Gửi tiết kiệm là nơi "tạm trú"?
(Tài chính) Nhìn vào các kênh đầu tư phổ biến trong 3 tháng qua có thể thấy, chứng khoán sau nhiều ngày tăng đã có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm điểm và được dự báo sẽ không có đột biến lớn trong thời gian tới.
Kênh đầu tư nào cũng chứa đựng rủi ro lớn
Trong 3 tháng qua, chứng khoán là kênh có giá tăng cao nhất (tốc độ tăng đã tương đương với lãi suất tiết kiệm của hơn 2 năm). Tốc độ tăng của VN-Index trong chưa đầy 3 tháng qua đã xấp xỉ bằng tốc độ tăng cả năm của 2 năm trước đó (năm 2012 tăng 16,5%, năm 2013 tăng 23,2%, bình quân 1 năm tăng 19,8%) và đó là điều tiếc nuối lớn nhất đối với nhiều người có vốn đầu tư lớn. Nhưng thời gian gần đây, thị trường này đã chứng kiến những phiên giảm điểm liên tục, thậm chí được dự báo sẽ khó có tốc độ tăng mạnh trở lại. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng thị phần tăng của thị trường này trong năm 2014 sẽ không còn bao nhiêu.
Giá vàng thế giới đang giảm mạnh về mức cách đây 3 tháng sau công bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng USD tăng giá. Ở trong nước, giá vàng ngày 3/4 dao động quanh ngưỡng trên dưới 35 triệu đồng/lượng và còn cao hơn giá thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng 3 tháng qua theo công bố của Tổng cục Thống kê đã tăng khá (cao gấp đôi tiết kiệm trong cùng thời gian), nhưng chủ yếu do các nhà đầu cơ tạo "sóng", vì những lý do cục bộ nào đó, trong khi đó xu hướng chung là giá vàng đi xuống.
Bất động sản tuy có những dấu hiệu ấm lên, ngoài các yếu tố thật, nhưng chỉ có tính cục bộ (ở nơi này, nơi khác, ở phân khúc này, phân khúc khác) và theo phân tích của một số chuyên gia thì còn có những yếu tố "giả" của nhóm lợi ích đầu cơ, đầu tư, chưa có xu hướng rõ rệt, thậm chí còn có dự đoán "đáy" giá bất động sản còn đang ở phía trước.
Giá USD trên thế giới tăng, nhưng ở Việt Nam sẽ không tăng tương ứng bởi "cánh kéo tỷ giá" vẫn còn rất lớn. Ngân hàng Nhà nước vẫn tranh thủ lúc lạm phát thấp để mua USD, tăng dự trữ ngoại hối, nhưng tỷ giá sẽ không tăng cao, do ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn (FI, OA, FII, kiều hối, chi tiêu du lịch…) vẫn lớn, lãi suất tiền gửi bằng VND cao hơn nhiều so với lãi suất gửi bằng USD...
Gửi tiết kiệm tiếp tục được ưu tiên
Lý do dễ thấy nhất xuất phát từ ưu thế của việc gửi tiết kiệm, được thể hiện trên nhiều mặt khác nhau. Tiết kiệm là kênh đầu tư truyền thống khá lâu đời của người dân, xuất phát từ tâm lý "tích cốc phòng cơ". Trong cơ chế thị trường do diễn biến tình hình rất nhanh chóng, rủi ro nhiều và có thể đến bất cứ lúc nào, nếu có tiền gửi tiết kiệm sẽ an tâm hơn khi gặp rủi ro, do gửi tiết kiệm còn có lãi suất danh nghĩa, an toàn được bảo đảm bởi các yếu tố.
Bảo hiểm tiền gửi theo quy định tuy mức hiện nay đã quá lạc hậu (50 triệu đồng) so với sự mất giá của đồng tiền nhưng đang được đề xuất nâng lên. Điều quan trọng nữa là có sự bảo đảm của Nhà nước không để cho một ngân hàng vỡ nợ, phá sản vì an toàn của cả hệ thống.
Cái thời "lạm phát phi mã", việc gửi tiền giống như gửi cả con bò để ngân hàng quay hộ, sau một thời gian chỉ nhận được cái đuôi bò, đã qua rồi. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đã bảo đảm "thực dương". Từ 18/3, trần lãi suất huy động do Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ còn 6%/năm đối với tiền gửi từ 6 tháng trở xuống, thì lãi suất vẫn có thể bảo đảm "thực dương", bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội là tăng 7%.
Mức lãi suất "thực dương" này còn có thể cao hơn nữa khi mà Chính phủ đặt quyết tâm điều hành lạm phát năm này chỉ tăng dưới 6%. Cần lưu ý là nếu gửi tiết kiệm ở kỳ hạn dài hơn 6 tháng, với lãi suất trên dưới 7%/năm, thì chắc chắn lãi suất tính cho cả năm nay sẽ bảo đảm được “thực dương”.
Chính vì thế, ngay cả đối với những khoản tiền khá lớn của những nhà đầu tư nhưng hiện nay đang chưa biết đầu tư vào đâu, cũng đã "tạm trú" bằng cách gửi vào tiết kiệm để chờ cơ hội đầu tư vào các kênh khác có lợi hơn. Trong điều kiện lạm phát thấp, tổng cầu yếu thì gửi tiết kiệm là kênh thường được nhiều người lựa chọn.