GS., TS. Trần Thọ Đạt: Mục tiêu kiểm soát lạm phát đã “vượt kế hoạch”

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Nhiều năm trước, lạm phát tăng cao luôn là nỗi lo thường trực trong công tác điều hành vĩ mô ở Việt Nam. Nhưng năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, lạm phát đã có dấu hiệu được “ghìm” cương. Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến nghị không nên chủ quan với lạm phát. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn GS., TS. Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân.

Phóng viên: Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã dự báo lạm phát sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm và nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ xấp xỉ 5%. Nếu lạm phát dừng ở mức này, ông có cho rằng đó là thành tích?

GS., TS. Trần Thọ Đạt: Mục tiêu kiểm soát lạm phát đã “vượt kế hoạch” - Ảnh 1
GS., TS. Trần Thọ Đạt,
Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân
GS., TS. Trần Thọ Đạt: Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2014 có sự khác biệt tương đối so với xu hướng chung của các năm trước. Lạm phát trong 6 tháng đầu năm ở mức 1,38%, thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Nếu so cùng kỳ năm 2013, CPI 6 tháng đầu năm 2014 là 4,98%. Mặc dù có 2 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, nhưng CPI tháng 7 vẫn duy trì đà tăng thấp (0,23%). Tính chung, 7 tháng đầu năm, CPI tăng 1,62% so với tháng 12-2013, tiếp tục là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dự báo, CPI tháng 8 chỉ tiếp tục tăng nhẹ.

Nếu không có gì đột biến từ nay đến cuối năm, khả năng CPI cả năm 2014 theo nhiều đánh giá hiện nay chỉ nằm ở mức 5%. Như vậy, trong khi mục tiêu “tăng trưởng 5,8%” của chúng ta đang gặp khá nhiều khó khăn, thì mục tiêu “kiểm soát lạm phát ở mức 7%” dường như đã “vượt kế hoạch”. Có thể nói đây là một điều đáng mừng “khá bất ngờ” trong diễn biến của các chỉ số kinh tế vĩ mô trong năm.

Nếu chúng ta giữ được lạm phát đến cuối năm chỉ ở mức 5% hoặc thấp hơn, trong khi tăng trưởng trên 5% thì năm 2014 trở thành một năm “hiếm hoi” trong lịch sử tăng trưởng - lạm phát của nền kinh tế nước ta trong 20 năm qua là có tăng trưởng cao hơn lạm phát.

Băn khoăn lớn nhất của ông về lạm phát của nước ta hiện nay là gì? Lạm phát thấp phải chăng đang phản ánh tổng cầu ở mức rất thấp?

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của ổn định kinh tế vĩ mô là ổn định được lạm phát. Mặc dù lạm phát của ta nếu giữ được ở mức 5% được coi là một thành tích thì ở các nước khác trong khu vực trong thời gian qua thường xuyên chỉ ở mức này, thậm chí còn thấp hơn. Một điểm đáng lưu ý là trong số các biến số kinh tế vĩ mô của nước ta thì lạm phát là một biến số có độ biến động lớn nhất trong thời gian qua. Sự biến động của lạm phát ở nước ta trong 10 năm qua theo tính toán cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực. Do vậy, việc đưa lạm phát ở mức 18% năm 2011 trở lại mức dự kiến có thể đạt được là 5% là một thành tích lớn, song kiểm soát được lạm phát ổn định ở mức này trong một thời gian dài hơn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều.

Nguyên nhân cơ bản của lạm phát đang thấp ở mức kỷ lục trong năm qua có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có tổng cầu hiện nay đang thấp, thể hiện ở tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng thấp hơn so với cùng kỳ, sức mua trên thị trường còn yếu cho thấy người dân vẫn còn lo lắng vào sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế, đầu tư tư nhân tính theo % GDP thấp hơn so với mức cùng kỳ năm trước. Cho đến nay, vẫn chưa thấy công bố mức tăng trưởng tín dụng đến tháng 7-2014, tuy nhiên tín dụng tăng thấp trong 6 tháng vừa qua cho thấy DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội lợi nhuận do chi phí vốn còn cao và khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, số DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động thời gian qua vẫn tăng so cùng kỳ 2013. Một điểm đáng lưu ý là việc sụt giảm mạnh lạm phát vừa qua diễn ra trong bối cảnh chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng, mặt bằng lãi suất giảm cũng chứng tỏ tổng cầu của nền kinh tế phản ứng yếu đối với các chính sách mở rộng.

Dù lạm phát đang ở mức thấp, song cơ quan quản lí cần làm gì để lạm phát không bùng phát trở lại như đã từng xảy ra, thưa ông?

Vẫn xuất hiện tiềm ẩn một số dấu hiệu đáng lo ngại của việc lạm phát gia tăng trở lại vào cuối năm. Trước hết, “kỳ vọng” lạm phát tăng vào cuối năm hiện tại không hề nhỏ. Điều đó là do một số nguyên nhân từ phía lạm phát “chi phí đẩy”, chẳng hạn giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ được điều chính tăng thêm từ nay đến cuối năm, tác động khó lường của mối quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ rơi nhiều hơn vào các tháng cuối năm do giá hàng nông sản không tìm được đường xuất khẩu sang Trung Quốc đã có mức giảm giá khá mạnh, đồng thời giá các mặt hàng chủ yếu là máy móc, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất nhập khẩu từ Trung Quốc có nguy cơ tăng là khá lớn khi chúng ta phải tìm kiếm từ các thị trường khác. Các yếu tố liên quan đến tác động “cầu kéo” đối với lạm phát từ nay đến cuối năm cũng đáng phải lưu tâm.

Khi nền kinh tế đang khá “trơ” với các biện pháp mở rộng tổng cầu, trong khi dư địa của chính sách tài khoá và tiền tệ vẫn còn khá dồi dào thì các cơ quan hoạch định chính sách sẽ đứng trước sức ép phải tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng hơn hơn nữa trong bối cảnh lạm phát đang thấp. Từ nay đến cuối năm, các khoản chi từ ngân sách sẽ được gia tăng, cộng thêm với sự “dồn toa” của tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tác động mạnh đến lạm phát.

Từ thực tế biến động của lạm phát trong thời gian qua ở nước ta cho thấy chúng ta thường ít kiên nhẫn trong việc kìm chế và kiểm soát lạm phát, ưu tiên dường như là dành cho tăng trưởng. Sau 1-2 năm giữ được lạm phát ổn định, nền kinh tế thường lại hay rơi vào trạng thái “thèm khát” tăng trưởng và dòng xoáy lạm phát - tỷ giá thường lại diễn ra. Đã đến lúc, các bài học kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cần được xem xét thận trọng hơn, nền kinh tế cần một trạng thái “tĩnh tương đối” để các chủ thể trong nền kinh tế có cơ hội nhìn nhận và xem xét các quyết định đầu tư và tiêu dùng một cách đầy đủ và toàn diện hơn trên cơ sở các tín hiệu của thị trường, tạo tiền đề cho việc tái cấu trúc lại nền kinh tế đúng hướng và trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.

Xin cảm ơn ông!