Hà Nội: Năm 2019, ít nhất 90% người lao động tham gia BHXH bắt buộc

PV.

Ngày 10/12/2018, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND, triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/8/2018 của Chính phủ về chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn Thành phố. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấn đến năm 2019 có ít nhất 90% người lao động tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Gia tăng ít nhất 30-50% đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Theo Kế hoạch số 223/KH-UBND, TP. Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2019, tỷ lệ tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc và BHTN chiếm ít nhất 90% số đối tượng thuộc diện tham gia; tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ít nhất bằng 30% - 50% so với năm 2018.

Năm 2020, tỷ lệ tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc và BHTN chiếm ít nhất 95% số đối tượng thuộc diện tham gia; tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ít nhất bằng 30% - 50% so với năm 2019.

Giải pháp tăng số người tham gia BHXH

Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP. Hà Nội đã đề ra các giải pháp sau:

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan: BHXH, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã Thành phố... trong việc chia sẻ dữ liệu quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động, xác định rõ lao động của doanh nghiệp thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN và yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động tham gia đầy đủ theo quy định.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành BHXH về đóng BHXH, tập trung kiểm tra, thanh tra cả doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm chính sách BHXH, BHTN.

- Thống kê, rà soát số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, yêu cầu tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục, cải thiện quy trình, thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tham gia và thụ hưởng chế độ, đặc biệt liên qụan đến chính sách BHXH tự nguyện.

- Tăng cường đối thoại, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, khuyến khích thực hiện tốt chính sách đối với lao động, tập trung thực hiện tuyên truyền đối với chính sách BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ một phần tiền đóng của nhà nước từ ngày 1/1/2018; khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực, mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, quản lý BHXH.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện và bắt buộc

Cùng với các giải pháp trên, UBND TP. Hà Nội yêu cầu, các cơ quan ban ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các Sở, ban ngành, cơ quan đơn vị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Căn cứ vào chỉ tiêu của Nghị quyết số 102/NQ-CP để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cho từng loại đối tượng, theo từng thời gian, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Các giải pháp thực hiện phải cụ thể, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.

UBND Thành phố yêu cầu BHXH TP. Hà Nội xây dựng Đề án phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019- 2021; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã trình Thành phố giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tập trung đôn đốc, chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH nhằm đạt được chỉ tiêu đề ra…

UBND Thành phố cũng yêu cầu cơ quan BHXH các quận, huyện trên địa bàn triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH, BHTN. Phối hợp với cơ quan truyền thông xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về chính sách BHXH; tăng thời lượng tuyên truyền về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông chia sẻ dữ liệu với các Sở, ngành; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH.