăng sẽ tác động đến lạm phát.
“Riêng việc cấp bù lãi suất cũng phải đến cả nghìn tỷ đồng lãi suất. Như vậy, mỗi ngân hàng phải hi sinh vài trăm tỷ đồng mỗi năm cho việc cấp bù khoản vay này, kéo dài trong nhiều năm. Ngân hàng sẽ lấy nguồn vốn từ đâu để cấp bù lãi suất? Trả lời được câu hỏi này sẽ tính được mức độ khả thi của gói tín dụng”, TS. Lê Duy Bình chia sẻ.
Hơn nữa, với mặt bằng chung lãi suất huy động cao đẩy lãi suất cho vay cao theo như hiện nay, thì mức giảm đến 2% cũng vẫn là vượt tầm với đối với nhiều người thuộc diện được mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Về phía các doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở cũng gặp khó vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, thậm chí còn đang chật vật trả nợ trái phiếu đến hạn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho biết, để triển khai gói vay này với thời hạn 5 năm, 10 năm hoặc lên đến 20 năm, các ngân hàng phải dùng vốn huy động ngắn hạn, điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Lý giải về việc ngân hàng khó hạ lãi suất trong giai đoạn này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro lớn trước áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, nợ xấu tăng cao, vì vậy, các ngân hàng phải tăng lãi suất để bù trừ rủi ro bên cạnh chính sách tiền tệ ưu tiên kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
“Gói vay này có thì tốt đối với thị trường bất động sản và kinh tế - xã hội, nhưng để thực thi được thì rất khó, cho cả ngân hàng và cả bên đi vay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.