Thị trường chứng khoán phái sinh vận hành đúng với quy luật khách quan và phù hợp với xu hướng thế giới
Thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh ra đời với kỳ vọng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro, cải thiện cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức, thúc đẩy thanh khoản trên TTCK cơ sở.
Đánh giá về những thành quả của TTCK phái sinh sau một năm đi vào hoạt động (10/8/2017 -10/8/2018),TSKH. Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), khẳng định rằng TTCK phái sinh đã bước đầu thành công, gặt hái được những thành quả nhất định.
Phóng viên: Với tư cách là người đứng đầu HNX - đơn vị trực tiếp vận hành TTCK phái sinh, ông đánh giá như thế nào về những thành quả mà TTCK phái sinh đã đạt được sau một năm đi vào hoạt động?
Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội |
Thứ nhất, thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt. Các phân hệ của hạ tầng công nghệ phục vụ thị trường, bao gồm hệ thống giao dịch, hệ thống bù trừ và thanh toán thị trường, hệ thống công bố thông tin, vận hành thông suốt, ổn định và an toàn. Hoạt động giao dịch và trao đổi dữ liệu trên hệ thống giữa HNX, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) với các thành viên thị trường thực hiện ổn định, chính xác.
Hoạt động giám sát, báo cáo được thực hiện hàng ngày, thông tin thị trường hiển thị đầy đủ trên website của HNX và VSD đảm bảo chính xác, kịp thời và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Thứ hai, tăng trưởng của TTCK phái sinh rất tốt, vượt các kỳ vọng đặt ra. Trong một năm kể từ khi khai trương, TTCK phái sinh đã tăng trưởng rất tốt và ổn định (xem Bảng 1).
Thống kê dữ liệu cho thấy, tốc độ tăng trưởng về khối lượng giao dịch (KLGD) trên TTCK phái sinh đã liên tục tăng, tháng sau vượt quá tháng trước. Tính đến hết tháng 7/2018, tổng KLGD của thị trường đạt 9.487.986 hợp đồng.
KLGD bình quân tháng từ tháng 9/2017 đến tháng 6/2018 đạt mức tăng trưởng 35%. KLGD bình quân phiên cũng tăng trưởng ấn tượng. Năm 2017, KLGD bình quân phiên đạt 10.954 hợp đồng/ngày trong khi tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 7/2018, KLGD bình quân phiên là 58.613 hợp đồng/ngày, gấp 5,3 lần so với năm 2017.
Có thể thấy, TTCK phái sinh đã trở thành một kênh hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh TTCK cơ sở nhiều biến động. Khối lượng mở OI toàn thị trường năm 2018 ổn định và đạt 16.858 hợp đồng ngày 31/7/2018, gấp 2,1 lần so với thời điểm cuối năm 2017.
Đặc biệt thị trường có KLGD tăng đột biến từ tháng 5/2018 khi TTCK cơ sở có biến động mạnh. Tháng 7 cũng là tháng có khối lượng mở OI đạt giá trị cao nhất (tính đến ngày 25/7/2018) đạt 18.569 hợp đồng.
Thứ ba, TTCK phái sinh Việt Nam, mặc dù còn non trẻ, nhưng cũng đã vận hành theo đúng quy luật khách quan và tự nhiên của các thị trường phái sinh quốc tế.
TTCK phái sinh bản chất là thị trường nhằm phòng ngừa rủi ro cho hoạt động đầu tư trên các mảng thị trường khác, bao gồm cả TTCK cơ sở cũng như thị trường hàng hóa.
Khi giá thị trường của tài sản cơ sở bị sụt giảm, thì các nhà đầu tư thay vì bán danh mục tài sản cơ sở để cắt lỗ, họ sẽ đóng các vị thế bán trên thị trường phái sinh để hiện thực hóa lợi nhuận, bù đắp cho phần giá trị thiệt hại của danh mục tài sản cơ sở. Điều này sẽ làm giảm áp lực bán ra trên thị trường cơ sở, giảm quy mô và mức độ sụt giảm trên thị trường này.
Đối với các nhà đầu cơ, khi thị trường cơ sở sụt giảm, cơ hội kiếm lời trên thị trường này không còn, thì họ sẽ tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK phái sinh, vì thị trường phái sinh cho phép họ kiếm lợi ngay cả khi thị trường cơ sở sụt giảm.
Điều đó giải thích tại sao thanh khoản của TTCK phái sinh thông thường sẽ tăng rất mạnh trong các giai đoạn thị trường cơ sở rung lắc, biến động. Đây cũng chính là phản ứng tự điều chỉnh của thị trường, giúp trấn an và ổn định tâm lý của nhà đầu tư.
TTCK phái sinh là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, để tránh tình trạng họ tháo chạy khỏi TTCK khi thị trường cơ sở sụt giảm. Dữ liệu thực tế tại tất cả các thị trường quốc tế đều cho thấy, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, thì thanh khoản trên thị trường phái sinh lại tăng mạnh, ngược lại khi thị trường cơ sở tăng điểm trở lại, thì thanh khoản trên thị trường phái sinh lại giảm.
Ngoài những thành quả mà TTCK phái sinh đã đạt được trong năm qua, trên thực tế sau một năm vận hành thị trường, theo ông đâu là hạn chế của TTCK phái sinh cần phải được khắc phục?
Điểm hạn chế của TTCK phái sinh cũng là điểm yếu của TTCK Việt Nam chính là cơ sở nhà đầu tư. Hiện có tới trên 90% nhà đầu tư trên thị trường cơ sở là nhà đầu tư cá nhân, 95% nhà đầu tư trên thị trường phái sinh cũng là nhà đầu tư cá nhân. Đây là thách thức lớn cho TTCK Việt Nam nói chung.
Với nền tảng nhà đầu tư chủ yếu là cá nhân, thì yếu tố đầu cơ luôn là chủ đạo. Cần lưu ý vấn đề này đã và đang xảy ra ở cả TTCK cơ sở của chúng ta, chứ không chỉ trên TTCK phái sinh. Tuy nhiên, nhà đầu tư nào cũng cần phải được tôn trọng và cần tạo điều kiện để tham gia thị trường.
Nhà đầu tư ngắn hạn hay còn gọi là đầu cơ tạo thanh khoản cho thị trường, trong khi nhà đầu tư dài hạn (đầu tư theo giá trị) tạo xu hướng bền vững cho thị trường. Nhưng nhà đầu tư dài hạn thông thường cũng dành một tỷ trọng vốn nhất định để đầu cơ. Hai nhóm nhà đầu tư này, thực chất là hai loại hình giao dịch này, đan xen nhau, hỗ trợ cho thị trường phát triển.
Không một thị trường nào có thể phát triển được nếu không có các nhà đầu cơ. Nếu không có các nhà đầu tư ngắn hạn, thì thị trường sẽ kém thanh khoản. Nếu thị trường kém thanh khoản, thì các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư giá trị sẽ không tham gia, từ đó dần dần làm thị trường thứ cấp mất thanh khoản.
Quan trọng hơn, nếu thị trường thứ cấp thiếu thanh khoản, thì thị trường sơ cấp không thể tăng trưởng, dẫn đến triệt tiêu kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tính bền vững của thị trường sẽ không bảo đảm (sự rung lắc của thị trường sẽ nhiều hơn) nếu như tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức đạt giá trị thấp.
Trên thị trường phái sinh, hoạt động đầu cơ và hoạt động phòng ngừa rủi ro (hedging) đan xen nhau. Một trong những chỉ tiêu so sánh về hoạt động đầu cơ ngắn hạn và hoạt động phòng ngừa rủi ro có thể dựa trên tỷ lệ KLGD/khối lượng hợp đồng mở.
Qua so sánh với các thị trường quốc tế đã phát triển trong khu vực cho thấy tỷ lệ này dao động trong khoảng từ 15 tới 60 lần, thậm chí trong những thời kỳ thị trường cơ sở sụt giảm mạnh thì tỷ lệ này còn lớn hơn rất nhiều. Tại Việt Nam, từ khi khai trương TTCK phái sinh vào tháng 8/2017 tới tháng 4/2018, tỷ lệ này dao động từ 27- 60 lần.
Tuy nhiên, cá biệt trong giai đoạn thị trường cơ sở biến động mạnh (tháng 5- 6/2018), thì tỷ lệ này cũng đã lên tới hàng trăm lần. Điều này cho thấy, sự vận hành của TTCK phái sinh Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan và tự nhiên của TTCK phái sinh quốc tế.
Trong thời gian tới, HNX có những đề xuất gì đối với cơ quan quản lý về các giải pháp hỗ trợ, đa dạng hóa sản phẩm, vận hành TTCK phái sinh phát triển theo định hướng là chức năng phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư, phát triển nhà đầu tư có tổ chức tham gia TTCK phái sinh và tiến tới phòng ngừa rủi ro đối với các hàng hóa khác trong nền kinh tế, thưa ông?
Để cải thiện chất lượng cơ sở nhà đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức, tạo nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của TTCK phái sinh nói riêng và TTCK nói chung thì các vướng mắc pháp lý, chính sách phát triển thị trường cần phải được tháo gỡ. Cụ thể như sau:
Thứ nhất,trên cơ sở các quy định của Nghị định 42, Thông tư 11, cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu và hướng dẫn các công ty chứng khoán (CTCK)mở cho các nhà đầu tư tổ chức (các quỹ đầu tư trong và ngoài nước) tài khoản ký quỹ đứng tên họ theo yêu cầu của các tổ chức đầu tư, thay vì thực hiện ký quỹ trên tài khoản tổng đứng tên CTCK, từ đó loại bỏ tâm lý không yên tâm về việc tài sản ký quỹ bị lạm dụng bởi các CTCK. Ngoài ra, cần hướng dẫn ngân hàng lưu ký thực hiện việc đối soát tài sản ký quỹ của các quỹ đầu tư với ngân hàng thanh toán quản lý tài khoản ký quỹ của khách hàng.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, cần thúc đẩy mạnh việc đào tạo cho nhà đầu tư khi tham gia TTCK phái sinh. Thị trường phái sinh có tính đòn bẩy cao. Đây chính là yếu tố dẫn tới các rủi ro tài chính rất lớn cho nhà đầu tư.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần kiểm tra, giám sát và có các biện pháp yêu cầu các CTCK có những cảnh báo, giải đáp đầy đủ về các rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia TTCK phái sinh. Vấn đề này cũng đã được đặt ra trong các quy định của Nghị định 42 và Thông tư 11 về TTCK phái sinh, vì vậy cần phải được cưỡng chế thực thi tốt.
Thứ hai, cần tiếp tục đa dạng hóa hàng hóa cho TTCK phái sinh, trước mắt là hợp đồng tương lai (HĐTL) trái phiếu chính phủ (TPCP). Đây sẽ là sản phẩm giao dịch chủ yếu hầu như chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức (các quỹ đầu tư và các ngân hàng), vì vậy sẽ tăng dần tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức cho thị trường phái sinh.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số VNX200 làm chỉ số cơ sở cho HĐTL chỉ số. Với chỉ số có nhiều cổ phiếu tham gia, sẽ có tính đại diện cao hơn. Với phương pháp luận có sự điều chỉnh, kỳ vọng chỉ số này sẽ bám sát và thể hiện đúng thực trạng thị trường hơn.
Thông lệ quốc tế cho thấy, các chỉ số cơ sở dùng cho hợp đồng phái sinh phải có tính đại diện cao để khó thao túng. Điển hình như bộ chỉ số KOSPI 200 của Hàn Quốc (với 200 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số); Nikkei-225 của Nhật Bản (với 225 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số); S&P 500 (với 500 mã cổ phiếu trong rổ); CIS 300 hoặc CSI 500 của Trung Quốc (với 300 hoặc 500 mã cổ phiếu trong rổ)...
Thứ ba, cần tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là các hành vi thao túng liên thị trường, bảo đảm tính toàn vẹn và kỷ luật thị trường. Bên cạnh đó, nguyên tắc hoạt động của thị trường cần phải được tôn trọng.
Nhà đầu tư phải được tạo điều kiện tối đa để được tự do kinh doanh và đầu tư theo khuôn khổ luật định. Đây là điểm quan trọng nhất. Bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực cho thấy, việc áp dụng các biện pháp hành chính, nóng vội trong các hoạt động của TTCK cũng đã để lại những hậu quả khó lường, thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều lần nếu như không triển khai.
Về định hướng dài hạn, đặt trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và biến động bất thường trong thời gian tới do ảnh hưởng của các yếu tố từ quốc tế. Việc tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của TTCK phái sinh nhằm phát huy vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro cho các tài sản cơ sở trong bối cảnh thị trường cơ sở có nhiều biến động, là rất cần thiết.
Trong lộ trình phát triển TTCK phái sinhđược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg(Quyết định 366) ngày 11/3/2014 về “phê duyệt đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam” đã nêu rõ giai đoạn 2016-2020 phát triển sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số chứng khoán, TPCP và cổ phiếu.
Quyết định 366 cũng định hướng giai đoạn sau năm 2020 sẽ từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch, tiến tới xây dựng một TTCK phái sinh thống nhất dựa trên tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế.
Thông lệ quốc tế cho thấy tài sản cơ sở của phái sinh rất đa dạng, bao gồm cả các sản phẩm phái sinh dựa trên chứng khoán, phái sinh dựa trên lãi suất, tiền tệ và phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở phi tài chính như nông sản, năng lượng, kim loại quý và kim loại không quý...
Đây vừa là tiềm năng, vừa là thách thức không nhỏ trong lộ trình phát triển TTCK phái sinh mà để phát triển được như thông lệ quốc tế, thì cần có sự thống nhất xuyên suốt về định hướng phát triển thị trường phái sinh nói chung hiện đang còn phân tán ở nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành khác nhau.
Xin trân trọng cảm ơn ông!